Cộng đồng LBTQ không còn im lặng

17/01/2018 15:55

Ngày 17/1, Cơ quan của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cùng Women Who Make a Difference và Feminest hợp tác tổ chức Hội thảo “Không còn im lặng”, buổi tham vấn đầu tiên của cộng đồng LBTQ Việt Nam.

Người đồng tính nữ, song tính nữ, chuyển giới và đa dạng tính dục nữ khác (gọi tắt là LBTQ) thường trải qua nhiều thách thức khi tiếp cận công lý. Là giới nữ, họ phải đối mặt với những cản trở giống như mọi phụ nữ khác. Là con người, họ bị kỳ thị bởi xu hướng tính dục hay bản dạng giới của mình.

Buổi tham vấn đầu tiên của cộng đồng LBTQ. Ảnh Nhật Thy

Những năm vừa qua, phong trào LGBTIQ (người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính và đa dạng tính dục) tại Việt Nam đã có những bước chuyển đáng kể trong việc thay đổi nhận thức của xã hội và pháp luật. Cộng đồng hiện diện nhiều hơn ở các khu vực địa lý cũng như các bản dạng khác nhau, đặc biệt là người đồng tính nam và người chuyển giới. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc cần làm để thúc đẩy tiếng nói và vị thế của người LBTQ. Có rất ít các nghiên cứu, chương trình đưa các vấn đề của người LBTQ vào trong tiến trình vận động LGBTIQ. Nhu cầu của người LBTQ thường bị bỏ sót hoặc lẫn lộn với nhu cầu của người LGBTIQ. Người LBTQ trở nên vô hình, bị quên lãng, bị bỏ lơ và bị gạt ra bên lề trong cộng đồng LGBTIQ.

Hội thảo tham vấn cộng đồng đầu tiên này hướng tới tạo không gian trao quyền và xây dựng tinh thần đoàn kết giữa những người LBTQ và xác định các thách thức, khoảng trống, ưu tiên cũng như chiến lược của phong trào LBTQ tại Việt Nam. Qua hội thảo, các cá nhân LBTQ có không gian chia sẻ câu chuyện và các mối quan tâm của mình, cùng nhau bước đầu hình thành cộng đồng và khởi động phong trào LBTQ Việt Nam, cũng như xác định các ưu tiên hàng đầu của cộng đồng và các khuyến nghị tới Chính phủ và các cơ quan ngoài Chính phủ.

Buổi tham vấn có sự tham gia của 25 cá nhân LBTQ độ tuổi từ 18-38 đến từ 15 tỉnh, thành trên khắp ba miền đất nước, trong đó có người dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm nhiều công việc khác nhau. Các cá nhân LBTQ tham dự thống nhất cùng nhau xây dựng cộng đồng LBTQ Việt Nam “Tự trao quyền; Chia sẻ sức mạnh; nâng đỡ và bảo vệ nhau; chấp nhận sự đối lập và đa ạng; chú trọng tri thức và phản biện; tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội”.

Hội thảo tham vấn cũng xác định 5 lĩnh vực ưu tiên cho phong trào LBTQ Việt Nam những năm tới gồm: Xây dựng tự tin và nâng đỡ tinh thần, đặc biệt về sức khỏe tâm trí; thách thức các định khuôn xã hội, bao gồm các định khuôn trong tình yêu, hôn nhân, gia đình; nâng cao kiến thức làm mạnh cộng đồng; thúc đẩy cơ hội phát triển cho các cá nhân trong cộng đồng và tăng cường tiếng nói LBTQ trong nội bộ phong trào LGBTIQ Việt Nam.

Thông qua việc chia sẻ những ưu tiên và khuyến nghị của LBTQ cũng như tìm hiểu công cụ thực tiễn để bao hàm người LBTQ trong các chương trình phát triển, Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan trong Chính phủ, xã hội dân sự và các tổ chức phát triển để đảm bảo quyền con người, phúc lợi và sự bình đẳng của LBTQ Việt Nam.

Women Who Make a Difference là một sáng kiến độc lập nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội thông qua cách tiếp cận nữ quyền trong xã hội dân sự. Hoạt động của Women Who Make a Difference tập trung vào 2 mảng chính: Trao quyền và nâng cao năng lực cho nữ kanhx đạo (bao gồm LBTQ) và lồng ghép nữ quyền vào các chương trình của các tổ chức xã hội dân sự để các chương trình xã hội nói chung có khả năng giải quyết bất bình đẳng xã hội tận gốc rễ, triệt để, có tác động lâu dài và bền vững hơn.

Feminest là mạng lưới các tổ chức cộng đồng và nhóm hoạt động áp dụng các tiếp cận nữ quyền tại Việt Nam.

Top