Điều trị Methadone: Hiệu quả cao trong dự phòng lây nhiễm HIV

03/06/2020 14:23

10 năm qua, mô hình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã chứng tỏ hiệu quả về dự phòng lây nhiễm HIV, xã hội, kinh tế tại Hà Nội. Việc triển khai điều trị Methadone được xã hội đồng tình, dư luận hoan nghênh, ủng hộ với mong muốn mở rộng để đáp ứng nhu cầu của gia đình và bệnh nhân điều trị.

 Mô hình điều trị Methadone làm giảm tội phạm do người nghiện gây ra. Ảnh: Thùy Chi

Gần 5 nghìn bệnh nhân được điều trị Methadone

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, toàn TP. Hà Nội hiện duy trì hoạt động 17 cơ sở điều trị Methadone, điều trị cho 4.903 bệnh nhân, đạt 75,4% so với chỉ tiêu Thành phố giao, tăng 105 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 2.421 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở điều trị giai đoạn thí điểm; 2.482 bệnh nhân đang điều trị tại 11 cơ sở điều trị mở rộng.

Chương trình điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, góp phần làm giảm tình trạng sử dụng ma túy, vi phạm pháp luật, lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Từ 100% bệnh nhân sử dụng heroin khi bắt đầu điều trị giảm xuống chỉ còn 1,9% sau 3 năm điều trị, tần suất và số lượng đã giảm nhiều.

Việc điều trị cũng khiến bệnh nhân thay đổi hành vi, nhận thức. Đơn cử, trước khi điều trị, tỷ lệ bệnh nhân sử dụng ma túy dùng chung bơm kim tiêm khá cao (22%). Nhưng tỷ lệ này giảm xuống nhanh chỉ còn 1,1% sau 1 tháng điều trị; sau 6 tháng vẫn còn 0,6% bệnh nhân sử dụng bơm kim tiêm nhưng sau 9 tháng và sau 1 năm điều trị đã không còn bệnh nhân nào sử dụng chung bơm kim tiêm.

Ngoài ra, điều trị Methadone còn giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng, ổn định quan hệ với gia đình. Mô hình này đã giúp bệnh nhân điều trị an toàn. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau 12 tháng điều trị Methadone đạt mức tốt chiếm tỷ lệ rất cao. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân có thời gian điều trị từ 12 - 24 tháng và từ 24 - 36 tháng tự đánh giá chất lượng cuộc sống tốt lần lượt là 96% và 97%. Không có bệnh nhân nào tự đánh giá chất lượng cuộc sống kém. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm tương đối cao, từ 12 - 24 tháng tỷ lệ có việc làm là 73%, từ 24 - 36 tháng tỷ lệ này là 79%.

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cũng giúp giảm chi phí lớn cho Hà Nội. Các bệnh nhân tham gia điều trị Methadone đã lấy lại được niềm tin của gia đình và tự đến uống thuốc hàng ngày tại các cơ sở điều trị. Một số người đã tìm được công ăn việc làm giúp đỡ gia đình và bước đầu ổn định cuộc sống. Mặt khác, người bệnh còn cắt đứt được các mối liên hệ với những người buôn bán ma túy và không bị thao túng bởi các loại tội phạm khác vì mục đích có ma túy để sử dụng.

Đặc biệt, mô hình đã làm giảm tội phạm do người nghiện gây ra. Từ 60,8% bệnh nhân phạm tội trước khi điều trị xuống còn 3,9% sau 1 tháng điều trị và còn 0,5% sau 6 tháng và chỉ còn 0,2% bệnh nhân phạm tội sau 1 năm điều trị. Việc tham gia điều trị Methadone làm giảm chi phí đáng kể đối với các gia đình có người nghiện; giảm chi phí rất lớn cho nhà nước trong việc khắc phục các hậu quả khác của ma túy.

Nếu chỉ tính số tiền chi cho việc sử dụng heroin bình quân của 250 bệnh nhân cho mỗi cơ sở điều trị, mỗi tháng đã tiết kiệm được 1,5 tỷ đồng cho bệnh nhân, gia đình và cộng đồng, đúng bằng chi phí vận hành cơ sở cho 1 năm. Như vậy, đầu tư một đồng cho điều trị Methadone thu lại được 12 đồng nếu chỉ tính chi phí mua heroin, chưa kể lợi ích do giảm chi phí liên quan đến tội phạm ma túy, do người bệnh tái hòa nhập cộng đồng có công ăn việc làm đóng góp thu nhập, thuế cho xã hội.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng mô hình điều trị

Để giúp người nghiện có cơ hội tiếp cận với chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Đến cuối năm 2020, Hà Nội phấn đấu có 6.500 bệnh nhân được điều trị thay thế Methadone; tạo điều kiện để 90% số người nghiện, người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện. Lập hồ sơ và đưa 800 người nghiện đi cai nghiện ma túy bắt buộc.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 600 người. Vận động, đưa 2 nghìn người đi cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy của Thành phố.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho những bệnh nhân đang điều trị Methadone, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở điều trị Methadone thực hiện giãn cách xã hội với việc giảm tần suất khám, tư vấn và thực hiện phân luồng bệnh nhân điều trị.

Bên cạnh đó, tập huấn online, hướng dẫn quy trình cấp phát thuốc Methadone cho 17 cơ sở điều trị Methadone cũng như hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình cho cơ sở điều trị trong trường hợp bệnh nhân phải cách ly.

Đầu tháng 4/2020 khi thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh trong diện phong tỏa, CDC Hà Nội đã trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật cơ sở điều trị Methadone huyện Đông Anh rà soát 12 bệnh nhân để cấp phát thuốc liên tục cho người bệnh. Cơ sở điều trị Methadone quận Hoàng Mai cũng đã thực hiện cấp phát thuốc cho bệnh nhân khi phải cách ly y tế liên tục trong 14 ngày.

Như vậy, chương trình điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone tại Hà Nội vẫn được bảo đảm liên tục, không bị gián đoạn cho các bệnh nhân trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác này, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng chương trình điều trị Methadone với chỉ tiêu là cho 6.500 người nghiện ma túy. Ngoài ra, ngành Y tế sẽ phối hợp ngành LĐTB&XH triển khai điều trị Methadone tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông trong cộng đồng, nhóm người nghiện ma túy về những lợi ích của chương trình để người nghiện và gia đình tiếp cận, đăng ký điều trị.

Tại các cơ sở điều trị Methadone bảo đảm thực hiện quy trình điều trị, quản lý thuốc theo đúng quy định. Định kỳ đánh giá các chỉ số chất lượng điều trị nhằm cải thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ tại cơ sở đáp ứng nhu cầu của người bệnh trong quá trình điều trị.
Top