Điều trị Methadone: Cần nhân rộng mô hình tại khu vực vùng sâu, vùng xa

11/12/2018 13:50

Năm 2018 là 10 năm Việt Nam triển khai chương trình Methadone, tuy nhiên, việc điều trị cai nghiện ma tuý bằng chất thay thế Methadone vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Các ngành chức năng cần tăng cường công tác truyền thông, vận động chính sách; tiếp tục mở rộng mô hình cấp phát thuốc Methadone tại tuyến xã, phường, đặc biệt tại các tỉnh miền núi.

 

 Các nghiên cứu quốc tế đã đưa ra bằng chứng thống nhất là điều trị thay thế bằng Methadone giúp người nghiện giảm tần suất sử dụng các loại ma túy; giảm các hành vi tội phạm liên quan đến ma túy; giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng ma tuý quá liều; tăng hiệu quả của việc điều trị HIV bằng thuốc kháng virus ARV. Ảnh: Thùy Chi

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, điều trị nghiện các các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone bắt đầu triển khai từ năm 2008. Sau 1 năm triển khai thí điểm và đánh giá kết quả chương trình thí điểm thấy hiệu quả tốt, Chính phủ đã cho phép mở rộng chương trình ra toàn quốc và đặt mục tiêu điều trị 80.000 bệnh nhân trên toàn quốc. Tính đến 30/6/2018, 63 tỉnh/thành phố đã triển khai điều trị cho 54.255 bệnh nhân tại 314 cơ sở điều trị (đạt 67% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1008/QĐ-TTg).

Điều trị nghiện bằng Methadone đã được các nước trên thế giới và ở Việt Nam đánh giá đem lại nhiều hiệu quả cho người nghiện, gia đình họ và xã hội. Người nghiện giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp, không còn nhu cầu bức bách kiếm tiền để mua ma túy nên giảm tội phạm và giảm bạo lực gia đình, họ có khả năng lao động và tạo thu nhập, được sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng, chi phí điều trị thấp..

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn lực dành cho phòng, chống HIV/AIDS liên tục cắt giảm, bao gồm cả ngân sách nhà nước và vốn viện trợ quốc tế, làm ảnh hưởng đến việc triển khai mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong đó có Methadone. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu nhân lực và kinh phí. Tuyên truyền về Methadone chưa sâu rộng, nhiều người chưa hiểu rõ lợi ích của chương trình, vẫn còn những thông tin trái chiều về chương trình. Tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp, cũng như sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy; tăng số lượng bệnh nhân tham gia điều trị Methadone sử dụng thêm ma túy khác dẫn đến bị bắt đi cai nghiện bắt buộc gia tăng. Nhiều địa phương mở rộng các hình thức cái nghiện khác nhau nên người nghiện có nhiều lựa chọn trong điều trị. Một số tỉnh miền núi do giao thông đi lại khó khăn.

Điều trị Methadone là điều trị lâu dài và phải đến uống thuốc hàng ngày do đó có một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân đã bỏ trị. Tình trạng bỏ trị theo thời gian có chiều hướng gia tăng, trong đó bỏ không rõ lý do, bỏ do khoảng cách xa, bị bắt giam, tự nguyện xin dừng điều trị, chuyển cơ sở, bị đưa vào cơ sở cai nghiện là những nguyên nhân chính.

Để duy trì thành quả đã đạt được và tăng số người nghiện ma túy được điều trị, PGS. TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, thời gian tới cần tăng cường công tác truyền thông, vận động chính sách; tiếp tục mở rộng mô hình cấp phát thuốc tại tuyến xã/phường đặc biệt tại các tỉnh miền núi. 

Đồng thời, triển khai điều trị bằng các thuốc khác  như Suboxone – buprenorphin/naloxone; tăng cường chất lượng điều trị, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào điều trị Methadone nhằm giảm tải các hồ sơ biểu mẫu rườm rà, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận điều trị và uống thuốc tại địa phương một cách đơn giản hơn; hỗ trợ công tác triển khai điều trị tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở giam giữ: ngành Y tế hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thuốc điều trị.
Top