Điều trị ARV cho người nhiễm HIV còn nhiều thách thức

21/11/2017 14:06

Thế giới không chỉ giảm số ca lây nhiễm HIV và số ca tử vong do AIDS, mà ngày càng nhiều bệnh nhân được tiếp cận với các liệu pháp điều trị kháng HIV, giúp kéo dài sự sống. Tuy nhiên, việc phòng chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là mục tiêu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV.

HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại nếu không đầu tư lâu dài

Báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho thấy, số ca tử vong do AIDS trong năm 2016 là 1 triệu người, giảm gần một nửa so với mức đỉnh điểm 1,9 triệu người tử vong năm 2005.

Trong năm 2016 có 19,5 triệu trên tổng số 36,7 triệu người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng retrovirus (ARV), đánh dấu việc lần đầu tiên hơn một nửa số người nhiễm được điều trị theo phương pháp trên. Cũng trong năm 2016, thế giới ghi nhận 1,8 triệu ca nhiễm mới HIV, giảm gần một nửa so với mức 3,5 triệu ca của năm 1997.

Kể từ dịch HIV/AIDS khi bùng phát vào những năm 80 của thế kỷ 20 đến nay, đã có khoảng 76,1 triệu người nhiễm HIV và khoảng 35 triệu người tử vong. Tính đến năm 2016, 70% số người nhiễm HIV đã được biết về tình trạng của mình, trong đó 77% được điều trị và 82% đã ngăn chặn hiệu quả sự phát triển của virus HIV. Số ca nhiễm mới ở trẻ em cũng đã giảm rõ rệt từ 300.000 em vào năm 2010 xuống 160.000 em vào năm 2016, phần lớn là do ngày càng nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tiếp cận với các loại thuốc ngăn chặn nguy cơ lây lan HIV sang con.

Trong thời gian gần đây, khu vực Đông và miền Nam châu Phi, nơi ảnh hưởng nặng nề nhất bởi căn bệnh thế kỷ này và được nghành Y tế tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ, đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Theo đó, từ năm 2010, số ca tử vong do AIDS tại khu vực vốn chiếm khoảng một nửa số ca nhiễm HIV trên toàn thế giới đã giảm khoảng 42%. Có tới 60% trong tổng số ca nhiễm HIV tại đây đã được điều trị ARV, tiến gần hơn tới mục tiêu của Liên Hợp Quốc là đến năm 2020, 90% số người nhiễm HIV được tiếp cận liệu pháp này.

Tuy nhiên, UNAIDS vẫn bày tỏ quan ngại về 2 khu vực ghi nhận chiều hướng xấu của bệnh AIDS, đó là Trung Đông - Bắc Phi và Đông Âu - Trung Á khi cả 2 khu vực này đều bị ảnh hưởng bởi xung đột và bất ổn chính trị. Theo đó, tại Đông Âu và Trung Á, số ca nhiễm mới đã tăng 60%, trong khi số ca tử vong tăng gần 1/3 trong giai đoạn 2010 - 2016. Cùng thời điểm này, Trung Đông và Bắc Phi ghi nhận số ca tử vong do AIDS tăng khoảng 20%.

Báo cáo của UNAIDS nhấn mạnh, dù đã đạt những tiến bộ đáng kể, nhưng thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để hạn chế lây lan HIV/AIDS. Hiện vẫn có khoảng 30% số người nhiễm HIV chưa biết tình trạng bệnh của bản thân; 17,1 triệu người nhiễm chưa được tiếp cận điều trị ARV và hơn một nửa trong tổng số người nhiễm HIV chưa ngăn chặn được diễn tiến của bệnh. Trong tổng số người nhiễm HIV, hơn 2 triệu trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi, song chỉ có 43% được điều trị.

HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại nếu không đầu tư lâu dài

Tại Hội nghị Quốc tế về HIV/AIDS ở Paris diễn ra mới đây ở Pháp đã thu hút hơn 6.000 các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS để đánh giá về những tiến bộ trong khoa học cũng như định hướng nghiên cứu về HIV/AIDS trong thời gian tới.

Nhiều thành tựu trong nghiên cứu về điều trị HIV/AIDS đã được báo cáo, cũng như việc phát triển các loại thuốc mới giúp cho người nhiễm HIV tiếp cận dễ dàng và hiệu quả hơn trong điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức trong điều trị HIV/AIDS.

Thách thức đầu tiên đó là cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này, những người nhiễm HIV cho đến nay chỉ có thể kéo dài sự sống nhờ điều trị ARV để làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể đồng thời kiềm chế sự tiến triển thành AIDS ngăn chặn sự lây lan của HIV. Một số báo cáo đánh giá hiệu quả của điều trị bằng thuốc ARV chỉ ra rằng có thể kiểm soát được lượng virus trong máu dưới ngưỡng phát hiện và như vậy có thể ngăn ngừa sự lây truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục cũng như lây truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc không còn HIV trong máu và nguy cơ HIV có thể sinh sôi nếu không tiếp tục dùng thuốc ARV.

Khó khăn tiếp theo là số người tiếp cận với ARV đã tăng lên nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV. Báo cáo của Liên Hợp Quốc đã chỉ ra lần đầu tiên có trên 50% người nhiễm HIV trên thế giới được điều trị ARV (19,5 triệu người đã được điều trị bằng ARV trên tổng số 36,7 triệu ca nhiễm HIV). Trong khi phần lớn số người được điều trị ARV miễn phí hiện nay đang từ nguồn viện trợ. Do vậy để tiếp cận mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị là thách thức rất lớn.

Một khó khăn khác là các nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế cho phòng chống HIV/AIDS đang giảm. Các nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS cũng giảm dần.

Bà Linda - Gail Bekker, Chủ tịch Hiệp hội AIDS Quốc tế tại Hội nghị khoa học Quốc tế lần thứ 9 về HIV cảnh báo: HIV sẽ không bao giờ bị diệt nếu không có nghiên cứu. Nghiên cứu sẽ không tiến triển nếu không có đầu tư lâu dài và đại dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại nếu không tiếp tục đầu tư lâu dài cho việc nghiên cứu khoa học để chấm dứt đại dịch, vì phần lớn nguồn đầu tư cho nghiên cứu phụ thuộc vào nguồn tài chính mà các nước đóng góp cho chương trình phòng chống HIV/AIDS nhưng hiện nay đang cắt giảm.
Top