Công việc chăm sóc không lương-Yêu thương là san sẻ

20/10/2017 08:03

Hưởng ứng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) công bố báo cáo nghiên cứu “Công việc chăm sóc không lương-Yêu thương là san sẻ”. Báo cáo tập trung phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến việc phân bổ công việc chăm sóc không lương (CVCSKL) và đưa ra những giải pháp thực tiễn giúp người phụ nữ giảm tải gánh nặng từ những công việc này.

Hội thảo công bố báo cáo vào chiều 19/10. Ảnh Nhật Thy

Theo báo cáo “Để ngôi nhà trở thành tổ ấm” do Vụ Bình đẳng giới cùng ActionAid Việt Nam giới thiệu vào tháng 9/2016 cho biết phụ nữ Việt Nam trung bình dành hơn 5 giờ đồng hồ mỗi ngày cho những công việc chăm sóc không lương, nhiều hơn nam giới từ 2 tới 2,5 giờ đồng hồ. Dù công việc tốn khá nhiều thời gian cho mỗi gia đình và đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước, nhưng công việc chăm sóc không lương vẫn chưa nhận được sự trân trọng của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là nam giới và cộng đồng. CVCSKL trở thành gánh nặng đè lên vai người phụ nữ, khiến họ phải hy sinh nhiều quyền lợi khác của mình.

“Báo cáo ‘Công việc chăm sóc không lương – Yêu thương là san sẻ’ một lần nữa khẳng định vai trò của người phụ nữ trong việc thực hiện các CVCSKL. Ghi nhận và trân trọng những đóng góp của phụ nữ thôi thì chưa đủ, điều quan trọng của báo cáo lần này là phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến việc phân công CVCSKL, từ đó đưa ra những khuyến nghị thực tiễn giúp giảm thiểu gánh nặng cho người phụ nữ”, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam cho biết.

Một trong những kết quả chính của báo cáo cho thấy phụ nữ thực hiện phần lớn những CVCSKL trong gia đình, bất kể trình độ học vấn của họ. Đó là bởi định kiến “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đã ăn sâu bén rễ trong xã hội. Để thay đổi định kiến này, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức, giúp cho các thành viên gia đình và cộng đồng cảm thông và san sẻ các CVCSKL. Nghiên cứu lần hai này cũng chứng minh điều này khi thể hiện một xu hướng giảm trong khoảng cách về thời gian thực hiện các CVCSKL giữa phụ nữ và nam giới so với giai đoạn một, sau khi cộng đồng được tham gia các buổi chia sẻ và thảo luận về CVCSKL.

Đặc điểm về nhóm tuổi và sắc tộc, địa lý cũng có tác động lớn đến việc phân công CVCSKL. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ trên 60 tuổi, những người ngoài độ tuổi lao động là những người mang gánh nặng CVCSKL lớn nhất từ việc chăm sóc trẻ nhỏ trong gia đình. Phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa và miền núi thậm chí còn chịu gánh nặng nhiều hơn do phải dành rất nhiều thời gian cho việc lấy nhiên liệu và lấy nước. Những kết quả này mang ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để đề xuất những khuyến nghị chính sách thực tiễn nhằm giảm quyết những vấn đề gốc rễ gây ra sự bất bình đẳng trong phân công CVCSKL. Cụ thể là Nhà nước cần có thêm đầu tư vào các sáng kiến phát triển nông thôn như điện khí hoá, cung cấp bếp nấu, cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh, cũng như các chương trình chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non. Điều này sẽ giúp giải phóng thời gian cho phụ nữ, để họ có thể tiếp cận giải trí, giáo dục và những cơ hội việc làm có lương bình đẳng.

“Việc san sẻ, tạo điều kiện để giảm bớt gánh nặng CVCSKL với người phụ nữ là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, của cộng đồng và của chính quyền các cấp. Những kết quả của nghiên cứu sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện và tổng thể hơn trong việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào việc thực hiện Mục tiêu 6 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là: Đảm bảo bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực giới”, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết.

Báo cáo “Công việc chăm sóc không lương: Yêu thương là san sẻ” nằm trong chuỗi nghiên cứu và khuyến nghị chính sách do Vụ Bình đẳng giới và ActionAid Việt Nam hợp tác thực hiện về CVCSKL từ năm 2016, dựa trên công thức “3R”: R1 - Recognition: ghi nhận công lao của người phụ nữ và giá trị kinh tế về CVCSKL; R2 Reduction: CVCSKL được giảm thiểu thông qua truyền thông, nâng cao nhận thức; và R3 Redistribution: Phân bổ lại nhiệm vụ thực hiện CVCSKL giữa các thành viên gia đình và tăng cường các dịch vụ công giúp giảm thiểu công việc nhà. Đây là kết quả của báo cáo dựa trên các kết quả của giai đoạn 2 (Reduction) được thực hiện vào tháng 1/2016 tại 9 địa bàn là: TPHCM, Đắk Nông, Lâm Đồng, Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Trà Vinh, Quảng Ninh, và Vĩnh Long.

Top