Công khai tiêm chích ma túy: Phải có phương án cai nghiện dài hạn, cụ thể

24/05/2019 09:29

Quan trọng nhất vẫn là sự kết hợp đồng bộ từ phía chính quyền địa phương đến xã hội, gia đình và bản thân người nghiện.

Khám chữa bệnh cho người cai nghiện - Ảnh: Internet

Cai nghiện ma túy tại cộng đồng, tại gia đình hiện được thực hiện theo 3 hình thức: Cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Đây là mô hình được đánh giá có giá trị nhân văn khi tạo điều kiện cho người nghiện không bị cách ly khỏi đời sống xã hội, không bị gián đoạn trong việc học tập, công việc và hạn chế tối đa sự kỳ thị của cộng đồng, qua đó cho họ cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Để người nghiện cách ly hoàn toàn với ma túy

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thực tế công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn nhiều bất cập, khó khăn, trong khi đó, tình trạng tiêm chích ma túy diễn ra công khai ở gầm cầu, công viên, nghĩa trang, cạnh trường học...

"Tôi cho rằng việc không cách ly người nghiện ra khỏi cộng đồng một mặt nào đó giống như cá vẫn sống ở trong nước, người nghiện vẫn còn duy trì được các mối quan hệ bên ngoài thì khả năng bị lôi kéo, ảnh hưởng từ bạn nghiện rất cao. Hình thức cai nghiện tại cộng đồng đòi hỏi người nghiện phải có ý thức tự giác cai nghiện rất cao. Đây là một việc vô cùng khó khi người nghiện nhiều lúc còn không làm chủ được mình. Trong khi đó, những người trong gia đình còn phải bươn chải làm việc, không thể túc trực giám sát người nghiện" - luật sư (LS) Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn LS TPHCM) nói.

Theo LS Toàn, nghiện ma túy rất khó cai, khó bỏ, không chỉ cần phải có nghị lực lớn trong một khoảng thời gian dài mà còn cần tuân thủ quy trình ngặt nghèo và khoa học để từng bước cắt cơn nghiện, không đơn thuần chỉ dựa vào sự chăm sóc, động viên của gia đình và cộng đồng mà có thể từ bỏ ma túy. Hơn nữa, nhân viên ở trạm y tế, các tổ công tác cai nghiện tại cộng đồng chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm nên khó khăn trong việc bố trí cũng như chuyên môn.

"Do đó, cách ly hoàn toàn với ma túy, kèm theo quy trình điều trị, học tập, lao động hợp lý, lâu dài thì việc cai nghiện mới có hiệu quả. Nạn tiêm chích ma túy công khai đang là nỗi lo của cộng đồng, các địa phương cần bố trí lực lượng chốt chặn, tuần tra thường xuyên ở những khu vực nổi cộm; đồng thời bố trí lắp đặt camera quan sát để xử lý người vi phạm. Phải làm quyết liệt, mạnh tay để giải quyết tận gốc vấn đề" - LS Toàn đề xuất.

Còn theo LS Nguyễn Anh Minh (Đoàn LS TPHCM), hiện công tác xử lý và ngăn chặn tái nghiện vẫn chưa nghiêm minh, chặt chẽ. Vì vậy, cần phân loại người nghiện. Nếu tái nghiện lần 2 trở đi, bắt buộc phải đến cơ sở cai nghiện, không cho phép cai nghiện tại gia đình. Có như vậy mới hạn chế tối đa tình trạng "bắt cóc bỏ dĩa" như hiện nay.

Cả xã hội cùng vào cuộc

Phân tích về tình hình cai nghiện tại cộng đồng, tại gia đình, LS Võ Đan Mạch (Đoàn LS TPHCM) cũng cho rằng chưa hiệu quả.

"Thứ nhất, sự quản lý, giám sát trong quá trình cai nghiện tại cộng đồng còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ và kỷ luật, dẫn đến người sử dụng ma túy có nguy cơ tiếp tục gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tượng nghiện khác nên dễ tái nghiện. Thứ hai, ở nhiều địa phương, việc áp dụng biện pháp này chỉ dừng lại ở khâu tuyên truyền, vận động, chưa có những giải pháp mang tính kế hoạch dài hạn, chưa tập trung rà soát kỹ lưỡng, đánh giá khách quan với từng đối tượng xem hiệu quả cai nghiện đã bảo đảm hay chưa, cần hỗ trợ hay điều chỉnh lại biện pháp cai nghiện không, hoạt động hỗ trợ cho người sau cai nghiện như thế nào? Thứ ba, thành viên của các tổ công tác cai nghiện chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên việc sắp xếp thời gian, công tác triển khai các hoạt động chuyên môn liên quan đến hoạt động quản lý, tư vấn trực tiếp cho người cai nghiện, tổ chức điều trị cho người nghiện còn gặp nhiều khó khăn…" - LS Đan Mạch phân tích.

Theo LS Mạch, trong bối cảnh hiện nay, mỗi địa phương cần đưa ra những phương án mang tính khả thi, hiệu quả để khắc phục những hạn chế. Ngoài ra, tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền trực tiếp, thường xuyên cho người nghiện để họ nhận thức được tác hại của việc nghiện ma túy cũng như vai trò của việc cai nghiện để sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng; các cơ quan chức năng cần tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho cho cán bộ chuyên trách, đội hoạt động xã hội tình nguyện xã, phường, thị trấn… Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tăng cường vận động sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức; khuyến khích các doanh nghiệp tạo việc làm để giúp người nghiện ổn định cuộc sống.

"Tăng cường đầu tư cho một số trung tâm y tế quận, huyện, xã về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để mở rộng việc tiếp nhận người nghiện vào cắt cơn, điều trị kết hợp với tư vấn tâm lý; có thể thí điểm thành lập một cơ sở điều trị nghiện tại cộng đồng dựa trên cơ sở vật chất, tổ chức, nguồn nhân lực sẵn có của ngành lao động - thương binh và xã hội, ngành y tế. Đây không phải vấn đề của riêng cá nhân nào mà là vấn đề của xã hội. Do đó, quan trọng nhất vẫn là sự kết hợp đồng bộ từ phía chính quyền địa phương đến xã hội, gia đình và bản thân người nghiện" - LS Mạch nêu ý kiến.

Top