Điều trị sớm đồng nhiễm lao/HIV mang lại kết quả khả quan

24/03/2019 14:55

Trao đổi với trang tin điện tử của Tiếng Chuông, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều phối Chương trình Phòng, chống lao Quốc gia cho biết, khi phát hiện đồng nhiễm lao/HIV thì cần điều trị sớm cả lao và thuốc kháng virus. Điều này sẽ mang lại kết quả tốt.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung. Ảnh Nhật Thy

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Việt Nam đã không còn nằm trong danh sách các nước có gánh nặng bệnh lao/HIV cao trên thế giới vì chúng ta đã đạt được những tiến bộ khá tốt trong những năm gần đây.

Nếu trước đây mỗi năm có khoảng hơn 7.000 người vừa mắc lao và HIV thì năm 2018 chỉ phát hiện được hơn 3.000 trường hợp. Trong đó, tỷ lệ được điều trị cả lao và thuốc kháng virus đạt tới 94%.

Để kiểm soát lao/HIV cần xét nghiệm HIV cho tất cả những người bệnh mắc lao và sàng lọc lao cho những người có HIV. Khi phát hiện đồng nhiễm lao/HIV thì cần điều trị sớm cả lao và thuốc kháng virus sẽ mang lại kết quả tốt. Đồng thời, người có HIV sẽ có nguy cơ mắc lao cao, vì vậy cần điều trị dự phòng lao cho tất cả những người này.

“Hiện nay tỷ lệ được điều trị dự phòng còn quá thấp, có thể đó là nguyên nhân khiến đồng nhiễm lao/HIV của chúng ta hiện nay vẫn còn tới hơn 3.000 người một năm.”, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung cho biết.

Muốn giảm tỷ lệ đồng nhiễm, thì cơ chế cung cấp dịch vụ, cơ chế chuyển gửi và truyền thông giáo dục cho người bệnh hết sức quan trọng.

Việt Nam đã có mô hình lồng ghép tại các đơn vị phòng chống lao để có thể thực hiện luôn các dịch vụ y tế chăm sóc điều trị cho người có HIV. Đây là một mô hình được đánh giá cao. Vừa qua, tại Hội nghị cấp quản lý chương trình tại Manila, Phillippines do Tổ chức Y tế Thế giới Khu vực Tây Thái bình dương tổ chức cũng đã thống nhất định hướng cho hoạt động lồng ghép này mà Việt Nam như một mô hình tốt cho các nước tham khảo.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, hiện nay chương trình chống lao, đồng nhiễm lao/HIV tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Khó khăn lớn nhất cho vấn đề lao/HIV là cộng đồng còn nhiều kỳ thị, vì vậy người bệnh vẫn haygiấu bệnh, không đi khám để phát hiện sớm, tuân thủ điều trị cũng không cao.

Khó khăn thứ 2 đó là hệ thống y tế chưa được đồng đều, vẫn có sự tách biệt ở nhiều địa phương, chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị khám chữa bệnh chuyên khoa

Khó khăn thứ 3 là xét nghiệm chẩn đoán vẫn còn chưa được áp dụng tối ưu. Chương trình chống lao hiên đang có 200 máy GeneXpert có thể xét nghiệm được tải lượng virus nhưng chúng ta chưa áp dụng được cho xét nghiệm này. Tỷ lệ xét nghiệm lao cho người có HIV nghi lao cũng chưa được cao, cần có sự phối hợp tốt hơn.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia, biện pháp tốt nhất để giải quyết được phần lớn khó khăn hiện nay là triển khai mô hình lồng ghép đơn vị cung cấp dịch vụ cho cả 2 loại bệnh; cũng như cung cấp một dịch vụ thân thiện nhất cho người mắc lao/HIV.

Nhật Thy

Top