Đề nghị bổ sung quy định hạn chế tình trạng học viên cai nghiện trốn trại

14/12/2017 08:24

Tổng kết 5 năm thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 , Bộ Tư pháp cho biết, tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính là trên 57 nghìn đối tượng, tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là trên 53 nghìn đối tượng.

Gom những học viên cai nghiện trốn chạy của Trung tâm giáo dục, lao động Bà Rịa-Vũng Tàu-Ảnh Internet

Qua con số cho thấy, biện pháp xử lý hành chính được áp dụng phổ biến nhất là biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn. Tuy nhiên, theo Luật vẫn còn nhiều quy định thiếu tính khả thi.

Nhìn chung, theo Bộ Tư pháp các biện pháp xử lý hành chính (XLHC) phù hợp với từng loại đối tượng, đúng thủ tục theo quy định của pháp luật, cơ bản phù hợp với thực tiễn và huy động được sự tham gia của cộng đồng xã hội. Việc tiếp nhận đối tượng vào các cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng được thực hiện theo đúng quy định.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận, một số quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp XLVPHC còn chưa thống nhất, chưa phù hợp, không đảm bảo tính khả thi. Đơn cử, quy định áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong 6 tháng đã ít nhất 2 lần bị XPVPHC về hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng hoặc là người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong 6 tháng đã ít nhất 2 lần bị XPVPHC về hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức, tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài, vi phạm trật tự, an toàn xã hội, các quy định nêu trên chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau, đó là đối tượng lần vi phạm thứ 2 hay phải vi phạm lần thứ 3 mới đủ điều kiện áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn? Hành vi vi phạm của đối tượng tại các lần vi phạm có nhất thiết phải trùng lặp không?

Tương tự, khoản 4 Điều 92, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng gồm cả người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 2 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Khoản 1 Điều 94 cũng quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Các quy định này cũng dẫn đến sự lúng túng trong quá trình áp dụng.

Còn theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 131 Luật XLVPHC thì trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập hồ sơ quyết định giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp này; đối tượng vi phạm có nơi cư trú ổn định thì giao cho gia đình quản lý; trường hợp không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quy định này không khả thi, vì hầu như các đối tượng người nghiện đều lệ thuộc nặng nề vào ma túy cả về tinh thần lẫn thể chất, họ thường bất hợp tác, thậm chí chống đối quyết liệt việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, các tổ chức xã hội, gia đình rất khó quản lý. Hơn nữa, hiện nay các tổ chức xã hội không có đầy đủ các điều kiện về con người cũng như cơ sở vật chất. 

Từ những bất cập này, Bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi quy định “2 lần trở lên trong 6 tháng” thực hiện hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng các biện pháp XLHC tại các Điều 90, 92 và 94 Luật XLVPHC. Đồng thời bãi bỏ hoặc sửa đổi quy định tại khoản 1 và 2 Điều 131 Luật XLVPHC về việc giao cho gia đình hoặc các tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở bắt buộc trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp này nhắm bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đề nghị bổ sung quy định để bãi bỏ hình thức quản lý sau cai nghiện được quy định tại Luật Phòng chống ma túy để thống nhất với quy định của Luật XLVPHC, hạn chế tình trạng học viên cai nghiện phá trại, trốn trại tại một số địa phương thời gian qua.

Top