Còn nhiều khoảng trống trong luật về bạo lực tình dục

19/04/2019 10:23

Trước các vụ việc bạo lực tình dục, đặc biệt là các vụ xâm hại tình dục trẻ em dồn dập trong thời gian gần đây và sự lúng túng trong phản ứng cũng như cách xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật đối với các vụ việc này, theo Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó bạo lực giới Việt Nam (GBVNet), còn nhiều khoảng trống trong pháp luật Việt Nam về bạo lực tình dục.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Theo GBVNet, nhiều quy định pháp luật hiện hành về các tội danh liên quan đến tình dục chưa đầy đủ và chưa cụ thể; các chế tài xử phạt tội phạm chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; các cơ chế bảo vệ nạn nhân còn thiếu và yếu. Tình trạng nói trên không chỉ khiến cho kẻ xấu lợi dụng các kẽ hở để gây tội ác, lực lượng thực thi pháp luật thiếu công cụ để xử lý các vụ tội phạm mà còn khiến người dân hoang mang, lo lắng, suy giảm niềm tin vào tính nghiêm minh của luật pháp và đẩy bức xúc xã hội đến cao trào.

Cụ thể, theo GBVNet, các quy định pháp luật của Việt Nam về các tội danh liên quan đến tình dục còn thiếu và còn yếu, nên chưa thực sự là công cụ hữu hiệu để phòng ngừa và xử lý vấn nạn này.

Về hành vi quấy rối tình dục (QRTD), tấn công tình dục và các hành vi tình dục khác: Trong hệ thống pháp luật Việt Nam có chế tài về quấy rối tình dục, và hành vi tình dục khác nhưng chưa có định nghĩa, phân loại rõ ràng về các hành vi này, và do vậy không có các chế tài cụ thể để xử lý thoả đáng các hành vi QRTD ở các mức độ khác nhau.

Cho đến nay vấn đề QRTD mới chỉ được đề cập trong Bộ Luật Lao động 2012 nhưng còn thiếu định nghĩa và thiếu chế tài xử lý. Bộ Quy tắc Ứng xử Phòng chống Quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành năm 2015 không có quyền năng pháp lý và chỉ giới hạn trong không gian làm việc nên khó áp dụng cho các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trong khi đó hành vi QRTD diễn ra ở mọi nơi như trường học, bệnh viện, công viên và các địa điểm công cộng khác, kể cả trên các phương tiện giao thông.

Thiếu quy định pháp luật để phòng ngừa và xử lý QRTD nên vấn nạn này có xu hướng gia tăng, gây cảm giác bất an sợ hãi cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, nhóm tình dục thiểu số, và gây bức xúc trong xã hội. Nghiên cứu của Action Aid năm 2014 cho biết 87% trong số 2.000 phụ nữ và trẻ em gái ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tham gia nghiên cứu đã từng bị quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông hoặc các địa điểm công cộng. Báo chí cũng thường xuyên phản ánh tình trạng này. Điển hình là vụ thầy hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ quấy rối, dâm ô hàng chục nam sinh trong nhiều năm, hay vụ thầy giáo ở Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang quấy rối hàng loạt nữ sinh; vụ thầy giáo ở Trường chuyên Thái Bình gửi tin nhắn gạ tình nữ sinh, hay vụ lái xe Grabike quấy rối hành khách là một cháu bé 9 tuổi…

Biện pháp xử phạt QRTD không nghiêm khắc và không tương xứng

Trong khi quấy rối tình dục ở nhiều nước bị xử lý nghiêm khắc thì ở Việt Nam hành vi này, kể cả ở mức độ nghiêm trọng chỉ được xử lý theo Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình với mức xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Tội danh tấn công tình dục cũng chưa hề được đề cập đến trong bất kỳ điều luật nào của Việt Nam. Tội danh này thường bị giảm nhẹ để xử lý theo Nghị định 167 nói trên. Điển hình là vụ nam công chức ở Triệu Phong, Quảng Trị dùng vũ lực để tấn công tình dục nữ đồng nghiệp, và gần đây nhất là vụ một người đàn ông dùng vũ lực để hôn nữ sinh đi chung thang máy tại một chung cư ở giữa thủ đô. Trong cả hai vụ, nạn nhân đều bị tổn thương về thể chất, tinh thần và bị xúc phạm nghiêm trọng về danh dự nhưng thủ phạm chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt là 200.000 đồng, gây bức xúc trong dư luận.

