Đấu tranh chống tội phạm ma túy trong thời 4.0

28/01/2020 20:08

Những năm gần đây, đất nước ta đã và đang mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng về mọi mặt. Nhiều thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ được ứng dụng phục vụ đời sống xã hội. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm ma túy (TPMT) cũng có nhiều diễn biến mới, hoạt động tinh vi, phức tạp hơn, các đối tượng đã triệt để lợi dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật phục vụ vào việc phạm tội. Đó là những thách thức đặt ra cho lực lượng chuyên trách trong công tác đấu tranh chống TPMT.

 Công an Hưng Yên bắt giữ đối tượng Nguyễn Hoài Bắc lắp camera quanh nhà để mua bán trái phép chất ma túy

Sau 3 cuộc cách mạng công nghiệp lớn, thế giới chúng ta đã và đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt cuộc cách mạng 4.0) với những tiến bộ vượt bậc của các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ không ngừng được ứng dụng ngày càng nhiều và trực tiếp vào cuộc sống. Mặc dù thuật ngữ cuộc cách mạng 4.0 là một cụm từ mới xuất hiện gần đây nhưng nó được dự báo là sẽ diễn biến rất nhanh trên cơ sở sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học tạo ra những khả năng hoàn toàn mới; kết quả mà nó mang lại chính là những thay đổi hết sức to lớn không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ mà cả chính trị, văn hóa, xã hội của mọi quốc gia.

Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài tác động của nó. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ gây ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có vấn đề an ninh trật tự nói chung và công tác phòng, chống TPMT nói riêng, nhất là trong điều kiện đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tội phạm ma tuý lợi dụng triệt để thành quả cách mạng 4.0

Nhiều đường dây phạm tội về ma túy có tổ chức và xuyên quốc gia khi bị phát hiện, triệt phá cho thấy chúng không chỉ hoạt động đơn lẻ mà được tổ chức chặt chẽ, hoạt động trong thời gian khá dài, vận chuyển với số lượng lớn và có thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Thành phần quốc tịch đối tượng ngày càng phức tạp, không chỉ giới hạn ở một số quốc gia có chung đường biên giới hay một số nước trong khu vực ASEAN mà còn ở cả Châu Phi và các nước phát triển có quan hệ thương mại với Việt Nam như: Mỹ, Úc, Canada… Thậm chí, nhiều đối tượng TPMT ở trong nước sau khi bị phát hiện đã trốn ra nước ngoài, tiếp tục cầm đầu tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn.

Xét trên phương diện yếu tố hành vi và các loại ma túy, bên cạnh những hành vi phạm tội có tính chất “truyền thống” đã xuất hiện nhiều yếu tố mới mang tính chất “phi truyền thống” như: xuất hiện nhiều loại ma túy mới; hành vi phạm tội không giới hạn về không gian địa lý mà có tính chất xuyên biên giới, liên quan nhiều quốc gia; thời gian diễn ra hành vi phạm tội được rút ngắn, đặc biệt là trong thông tin, liên lạc.

Gần đây còn là nơi các đối tượng sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ và phương tiện kỹ thuật để điều chế, sản xuất một số loại MTTH. Bên cạnh đó, các đối tượng phạm tội còn có các trang thiết bị hiện đại để che giấu hành vi phạm tội, quản lý các đối tượng tham gia và đặc biệt là đối phó với sự phát hiện của các lực lượng chức năng. Đối tượng cầm đầu không tham gia sâu vào việc điều hành các hoạt động của đường dây mà chủ yếu là quản lý thông qua mạng xã hội, điện thoại di động và hệ thống camera đặt ở các nhà xưởng, nơi trú ẩn của đàn em; các xưởng sản xuất trái phép chất ma túy thường xuyên được di chuyển sau khi sản xuất một mẻ hàng và đều được trang bị dây chuyền hiện đại.

Bên cạnh việc xuất hiện nhiều loại ma túy, nhất là MTTH và tiền chất ma túy mới thì thành phần đối tượng phạm tội về ma túy ngày càng đa dạng hơn, sự móc nối, cấu kết để thực hiện hành vi phạm tội ở các lĩnh vực khác nhau ngày càng nhiều và mối liên hệ giữa tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy… ngày càng rõ nét. Nhiều “ông trùm” ma túy đặc biệt nguy hiểm với vỏ bọc hợp pháp là những giám đốc “chân chính”, làm ăn phát đạt, có quan hệ với những người có cương vị, thế lực. Nếu chỉ vẻ bên ngoài và quan hệ bình thường thì rất khó có thể nhận biết đó là một doanh nhân thành đạt hay là đối tượng phạm tội về ma túy đặc biệt nguy hiểm.

