Điểm sáng công tác quản lý, giáo dục người nghiện

18/02/2020 10:13

Triển khai Nghị quyết của Đảng ủy Công an TP Hạ Long về “Nâng cao hiệu quả công tác lập hồ sơ, đưa người nghiện và vi phạm pháp luật khác vào áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại phường”, năm 2019, số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu giảm gần 26% (121 vụ), tệ nạn ma túy và tội phạm có liên quan đến người nghiện giảm rõ rệt so với năm 2018, đưa Công an TP Hạ Long trở thành điểm sáng toàn tỉnh, được Bộ Công an đánh giá rất cao.

Công an TP Hạ Long họp bàn về giải pháp phòng chống tội phạm

Trước năm 2018, số vụ bắt giữ, khởi tố về tội phạm ma túy trên địa bàn TP Hạ Long luôn ở mức cao (trên 130 vụ, 150 đối tượng). Tính đến tháng 9/2018, Hạ Long có trên 700 người nghiện ma túy; khoảng 200 người nghi nghiện, sử dụng các loại ma túy, có xu hướng ngày càng tăng và diễn biến phức tạp, tập trung nhiều tại các phường Cao Xanh, Cao Thắng, Hà Lầm, Hồng Hải, Hồng Hà, Bãi Cháy, Giếng Đáy... Trong khi đó, các chương trình cai nghiện tại gia đình cộng đồng, cai nghiện thay thế bằng methadone hiệu quả không cao. Năm 2017, toàn thành phố chỉ lập được 15 hồ sơ, năm 2018 lập được 8 hồ sơ cai nghiện bắt buộc.

Qua công tác nắm tình hình và đấu tranh xử lý tội phạm trên địa bàn thành phố cho thấy, tệ nạn ma túy là nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm đặc biệt là trộm cắp tài sản. Các đối tượng nghiện hầu hết có tiền án, tiền sự, nhiễm HIV..., nên không có việc làm ổn định, rất dễ vi phạm pháp luật.

Ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 70-NQ/ĐUCA, Công an thành phố đã yêu cầu Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công an các phường tiến hành tổng rà soát, phân loại, thí điểm thực hiện việc triệu tập, xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện và lập hồ sơ giáo dục cho các đối tượng nghiện tại các phường. Nếu sau 3 tháng áp dụng biện pháp giáo dục tại phường mà vẫn nghiện, những đối tượng này sẽ được lập hồ sơ để đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng.

Từ tháng 10/2018-15/1/2020, Công an thành phố đã tổ chức xét nghiệm cho 1.126 lượt/821 đối tượng (chiếm gần 90% số người nghiện, nghi nghiện), trong đó có 495 trường hợp dương tính với các chất ma túy; đã đưa 113 trường hợp vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Công an thành phố còn vận động thêm 132 trường hợp đi cai nghiện tự nguyện.

Việc tích cực rà soát, triệu tập xét nghiệm, đưa các trường hợp nghiện, nghi nghiện vào giáo dục tại phường hay đi cai nghiện bắt buộc, tự nguyện, đã tác động không nhỏ đến bản thân người nghiện, giải tỏa được sự bức xúc của nhân dân. Ông Nguyễn Hoàng Kết (phường Cao Xanh) chia sẻ: Cách đây chỉ hơn 1 năm, khu vực dốc Rạp Ruồi, Sân bóng, Yên Ngựa... luôn tụ tập rất đông người nghiện ma túy đến chích hút công khai. Mỗi đêm có thêm hàng chục ống kim tiêm còn dính máu vứt bừa bãi, khiến cho những địa điểm này nhiều năm trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Với sự quyết liệt của Công an phường, hiện tình trạng con nghiện vật vờ ngồi tiêm chích không còn.

Việc “cách ly” người nghiện, nghi nghiện ra khỏi cộng đồng, khiến cho những đối tượng này không còn khả năng phạm tội, nguồn “cầu” về ma túy cũng giảm mạnh. Từ đó, góp phần hạn chế nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm; giải quyết tình trạng các đối tượng “ngáo đá” đập phá tài sản, gây rối trật tự. Đáng chú ý, việc thực hiện Nghị quyết số 70 đã tạo ra sự chuyển biến lớn trong nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hạ Long về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý người nghiện, lập hồ sơ giáo dục tại phường và cai nghiện bắt buộc, mở ra tiền đề cho các năm tiếp theo; tác động tích cực đến công tác đảm bảo ANTT, góp phần đưa Hạ Long trở thành điểm đến ngày càng an toàn, thân thiện và văn minh.

Theo báo Dân sinh

Top