Đề xuất giải pháp kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm

24/10/2019 10:00

Thực tế là một số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội thường có nhiều cách đối phó rất tính vi với các lực lượng kiểm tra, nên việc phát hiện quả tang các hành vi vi phạm rất khó khăn.

Kiểm tra tại một quán karaoke. Ảnh internet

Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM vừa có báo cáo sơ kết thực hiện chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Theo đó, trong hai năm thực hiện chỉ thị, tại TPHCM đã tiến hành thanh tra kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch và thanh tra kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Kết quả, đoàn kiểm tra chuyên ngành văn hóa đã kiểm tra 291 cuộc, ra 271 quyết định xử phạt, tổng số tiền phạt 6,97 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra chuyên ngành thể thao tiến hành 224 cuộc kiểm tra, ra 135 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,78 tỷ đồng. Đoàn 1 – kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội TP tiến hành 238 cuộc, ra 217 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 9,47 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa và Thể thao, có một thực tế là các cơ sở kinh doanh thường xuyên đối phó tinh vi với các lực lượng kiểm tra, nên việc phát hiện quả tang các hành vi vi phạm rất khó khăn. Vì thế trường hợp kiểm tra một lần chưa phát hiện vi phạm thì rất khó để kiểm tra lần hai nếu không phát hiện vi phạm vì sẽ vi phạm Chỉ thị số 20. Điều này dẫn tới hạn chế của công tác kiểm tra, ngăn chặn đối với các cơ sở kinh doanh tiềm ẩn tệ nạn xã hội.

Một thực tế khác là đối với các cơ sở kinh doanh lĩnh vực văn hóa tiềm ẩn tệ nạn xã hội hoạt động biến tướng, thường xuyên thay đổi địa điểm kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nên việc lập kế hoạch kiểm tra hàng năm với đối tượng, địa chỉ cụ thể sẽ không có hiệu quả trong công tác kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực này.

Do vậy, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đối với lĩnh vực văn hóa xã hội, nhất là các cơ sở kinh doanh tiềm ẩn tệ nạn về khiêu dâm, kích dục, mại dâm, ma túy, cờ bạc làm bức xúc trong nhân dân thì không nên lập danh sách đối tượng kiểm tra cụ thể từ đầu năm, công khai để các lực lượng kiểm tra xử lý chồng chéo, trùng lắp, nhằm để giữ bí mật trong công tác đấu tranh, triệt phá, ngăn chặn hành vi vi phạm.

Trước đó, vào tháng 8/2019, Sở Văn hóa Thể thao TPHCM cũng đã báo cáo UBND Thành phố về kết quả thanh - kiểm tra xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngành nghề nhạy cảm. Kết quả kiểm tra cho thấy sự nhức nhối trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh loại hình này.

Qua thực tế kiểm tra cho thấy, với loại hình nhà hàng ăn uống, hoạt động karaoke có tiếp viên nữ phục vụ ngày càng diễn biến phức tạp, với nhiều hoạt động biến tướng.

Chủ nhà hàng tổ chức hoạt động karaoke chỉ là hình thức, mục đích chính vẫn là thu hút khách để phục vụ bằng tiếp viên nữ. Nhiều nhà hàng chỉ tiếp khách “ngoại”, không chấp nhận khách ‘"nội” dù tiền nhiều cỡ nào.

Trong các phòng karaoke này, tiếp viên nữ nhận lệnh sẵn sàng thực hiện mọi cách thức ăn chơi, khiêu dâm, kể cả sử dụng chất kích thích, ma túy để chiều khách.

Để đối phó cơ quan chức năng, chủ cơ sở có nhiều “tuyệt chiêu” như cho người theo dõi đoàn kiểm tra để báo động trước; tắt đèn khóa cửa bên ngoài nhưng bên trong vẫn hoạt động và chỉ khách quen hoặc được giới thiệu kèm theo tiền mang theo nhiều mới cho vào.

Còn ở lĩnh vực xông hơi, massage, thì biến tướng táo tợn không kém khi quảng cáo khiêu dâm kích dục trên cả mạng xã hội. Hoạt động vũ trường thì biến tướng thành nhảy múa khiêu dâm, sử dụng giang hồ bảo kê, hút ma túy... Hoạt động hớt tóc thanh nữ cũng vậy, núp dưới hình thức cơ sở chăm sóc da, spa nhưng thực ra là kích dục…


Top