Điều trị và ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS

19/11/2018 11:45

Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực và có nhiều thành công trong việc ngăn chặn lây lan đại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn đứng thứ tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về số ca HIV/AIDS.

 Ông Konaka Tetsuo

Mới đây, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ký kết biên bản thảo luận dự án hợp tác kỹ thuật nhằm hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa việc nhiễm HIV mới tại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về dự án này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Konaka Tetsuo, Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam.

JICA và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ký kết biên bản thảo luận Dự án hợp tác kỹ thuật “Thiết lập hệ thống phản hồi thông tin từ phòng thí nghiệm tới người bệnh vì một chương trình kháng virus (ARV) bền vững và ngăn ngừa nhiễm HIV mới tại Việt Nam”. Xin ông cho biết rõ hơn về dự án này?

Ông Konaka Tetsuo: Với sự nỗ lực của Chính phủ và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã được khống chế từ sau đợt bùng phát đầu những năm 2000. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 1-2019, chi phí điều trị HIV/AIDS sẽ chuyển sang thanh toán thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) do sự cắt giảm viện trợ của các tổ chức quốc tế. Thay đổi này có thể ảnh hưởng tới thành quả khống chế dịch HIV/AIDS của Việt Nam. Dự án nghiên cứu này của JICA sẽ thiết lập hệ thống giám sát chặt chẽ công tác điều trị HIV trong bối cảnh chuyển đổi sang BHYT và đề xuất các khuyến nghị thích hợp với Chính phủ Việt Nam phòng tránh được những bất lợi đáng tiếc. Dự án sẽ thiết lập hệ thống phần mềm giám sát người bệnh, kết nối giữa bệnh viện tuyến Trung ương (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) với các cơ sở y tế địa phương cho phép chia sẻ kết quả xét nghiệm của từng bệnh nhân. Kết quả trên hệ thống sẽ giúp các bác sĩ tại cơ sở y tế địa phương có thể phát hiện sớm thất bại điều trị, kháng thuốc ARV; từ đó lựa chọn phác đồ ARV mới một cách hợp lý nhất để tối ưu hóa mục tiêu ức chế virus, tránh bùng phát virus và giảm số lượng các trường hợp nhiễm mới HIV trong vùng. Dự án cũng tiến hành thiết lập hệ thống giám sát miễn dịch học đối với nhóm có nguy cơ cao nhiễm vi-rút HIV (nhóm đồng tính nam) đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV. Dự kiến, dự án được thực hiện từ tháng 4-2019 đến tháng 3-2024 chủ yếu tại khu vực miền Bắc.

Thưa ông, tại sao JICA lại hỗ trợ Việt Nam dự án này?

Ông Konaka Tetsuo: Mặc dù số bệnh nhân HIV/AIDS đã giảm nhưng HIV/AIDS vẫn là một vấn đề y tế toàn cầu và có ảnh hưởng tới mọi cộng đồng trên thế giới. Tuy nhiên, để đẩy lùi được đại dịch HIV/AIDS cần rất nhiều sự nỗ lực và hợp tác giữa các quốc gia. JICA mong muốn góp phần cùng Chính phủ Việt Nam ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS. Nội dung của dự án nhằm hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương, đây là một trong 3 định hướng hỗ trợ ODA của Nhật Bản với Việt Nam, phù hợp với chủ trương của JICA về bảo đảm an ninh con người. Tháng 6-2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra Chiến lược y tế toàn cầu về HIV giai đoạn 2016-2020 trong đó đề xuất định hướng bảo đảm mọi bệnh nhân có thể nhận được đầy đủ dịch vụ liên quan tới HIV/AIDS mà họ cần. Tuy nhiên, sự chuyển đổi điều trị HIV sang cơ chế thanh toán BHYT có thể khiến người bệnh gián đoạn điều trị hoặc bỏ điều trị, dẫn đến virus bùng phát và kháng thuốc, nguy cơ lây lan virus HIV kháng thuốc trong cộng đồng cao, thất bại mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus (ARV); 90% số người điều trị ARV có lượng virus HIV thấp dưới ngưỡng ức chế) và khó có thể đẩy lùi được đại dịch HIV/AIDS.

Ông có kỳ vọng gì vào dự án này?

Ông Konaka Tetsuo: Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng và mỗi năm có gần 14.000 trường hợp nhiễm mới HIV, đứng thứ tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực trong công tác phòng, chống và điều trị HIV/AIDS. Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2017, kết quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục ghi nhận 9 năm liên tiếp giảm số phát hiện mới, số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong do AIDS. Điều này cho thấy thành công của Việt Nam trong hoạt động phòng, chống và điều trị HIV/AIDS. Với dự án này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần duy trì thành công nói trên của Chính phủ và hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu 90-90-90 được đề ra trong Chương trình mục tiêu y tế-dân số giai đoạn 2016-2020; từ đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) như “Khỏe mạnh và đời sống tốt đẹp”.

Trân trọng cảm ơn ông.
Top