Đề xuất giải pháp quản lý người nghiện trước khi lập hồ sơ cai bắt buộc

26/01/2020 15:59

Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH), Bộ Công an, cần có cơ sở tập trung để tạm thời quản lý người đang trong giai đoạn lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đọc quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ảnh internet

Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một trong các biện pháp xử lý hành chính được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm và được quy định tại Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Mục đích áp dụng biện pháp này là giáo dục, quản lý người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và được xác định tình trạng nghiện trong cơ sở cai nghiện bắt buộc để giúp đỡ họ chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Từ đó, làm cho họ thay đổi nhận thức, hành vi theo chiều hướng tích cực, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, xã hội trách nhiệm của công dân với cộng đồng, xã hội, từng bước sửa chữa sai lầm, khắc phục các nguyên nhân và điều kiện có thể dẫn đến phạm tội, vi phạm pháp luật và những tác động ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. Kết quả quản lý, giáo dục đối tượng này có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, thúc đẩy phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Tuy nhiên quá trình tiến hành biện pháp này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật về đối tượng, trình tự, thủ tục.

Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có mối quan hệ tác động với một số biện pháp xử lý hành chính khác và được hiểu là biện pháp có tính chất “tiền đề”, là “điều kiện” để áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác. Cụ thể như: Khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:. “Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định”.

Đáng chú ý, trong các biện pháp này có diện đối tượng là người nghiện nếu trong quá trình thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà có hành vi tiếp tục sử dụng ma túy trái phép thì sau khi chấp hành xong ½ thời hạn của quyết định sẽ bị xem xét, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, việc bỏ quy định để loại trừ việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy quy định tại Khoản 4 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Về việc quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời hoàn thiện thủ tục xem xét, đề nghị và quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Khoản 2 Điều 131 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian xem xét, đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ được giao cho tổ chức xã hội quản lý. Bên cạnh đó, Điều 14 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP cũng giao cho tổ chức xã hội quản lý người nghiện trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp này đối với họ. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có văn bản quy định cụ thể cơ quan, tổ chức nào, nhiệm vụ, quyền hạn đến đâu, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện để theo dõi, quản lý đối với người đang lập hồ sơ đề nghị không đảm bảo…, chưa kể việc quản lý đối với người vừa thực hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép và đang bị lập hồ sơ đề nghị đòi hỏi ngưới quản lý, theo dõi phải có kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng khác trong khi người đang bị lập hồ sơ luôn có xu hướng chống đối, trốn tránh, cản trở và che dấu thân nhân và hàng vi vi phạm dẫn đến hiệu quả thấp, thậm chí coi thường pháp luật.

Bên cạnh đó, pháp luật xử lý vi phạm hành chính và Luật Cư trú, các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa quy định cụ thể, nói đúng hơn là lượng hóa được khái niệm về: “nơi cư trú ổn định” để xác định thế nào là có nơi cư trú ổn định, không thường xuyên cư trú, sinh hoạt tại địa phương, thường xuyên đi lang thang nên khó có căn cứ để tiến hành lập hồ sơ hoặc chuyển địa phương khác thực hiện việc lập hồ sơ theo quy định, nhất là đối với người sử dụng hành vi trái phép ma túy nhưng không xác định được nơi cư trú của họ. Điều này xuất phát từ việc pháp luật không hạn chế quyền tự do, đi lại đối với chưa bị áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc theo quyết định của Tòa án, cơ quan tiến hành tố tụng.

Đề xuất giải pháp quản lý người nghiện

Qua các hội nghị, hội thảo gần đây, có một số ý kiến cho rằng cần có cơ sở tập trung để tạm thời quản lý người đang trong giai đoạn lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thậm chí có thể quản lý số người này ngay trong cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng với hình thức, nội dung quản lý phù hợp hơn với những người đã có quyết định của Tòa án.

Theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, phương án này là hợp lý, tạo điều kiện cho việc hoàn thiện hồ sơ trước khi Tòa án xem xét, quyết định áp dụng. Tuy nhiên, cần cân nhắc và tính toán tới điều kiện cơ sở, vật chất và duy trì  bộ máy để quản lý họ. Bên cạnh đó, có thể tính toán đến việc không nên quy định về người có nơi cư trú ổn định hoặc không ổn định mà giao cho Chính phủ hoặc Bộ Công an quy định, hướng dẫn vấn đề này để đảm bảo tính chủ động trong việc xác minh, lập hồ sơ đề nghị, trên nguyên tắc đối tượng thực hiện hành vi vi phạm ở địa phương nào thì điạ phương đó chịu trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị mà không phụ thuộc vào nơi người đó có nơi cư trú ổn định hay không ổn định, cũng như trường hợp không xác định được nơi cư trú của họ.

Về trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị và xác minh thông tin về nơi cư trú, độ tuổi làm căn cứ cho việc xem xét, quyết định áp dụng, theo quy định tại Khoản 3 Điều 103 Luật về xử lý vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền đã lập hồ sơ phải thông báo cho người bị lập hồ sơ hoặc người đại diện của họ được biết về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng tại xã, phường, thị trấn nói riêng dẫn đến việc đối tượng bỏ trốn, chống đối gây khó khăn trong việc thực thi quyết định này. Tương tự, pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện nay cũng chưa quy định và chưa có chế tài để quản lý, giám sát, hạn chế việc đi lại của đối tượng có hành vi sử dụng ma túy trái phép trong thời gian chờ kết quả xác định tình trạng nghiện cũng dẫn đến đối tượng trốn, đi khỏi địa phương, khó khăn cho việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị hoặc không thực hiện được vì người đang bị lập hồ sơ bỏ trốn khỏi địa bàn mà không có biện pháp và cơ sở pháp lý để truy tìm, truy bắt họ...

Theo đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định này trong Luật Xử lý vi phạm hành chính về theo hướng nếu đã thông báo về việc lập hồ sơ mà người bị lập hồ sơ cố tình không đọc hoặc không liên lạc với người có thẩm quyền lập hồ sơ thì trong thời hạn nhất định (có thể 2 hoặc 3 ngày) việc lập hồ sơ vẫn tiến hành bình thường và coi như là đúng trình tự, thủ tục, vì việc đọc, tiếp cận hồ sơ là quyền của người bị đề nghị lập hồ sơ mà pháp luật đã quy định.

Về xác minh để xác định nơi cư trú, độ tuổi và các thông tin khác liên quan đến việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng, hiện nay pháp luật xử lý vi phạm hành chính, các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có Thông tư số 05/2018/TT-BCA ngày 7/2/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an đã quy định cụ thể về nội dung, hình thức xác minh các vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý, lưu trữ thông tin của cá nhân do lực lượng Công an đang quản lý vẫn bằng hình thức thủ công vì đang trong quá trình quản lý bằng công nghệ (số hóa) thông qua dự án về dân cư, dự án về chứng minh/căn cước công dân nên gặp nhiều khó khăn, do vậy một số trường hợp xác minh bị kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến thời hạn, tiến độ lập hồ sơ đề nghị áp dụng.

Có thể thấy, công tác quản lý người nghiện ma túy và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính dưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp không chỉ đòi hỏi trách nhiệm, sự vào cuộc tích cực của cơ quan có thẩm quyền và đoàn thể, tổ chức và nhân dân mà còn phụ thuộc căn bản vảo sự thống nhất, minh bạch cụ thể và tính khả thi của các quy định pháp luật.

Top