Điều trị nghiện bằng Methadone: Hiệu quả trong việc quản lý người nghiện

19/10/2017 18:25

Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã và đang áp dụng hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, trong giai đoạn đầu chuẩn bị triển khai mô hình, khi sự hiểu biết về Methadone vẫn còn hạn chế, còn nhiều ý kiến trái chiều việc triển khai phương pháp điều trị này.

Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền và vận động, mô hình đã được sự ủng hộ từ cấp trung ương đến tỉnh/thành phố cũng như cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai cũng như hiệu quả của mô hình.

Điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, cuộc sống và giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

Hơn 52 nghìn bệnh nhân đang được điều trị Methadone

Việt Nam đã thực hiện thí điểm chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone từ năm 2008 tại Hải Phòng và TPHCM. Chương trình thí điểm cho thấy điều trị Methadone rất hiệu quả trong việc kiểm soát nghiện heroin, và đã được chấp thuận để mở rộng dịch vụ ra các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Chương trình điều trị Methadone đã được mở rộng và phát triển nhanh trong những năm qua, tăng từ 1.735 người bệnh với 6 cơ sở điều trị năm 2009 lên đến 52.054 bệnh nhân được điều trị (tính đến hết tháng 7/2017) tại 294 cơ sở điều trị Methadone, đạt 65% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tiếp tục mở rộng cấp phát thuốc tại 216 điểm tại tuyến xã tại 23 tỉnh, cấp phát thuốc cho 22% tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone, các tỉnh miền núi Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, có đến 40-50% bệnh nhân uống thuốc Methadone tại xã.

So với cuối năm 2016, số bệnh nhân điều trị Methadone tăng thêm là 1.288 bệnh nhân, số cơ sở điều trị tăng thêm 9 và số cơ sở cấp phát thuốc tăng thêm 35 điểm. Trong số 294 cơ sở điều trị Methadone có 25 cơ sở điều trị Methadone do ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý tại 16 tỉnh thành phố. Năm 2015, triển khai thí điểm điều trị Methadone cho 29 bệnh nhân trongTtrại giam Phú Xuân tại tỉnh Thái Nguyên, cho đến nay còn duy trì 12 bệnh nhân và 15 bệnh nhân đã ra trại. 

Ban đầu triển khai, mô hình còn một số tồn tại, khó khăn từ việc lựa chọn địa điểm đặt cơ sở điều trị, bố trí các phòng, nhân sự trong cơ sở điều trị, đến việc xét chọn bệnh nhân, liều khởi đầu Methadone, tư vấn tâm lý trong và sau quá trình điều trị... dần dần được rút kinh nghiệm, khắc phục trong quá trình thực hiện mô hình.

Điều trị Methadone làm giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu quả bước đầu của điều trị Methadone tương đồng với các kết quả của điều trị trên thế giới như: Giảm việc sử dụng ma túy bất hợp pháp; giảm dùng chung bơm kim tiêm; giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu; giảm hoạt động tội phạm; hiệu quả về kinh tế; giảm chi phí cho người nghiện; tạo việc làm, thu nhập, tái hoà nhập cộng đồng, cải thiện xã hội; cải thiện tình hình sức khỏe...

Nghiên cứu về tính chất dược lý học của Methadone là một chất dạng thuốc phiện tổng hợp, Methadone là một chất đồng vận với các chất dạng thuốc phiện, nó cùng tác động trên các thụ thể μ của các chất dạng thuốc phiện ở não, gắn chặt vào các thụ thể μ và chiếm lấy các thụ thể này, với liều vừa đủ Methadone chiếm hết các thụ thể μ và ngăn chặn tác dụng của các chất dạng thuốc phiện khác. Do vậy, với liều vừa đủ, Methadone làm giảm sự thèm muốn các chất dạng thuốc phiện, đồng thời Methadone không gây hiện tượng dung nạp, do vậy mà khi đạt được tới liều ổn định Methadone không gây tăng liều trong suốt quá trình điều trị (đây là một đặc điểm khác biệt của Methadone với các loại ma túy chất dạng thuốc phiện khác).

Khi điều trị Methadone người nghiện ma túy không có các triệu chứng của hội chứng cai, nhu cầu sử dụng các chất dạng thuốc phiện khác giảm rõ rệt. Tuy nhiên, Methadone không tạo ra những ảo giác, khoái cảm như các chất dạng thuốc phiện khác, vì vậy một số người vẫn còn sử dụng các chất ma túy trong quá trình điều trị Methadone.

Tỷ lệ bệnh nhân dương tính với ma tuý khi xét nghiệm nước tiểu đã giảm từ 100% (trước điều trị Methadone) xuống là 15,5% (sau 12 tháng điều trị Methadone) và 12,4% (sau 24 tháng điều trị Methadone).