Ở nhiều nước quấy rối tình dục và tấn công tình dục được xem xét và xử lý bởi Luật Hình sự.

Cơ chế bảo vệ nạn nhân thiếu và yếu

Công tác điều tra và bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là các cháu nhỏ còn yếu. Các cháu thường phải tường thuật lại vụ việc nhiều lần, thậm chí trước mặt thủ phạm và sự chứng kiến của nhiều người không liên quan. Điều này còn được coi như lặp lại hành vi xâm hại nhiều lần bởi nó làm các cháu thêm sợ hãi, xấu hổ và thậm chí còn bị kỳ thị nghiêm trọng hơn. Hậu quả của việc này có thể để lại những sang chấn tâm lý kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý, tình cảm của cháu và cuộc sống sau này.

Quy định về bồi thường thiệt hại của hành vi QRTD không hợp lý

Không có quy định riêng về bồi thường thiệt hại đối với các hành vi QRTD. Trong khi quy định về bồi thường thiệt hại trong Luật Dân sự đối với các tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không tương xứng với mức độ tổn thất của nạn nhân quấy rối tình dục. Bởi vì luật quy định mức tối đa của khoản bồi thường khi không thể thỏa thuận được chỉ là 10 tháng lương tối thiểu tại thời điểm giải quyết bồi thường. Ví dụ trường hợp nữ công chức ở Triệu Phong Quảng Trị bị nam đồng nghiệp tấn công tình dục gây tổn thương sức khoẻ, tinh thần và xúc phạm nhân phẩm nhưng thủ phạm chỉ bị phạt 200 nghìn đồng và không hề phải bồi thường cho nạn nhân. Câu chuyện tương tự lặp lại với vụ một người đàn ông dùng vũ lực để cố tình hôn một cô gái trong thang máy ở Hà Nội mới đây.

Các quy định về một số tội danh tình dục nghiêm trọng còn mơ hồ


Các quy định trong Luật Hình sự về tội phạm tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô rất mơ hồ và thiếu cụ thể. Các văn bản hướng dẫn cũng không đầy đủ. Cụ thể:

Tội dâm ô:

Luật Hình sự 2015 thiếu quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô. Việc xem xét hành vi dâm ô hiện nay đang dựa vào hướng dẫn của Thông tư liên tịch từ năm 1998 (hướng dẫn Bộ luật hình sự 1985), theo đó dâm ô được quy định trong Điều 1.d, Mục III là hành vi “của người phạm tội, như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu với trẻ em”. Định nghĩa này đến lượt nó lại được dẫn chiếu từ Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục (số 329-HS2) của TAND tối cao từ năm 1967. Theo đó, dâm ô được định nghĩa là “hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thoả mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó (ví dụ như: dùng tay sờ mó hoặc kích thích bộ phận sinh dục, tác động dương vật vào những chỗ khác trong thân thể người phụ nữ ngoài bộ phận sinh dục hoặc chỉ quệt bên ngoài bộ phận sinh dục không có ý định ấn vào trong, ấn dương vật vào sau quần, cho xuất tinh vào sau quần, bắt nạn nhân sờ mó bộ phận sinh dục của mình…)”.

Định nghĩa về hành vi dâm ô như nêu ở trên chỉ tập trung vào những hành vi tiếp xúc bộ phận sinh dục mà bỏ qua rất nhiều những hành vi có bản chất tình dục khác như hôn vào môi, vào ngực hay các bộ phận nhạy cảm khác trên cơ thể, hay sử dụng đồ chơi tình dục hoặc các vật thể khác để tác động vào các bộ phận nhạy cảm của nạn nhân nhằm mục đích tình dục. Tương tự, định nghĩa này cũng bỏ qua việc nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi tương tự đối với kẻ phạm tội.