Qua nhiều vụ bắt giữ tội phạm sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng lớn gần đây cho thấy, ngoài các loại ma túy quen thuộc như thuốc phiện, cần sa, heroin, methamphetamine, MDMA thì đã có nhiều loại MTTH mới như: “cỏ Mỹ”, “lá khát”, “đông trùng”, “nước vui”… với hình thức, mẫu mã rất đa dạng.

Phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng ngày càng tinh vi, kín đáo và có sự thay đổi liên tục nhằm lẩn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng cũng như ngay đối với các đối tượng trong băng nhóm của chúng. Nhiều đối tượng còn lợi dụng triệt để các thành quả của cuộc cách mạng 4.0 như thành tựu về giao thông liên lạc, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, phẫu thuật thẩm mỹ, sao chụp, in ấn, làm giả các giấy tờ tùy thân, thay đổi nhận dạng… để dễ dạng đi lại, tìm kiếm thông tin, liên lạc, trao đổi với nhau về phương thức thủ đoạn để thúc đẩy các hoạt động phạm tội, hợp pháp hóa tiền và tài sản phạm tội hoặc trốn tránh sự truy bắt của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Hiện nay chúng ta đã và đang áp dụng nhiều biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả nhằm hạn chế sự gia tăng của TPMT, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới và phục hồi sau khủng hoảng; sự tranh giành ảnh hưởng của các quốc gia, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp thương mại trong bối cảnh toàn cầu hóa... đặc biệt là những tác động, ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0 lên mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thế giới sẽ làm gia tăng tính phức tạp các hoạt động của tội phạm nói chung và TPMT nói riêng.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học, kỹ thuật

Để nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa, đấu tranh chống TPMT góp phần bảo đảm sự ổn định, phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình quốc tế trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy tiếp tục đánh giá nắm chắc tình tình hình TPMT để chủ động tham mưu đề xuất Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo thực hiện những chủ trương, chính sách, kế hoạch công tác đảm bảo các giải pháp có tính đồng bộ, có hiệu quả nhằm phòng ngừa, phát hiện đấu tranh chống TPMT. Chú trọng nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh chống TPMT trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các lực lượng chức năng cũng như hiệu quả công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý TPMT. Chú trọng đào tạo, trang bị kiến thức lý luận, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật và cập nhật các kỹ năng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới trong phòng chống TPMT cho các lực lượng nghiệp vụ chuyên trách thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính.

Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, chiến sỹ trong việc nhận thức, nắm bắt xu thế phát triển của cuộc cách mạng 4.0, trong đó nhấn mạnh việc trang bị các kiến thức, kỹ năng thực tiễn để giúp cán bộ, chiến sỹ có khả năng làm chủ các thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học về máy tính, mạng internet, điều khiển robot tự động, các công nghệ thông tin liên lạc, công nghệ điều chế, sản xuất các loại MTTH, các kiến thức về nghiệp vụ để phát hiện bắt giữ các hành vi phạm tội của đối tượng.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ kết hợp với tăng cường đầu tư kinh phí mua sắm, trang bị các phương tiện hiện đại vào công tác phòng ngừa, đấu tranh chống TPMT, nhất là các thiết bị kỹ thuật hiện đại sử dụng trong thông tin liên lạc, phát hiện, thu thập các loại chứng cứ điện tử, nguồn thông tin TPMT, trang thiết bị nhận diện, giám định các chất ma túy mới…

Tiếp tục mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế để đi vào thực chất, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, nhất là hỗ trợ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, thiết thực trong lĩnh vực phòng, chống TPMT. Đồng thời, cần tận dụng tối đa sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong việc hợp tác chuyển giao công nghệ phòng, chống TPMT; phối hợp với cảnh sát các nước trong việc trao đổi thông tin, kiến thức về khoa học công nghệ, kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật, kinh nghiệm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống TPMT.

Ngoài ra, các ngành, các lực lượng chuyên trách cần xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống TPMT, nhất là trong việc cung cấp thông tin về hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật về PCMT và các hành vi liên quan như lừa đảo, rửa tiền, những vấn đề phức tạp liên quan tình hình hoạt động phạm tội để chủ động phối hợp phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả cao trong tình hình mới.

Top