Những lợi ích của điều trị Methadone còn giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng, cải thiện và ổn định quan hệ với gia đình. Tương tự như vậy chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng tốt lên, chỉ số trả lời từ tốt trở lên chỉ chiếm 15,9% trước điều trị đã tăng lên 50,6% sau 12 tháng điều trị và tiếp tục tăng lên 55,1% sau 24 tháng tháng điều trị Methadone. Người bệnh hài lòng với sức khoẻ của mình cũng tăng từ 81,6% trước điều trị lên 93,8% sau 12 tháng điều trị và 94,1% sau 24 tháng điều trị Methadone.

Giảm phạm tội trong đối tượng tham gia điều trị

Điều trị Methadone làm giảm sử dụng ma túy, không còn tình trạng đói ma túy do vậy mà nhu cầu kiếm tiền bằng bất cứ giá nào kể cả phạm tội để có tiền mua ma túy cũng giảm, đồng thời thuốc Methadone ngăn chặn các hiệu ứng phấn khích do tác dụng ma túy, góp phần điều chỉnh hành vi tâm lý, giúp người bệnh hiền lành hơn, sống hướng thiện hơn, dễ tìm được việc làm, có cơ hội để cải thiện cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động bình thường của xã hội, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử ở nơi làm việc theo khuyến cáo của UNAIDS. Điều trị Methadone đã giúp làm giảm các hành vi bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Kết quả nghiên cứu về hành vi bạo lực gia đình cho thấy có sự giảm đi rõ rệt, nếu như tỷ lệ này trước điều trị Methadone là 90,4%, sau 12 tháng điều trị Methadone đã giảm xuống 2,5%, tỷ lệ này chỉ còn 2,3% sau 24 tháng điều trị Methadone, sự khác biệt của tỷ lệ này trước điều trị với sau 12 tháng điều trị và sau 24 tháng điều trị là rất có ý nghĩa.

Bệnh nhân điều trị bằng Methadone được uống thuốc và tư vấn hàng ngày giúp họ lấy lại thăng bằng về trạng thái thần kinh, không bị cơn nghiện vật vã, họ có công ăn việc làm, có thu nhập, sức khỏe được cải thiện, được gia đình và bạn bè đón nhận nên giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống và nhân tính trong họ được đánh thức dẫn đến giảm tội phạm. Mặt khác, chúng ta cũng chưa loại trừ những sai số trong điều tra, phỏng vấn do đối tượng nghiên cứu che dấu, không cung cấp đúng sự thật về những thông tin nhạy cảm này vì họ sợ bị loại ra khỏi chương trình điều trị Methadone, đây là vấn đề cần lưu ý khi tiến hành các nghiên cứu tương tự.

Kết quả nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, điều trị Methadone làm giảm các phạm pháp trong gia đình (lấy tiền, bán đồ đạc của gia đình, de dọa người thân...): Tỷ lệ đối tượng sai phạm trên 25 ngày trong một tháng giảm từ 70% trước điều trị xuống còn 5,5% sau 1 tháng, tới tháng thứ 5 chỉ còn 2,8% bệnh nhân có sai phạm dưới 20 ngày/tháng.

Nghiên cứu của Ball JC, Ross A, hiệu quả mô hình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone, dịch vụ, mô hình, bệnh nhân (1991), đã chứng minh rằng điều trị thay thế bằng thuốc Methadone đã giảm đáng kể ngày liên quan đến phạm tội trung bình mỗi năm. Tương tự như vậy, nghiên cứu của Simpson DD, Sells SB (DARP 1982), cho thấy trong năm đầu tiên có 41% người được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone không liên quan đến tội phạm trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm không được điều trị chỉ là 27%. Nghiên cứu của McGlothlin WH, Anglin MD, ngừng cung cấp Methadone giá trị và lợi ích (1981), cũng cho thấy tỷ lệ ngày liên quan đến tội phạm sau khi điều trị 1 năm đã giảm từ 31,3% xuống còn 12%.

Điều trị làm tăng cơ hội có việc làm

Người tham gia điều trị Methadone còn được chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội hỗ trợ, tìm việc làm ngoài cộng đồng, ngay bản thân người bệnh khi không còn nghiện ma túy cũng có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cũng như có việc làm trở lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có việc làm sau điều trị đã tăng lên từ 64% trước điều trị lên 73% sau 12 tháng điều trị và lên 75,9% sau 24 tháng điều trị.

Nghiên cứu của Simpson DD, Sells SB, nghiên cứu can thiệp hiệu quả điều trị cai nghiện ma tuý: Tổng quan về các mô hình nghiên cứu của DARP (1982), tỷ lệ người có việc làm sau điều trị đã tăng lên từ 33% trước điều trị một năm, sau điều trị 3 năm tỷ lệ này đã tăng lên gần 60%.