Hậu quả là: Thầy giáo ở Bắc Giang “sờ mông sờ đùi” nhiều học sinh lớp 5 khiến nhiều cháu sợ hãi, xấu hổ thì lại được cho là không đủ căn cứ cấu thành tội dâm ô vì không phù hợp với quy định về tội dâm ô trong Bộ Luật Hình sự.

Tội cưỡng dâm và hiếp dâm:

Điều 141, 142, 143 không có các quy định cụ thể về hành vi cưỡng dâm hiếp dâm. Từ “giao cấu” có thể chỉ được diễn giải theo cách hiểu hạn hẹp như là xâm nhập dương vật – âm đạo và do vậy sẽ có nguy cơ loại trừ hành vi xâm nhập dương vật - hậu môn, dương vật - miệng và hành vi xâm nhập bằng các bộ phận cơ thể khác hoặc các vật thể khác vào âm đạo, hậu môn và miệng của nạn nhân. Trong khi đó “hành vi quan hệ tình dục khác” không được định nghĩa cụ thể cũng sẽ dễ dàng bị diễn giải theo cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Đơn cử là vụ cháu bé ở Chương Mỹ, Hà Nội bị thủ phạm dùng tay xâm nhập âm đạo khiến cháu bị rách màng trinh và tổn thương tầng sinh môn, nhưng do áp dụng định nghĩa nói trên nên đã được coi là hành vi dâm ô “thiếu nghiêm trọng”, còn thủ phạm được tại ngoại trong khi thực chất đó là hành vi hiếp dâm. Còn nhiều vụ bạo lực tình dục khác ở Việt Nam cũng đã được giải quyết theo cách tương tự. Không ít nạn nhân của tình trạng bất công này là trẻ em, là người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số hoặc các cháu ít được học hành, hoặc ở vùng sâu vùng xa.

Trong vụ nữ sinh viên Ấn Độ bị hãm hiếp và hành hạ làm rung động thế giới năm 2012, những tên tội phạm không chỉ hãm hiếp cô mà còn dùng thanh sắt manivel để khởi động máy đâm vào âm đạo và hậu môn của cô tàn phá toàn bộ nội tạng dẫn đến cái chết vô cùng thương tâm của cô gái. Nếu áp dụng định nghĩa nói trên về hiếp dâm thì chắc chắn đã bỏ lọt tội ác tột cùng của những tên ác thú.

Trước đó vài năm, cảnh sát Ôxtrâylia đã phát hiện được hang ổ của một tên ấu dâm và giải cứu được nạn nhân là một bé gái đang thoi thóp đau đớn. Vào thời điểm được phát hiện, trong đáy âm đạo của cháu bé một máy rung chạy bằng pin vẫn đang hoạt động mà tên kia đã đưa vào người cháu mấy ngày trước khi hắn tẩu thoát.

Còn rất nhiều ví dụ để cho thấy rằng các quy định luật pháp về các tội ác liên quan đến tình dục cần phải cụ thể, chi tiết để không bỏ lọt tội phạm, thực sự trở thành công cụ đắc lực cho những người thực thi công vụ trong quá trình phát hiện và xử lý tội phạm, nhất là trong bối cảnh tội phạm ngày càng tinh vi hơn nhờ áp dụng công nghệ và trong tình trạng bạo lực có xu hướng gia tăng như hiện nay.

Ngoài ra, nhiều quy định pháp luật khác liên quan đến bạo lực tình dục không thoả đáng, không theo kịp thực tế xã hội đã thay đổi rất nhiều.

Việt Nam là thành viên của Liên Hợp Quốc, đã phê chuẩn và ký nhiều công ước, điều luật quốc tế về quyền con người, cụ thể là Công ước CEDAW về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, Công ước về Quyền Trẻ em, Công ước về Người khuyết tật … Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có khung pháp lý và chính sách khá toàn diện nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp của chúng ta chưa đủ mạnh để ngăn ngừa và trừng phạt tội phạm tình dục, bảo vệ sự an toàn về thân thể và danh dự của công dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Top