Đấu tranh với tội phạm ma túy là nhiệm vụ xuyên suốt

09/07/2020 18:24

Nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy phải do lực lượng Công an chủ trì, Bộ đội Biên phòng, Hải quan làm nhiệm vụ ngăn chặn ở khu vực biên giới, nhưng nằm trong tổng thể chung về phòng, chống ma túy, ông Trần Quốc Vượng nêu rõ.

Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và triển khai Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy (Chỉ thị số 36).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng dự và chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Làm sao để Việt Nam không phải là điểm trung chuyển ma túy của các tổ chức tội phạm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu rõ, thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến hết sức phức tạp, là một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia, có nguy cơ trở thành hiểm họa, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân và làm phát sinh nhiều loại tội phạm, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc các cấp, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quán triệt Chỉ thị số 36, đồng thời đưa ra các ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy, cần xác định rõ hơn vai trò của các lực lượng chuyên trách như công an, biên phòng, cảnh sát biển… Làm sao để Việt Nam không phải là điểm trung chuyển ma túy của các tổ chức tội phạm. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phải kiên quyết rà soát, không để vỏ bọc là các công ty cho bọn tội phạm chế biến ma túy ở một số địa bàn xa xôi, bởi nếu trót lọt tội phạm có thể thu lời bất chính hàng trăm triệu USD.

Đồng thời, tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, trong khi các lực lượng phòng, chống ma túy rất vất vả, nguồn lực lại thiếu thốn. Việc đầu tư cơ sở vật chất phòng, chống ma túy và cai nghiện tại nhiều nơi lại không đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay.

Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông vận động trong công tác phòng, chống ma túy, tạo công ăn việc làm và tái hóa nhập cộng đồng đối với người nghiện sau cai nghiện ma túy.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế hơn nữa đối với phòng, chống ma túy. Hiện nay, chúng ta đã ký kết được nhiều hiệp định song phương và kế hoạch hợp tác với các nước, nhiều vụ án ma túy xuyên quốc gia đã có sự tham gia có hiệu quả của các lực lượng chuyên trách của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần có sự phân công rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, cán bộ trong công tác này nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa đối với công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy trong thời gian tới.

Không được chia cắt trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy

Biểu dương và đánh giá cao những kết quả cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đạt được trong công tác phòng, chống ma túy, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Trần Quốc Vượng cũng chỉ rõ, tình hình ma túy còn diễn biến phức tạp; hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống ma túy còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, ngành có lúc, có việc chưa thật chặt chẽ, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống ma túy; công tác cai nghiện và quản lý sau cai chưa đáp ứng yêu cầu.

Trên tinh thần đó, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương phải nhận thức và quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng chống ma túy.

Các cấp, ngành xác định công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành và các tổ chức chính trị-xã hội.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, lực lượng Công an cần tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo, điều phối công tác phòng, chống ma túy, phát huy trách nhiệm của các ngành, đoàn thể trong công tác này, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, trực tiếp tổ chức đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.

Đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy là xuyên suốt và phải do lực lượng Công an chủ trì, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan làm nhiệm vụ ngăn chặn ma túy thẩm lậu ở khu vực biên giới, nhưng nằm trong tổng thể chung về phòng, chống ma túy; tuyệt đối không được chia cắt trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, nhất là tại khu vực biên giới.

Ngoài ra, ngành chức năng quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực...

Báo cáo của Bộ Công an do Thứ trưởng Lê Quý Vương trình bày cho biết, trong hơn 10 năm qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 200.428 vụ, 302.245 đối tượng phạm tội về ma túy (tăng 48,39% về số vụ, 42,9% về số đối tượng so với giai đoạn 1998-2007). Nếu tính thêm số liệu năm 2019 với các vụ bắt giữ lớn ma túy vừa qua, thì số lượng ma túy tổng hợp thu được gần 10 tấn.
Top