Đem lại lợi ích thiết thực cho người cai nghiện qua việc sử dụng dịch vụ xã hội

13/07/2020 14:00

Sau một năm triển khai thực hiện, 2 mô hình: Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy; Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng tại Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào việc quản lý chặt chẽ di biến động của người nghiện, đem lại lợi ích thiết thực cho họ thông qua việc sử dụng các dịch vụ xã hội.

Sáng nay (13/7), Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch các mô hình chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy tại các địa phương năm 2020.

Tham dự Hội nghị có đại diện Vụ Khoa giáo-Văn xã, VPCP; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH; Ban Chỉ đạo 138, các sở, ngành, các địa phương triển khai mô hình của TP. Hà Nội; Trung tâm Sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI).

Tại Hội nghị, ông Hoàng Thành Thái, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo 138 Thành phố, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐTB&XH cho biết, tại Hà Nội hiện có 12.917 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có gần 9.000 người đang ở cộng đồng, số người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm trên 60%.

Ông Hoàng Thành Thái, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo 138 Thành phố, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐTB&XH Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Nhật Thy

Trước mối nguy hại của tệ nạn ma túy, những năm qua Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho công tác cai nghiện ma túy với nhiều mô hình, bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau như: Cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, tư nhân, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone... Mỗi mô hình đều phát huy được những ưu điểm riêng, tuy nhiên trên thực tế, công tác cai nghiện ma túy vẫn còn rất nhiều khó khăn, bởi nó bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ từ y tế, tâm lý, pháp lý, xã hội... Việc thực hiện đơn lẻ các mô hình cai nghiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người nghiện cũng như chưa giải quyết được tất cả những vấn đề người nghiện gặp phải, do đó hiện nay tỷ lệ người sau cai tái nghiện còn tương đối cao.

Trước những khó khăn, thách thức trong công tác cai nghiện ma tuý, ngày 07/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống ma tuý đến năm 2020 theo Quyết định số 424/QĐ-TTg, trong đó đã đề ra giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma tuý. Một trong các nhiệm vụ để thực hiện giải pháp đó là triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm của Đề án coi nghiện ma tuý là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện ma tuý là quá trình lâu dài nhằm làm thay đổi nhận thức, hành vi, giảm tác hại và giảm tình trạng sử dụng ma tuý trái phép. Theo đó cần phát triển Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng nhằm huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện nâng cao nhận thức, tuân thủ việc điều trị lâu dài tại cộng đồng. Cũng theo Quyết định 424/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ cai nghiện ma tuý, trong đó có nghiên cứu, triển khai Mô hình trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội.

Thực hiện định hướng của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2019, TP. Hà Nội đã xây dựng và triển khai thí điểm 02 mô hình: Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại 6 phường trên địa bàn quận Long Biên, Nam Từ Liêm; mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.

Mục tiêu chung của hai mô hình đó là: Phát triển mạng lưới điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo định hướng của Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020; Tạo điều kiện để người sử dụng, người nghiện ma túy và thân nhân của họ được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma túy và phục hồi toàn diện tại cộng đồng; giảm tác hại do sử dụng ma túy, giảm các hành vi vi phạm pháp luật và nguy hại đối với người sử dụng ma túy và cộng đồng, kiềm chế gia tăng số người nghiện mới, góp phần giảm tỷ lệ phạm tội trong nhóm đối tượng sử dụng ma túy, nghiện ma túy trên địa bàn thành phố.

Sau một năm triển khai thực hiện, các mô hình bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào việc quản lý chặt chẽ di biến động của người nghiện, đem lại lợi ích thiết thực cho họ thông qua việc sử dụng các dịch vụ xã hội. Năm 2019 mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy" đã tiếp cận, tư vấn, chuyên gửi cho 170/150 người (đạt 113,3% kế hoạch), trong đó 118 người được tư vấn, chuyển gửi đến dịch vụ xét nghiệm và điều trị dự phòng HIV, 94 người được chuyển gửi điều trị Methadone, 87 người được tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy, dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm: 61 người,... Tính đến thời điểm tháng 6/2020, tổng số người được tiếp nhận là 202 người. Đối với mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại phường Hàng Buồm, số được tiếp cận, tư vấn là 15 lượt người.

Theo ông Hoàng Thành Thái, để đạt được những kết quả trên là nhờ sự vào cuộc, sự phối hợp tích cực của các Sở, ngành, UBND các quận đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương các địa bàn thí điểm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện các mô hình thời gian qua cũng bộc lộ những khó khăn nhất định. Đây là các mô hình mới, quá trình triển khai còn nhiều lúng túng, đôi khi thiểu sự chỉ đạo của ngành dọc về chuyên môn, nghiệp vụ; cơ sở vật chất hỗ trợ hoạt động của mô hình còn hạn chế do sử dụng phòng chung; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, việc người nghiện tự nguyện đến Điểm tư vấn để tìm hiểu còn hạn chế...

Top