Tìm kiếm việc làm ở nước ta cho mọi đối tượng lao động phổ thông đang là khó khăn, đối với người có tiền sử nghiện ma tuý thì càng khó khăn hơn. Một số khó khăn chủ yếu là do trình độ thấp, không được đào tạo nghề nghiệp cơ bản, sau một thời gian tiêm chích ma túy kéo dài nên sức khỏe thường không tốt. Tuy nhiên, một tỷ lệ rất nhỏ (dưới 10%) bệnh nhân nhận được các hỗ trợ xã hội, bao gồm mô hình hỗ trợ người tiêm chích ma túy sau cai tái hòa nhập cộng đồng.

Mô hình điều trị Methadone mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trong quý đầu tiên kể từ khi bắt đầu triển khai, chi phí trung bình ngày/người rất cao, ở mức trên 241.000 đồng, lý do là cho đến cuối quý này mô hình mới tuyển chọn được ít bệnh nhân, trong khi các hoạt động tuyển dụng cán bộ, sửa chữa nhà cửa và mua sắm trang thiết bị đã được tiến hành nên chi phí đã bỏ ra nhiều. Tuy nhiên, chi phí trung bình giảm rất nhanh xuống còn 42.700 đồng và 27.000 đồng trong 2 quý sau đó. Đến quý thứ IV, chi phí trung bình trên ngày/người điều trị chỉ còn xấp xỉ 21.700 đồng, khi mô hình đạt mức 57% công suất thiết kế.

Cơ sở điều trị Methadone có mức chi phí trung bình trên ngày/người thấp nhất là huyện Thủy Nguyên, chưa đến 16.100 đồng (0,98 USD). Hai cơ sở điều trị Methadone cùng TP. Hải Phòng có chi phí trung bình cao hơn một ít: Quận Lê Chân là 17.200 đồng (1,04 USD) và quận Ngô Quyền là 21.000 đồng (1,28 USD).

Tại TPHCM, nơi số lượng bệnh nhân được tuyển chọn thấp hơn, 03 cơ sở điều trị Methadone có chi phí trung bình ngày/người cao hơn, lần lượt là quận 4 - 26.200 đồng (1,59 USD), quận 6 là 28.000 đồng (1,7 USD) và quận Bình Thạnh, 32.500 đồng (1,98 USD).

Cấu trúc tổng chi phí của 6 cơ sở điều trị Methadone cho thấy, 85% tổng chi phí của mô hình Methadone là chi phí trực tiếp. Khoản chi ngân sách chiếm tỷ lệ lớn nhất để duy trì hoạt động của các cơ sở là tiền công cán bộ, chiếm đến 59% tổng chi phí. Thực tiễn này chỉ ra rằng nếu muốn tăng mức hiệu quả trên chi phí của các cơ sở điều trị thì điều cần quan tâm hàng đầu là sử dụng cán bộ sao cho hợp lý và có hiệu quả. Các chi phí trực tiếp khác, bao gồm thuốc, xét nghiệm và vật tư tiêu hao chiếm 26% tổng chi phí, trong đó chủ yếu là thuốc Methadone – chiếm 19% tổng chi phí. Chi phí gián tiếp chiếm tỷ lệ lớn nhất là chi phí vận hành, bao gồm tiền điện, nước, văn phòng phẩm, đi lại, tổ chức họp ban xét chọn… Tổng cộng chi phí vận hành chiếm 10% tổng chi phí. Khấu hao trang thiết bị và đầu tư nâng cấp nhà chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ, lần lượt là 3% và 2%.

Như vậy, với cơ cấu tổ chức như hiện nay, chi phí trên ngày/người điều trị cho cơ sở điều trị Methadone với quy mô 150 bệnh nhân sẽ là 20.750 đồng (1,26 USD) (tỉ giá tại thời điểm quý I/2009 là 1USD = 16.450 đồng), chi phí điều trị cho một người một năm sẽ là 460 USD. Tương tự như vậy, với cơ cấu tổ chức hiện có, khi cơ sở điều trị Methadone đạt công suất 250 bệnh nhân thì chi phí trên ngày/người chỉ còn 15.500 đồng. Với phương án tổ chức hợp lý, chi phí trên ngày/người của mô hình Methadone có thể đạt đến mức chỉ còn 12.500 đồng (0,76 USD) tại các cơ sở điều trị Methadone có quy mô điều trị 400 bệnh nhân (chi phí cho một người trong một năm sẽ là 277 USD).

Tổng chi phí vận hành một cơ sở điều trị Methadone quy mô như vậy là 1,82 tỷ đồng một năm (khoảng gần 111.000 USD). Mức chi phí 20.750 đồng (1,26 USD) là quá thấp so với số tiền một người nghiện phải bỏ ra hàng ngày cho việc sử dụng ma túy bất hợp pháp. Trung bình một ngày người nghiện ma túy phải bỏ ra từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng cho việc sử dụng ma túy bất hợp pháp.
Top