Đầu tư thông minh cho công tác phòng, chống HIV/AIDS

17/09/2014 16:00

Đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS là đầu tư mang lại hiệu quả về kinh tế và trật tự an toàn xã hội.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. Ảnh Thùy Chi 

Trong bối cảnh các nguồn lực tài trợ đang bị cắt giảm mạnh, dễ tác động đến thành quả công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN, công tác đảm bảo nguồn tài chính không chỉ tập trung vào việc huy động nguồn lực mà còn phải tính đến việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có, hay còn gọi là việc đầu tư đồng tiền một cách thông minh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhấn mạnh như trên tại cuộc họp bên lề với chủ đề “Huy động nguồn tài chính bền vững cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN” trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN (AHMM) lần thứ 12 do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, chiều 17/9.

Với vai trò là nước chủ nhà đăng cai AHMM lần thứ 12 thể hiện nỗ lực của Việt Nam nhằm tạo cơ hội cùng các nước chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình tìm kiếm những giải pháp khả thi, nhằm đảm bảo tài chính cho việc duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của mỗi nước, cũng như trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, số người nhiễm mới HIV/AIDS đang có chiều hướng giảm mạnh, số bệnh nhân AIDS được điều trị bằng thuốc kháng virus ngày càng tăng và số người tư vong do AIDS năm sau thấp hơn nhiều so với năm trước...Tuy nhiên, những thành tựu đó đang bị đe dọa, bởi các nguồn đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt từ phía các nhà tài trợ quốc tế bắt đầu giảm mạnh trong những năm gần đây. Nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức to lớn này.

Để vượt qua thách thức về suy giảm nguồn lực, hướng tới thực hiện Mục tiêu “ba không” và gần đây nhất là Mục tiêu “90. 90. 90” trong phòng, chống HIV/AIDS, hay lớn hơn là Mục tiêu “Chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030”, nhiều quốc gia trong khu vực đã nỗ lực vượt ra khỏi sự phụ thuộc về nguồn lực từ các nhà tài trợ, thông qua tăng cường đầu tư từ phía Chính phủ. Bên cạnh đó, huy động sự tham gia của cộng đồng thông qua việc xác định Khung đầu tư chiến lược để đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả đầu tư cao nhất, cùng với việc quản lý, điều phối chặt chẽ các nguồn đầu tư có được.

Ông Steve Kraus - Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ảnh Thùy Chi

Ông Steve Kraus, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) khu vực châu Á Thái Bình Dương khẳng định, chúng ta hãy cùng nhau phấn đấu hoàn thành 5 mục tiêu to lớn vào năm 2015. Bao gồm: giảm 50% lây truyền HIV qua đường tình dục không an toàn; giảm 50% lây truyền HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy; gia tăng tới mức độ lớn chương trình điều trị kháng virus, chăm sóc và hỗ trợ; chấm dứt các ca nhiễm HIV mới ở trẻ em và giảm đến mức đáng kể các ca tử vong liên quan đến AIDS ở các bà mẹ; giảm 50% các ca tử vong vì bệnh Lao ở những người nhiễm HIV.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn rất nhiều thách thức, trong đó có vấn đề kinh phí. Do đó, ông Steve Kraus cho rằng cần phải sáng tạo và đưa ra những phương pháp tiên tiến, cùng với các cơ hội hướng tới tài chính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong khu vực như: Tăng cường quyết tâm chính trị nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến các nhóm có hành vi nguy cơ cao; tạo nhiều hiệu quả hơn trong đầu tư cho việc chăm sóc sức khỏe công cộng và lồng ghép các dịch vụ phòng, chống HIV vào các dịch vụ chăm sóc bà mẹ, trẻ em; đưa ra những sáng kiến đổi mới và các cơ hội trong nước nhằm duy trì các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm đảm bảo  cho những người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận lâu dài và bền vững các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS…

Top