Colombia sẽ trở thành 'công xưởng' cần sa của thế giới?

15/03/2018 14:56

Hàng chục nghìn người Colombia đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy mà Mỹ từng thực hiện. Tuy nhiên, ngành công nghiệp cần sa lại đang "nảy nở" ngay tại ngoại ô thành phố Medelin, nơi mà "ông trùm cocaine" Pablo Escobar từng vận chuyển ma túy vào những năm 1970. 15 năm sau cái chết của Escobar, cây cần sa lại được trồng phủ khắp các ngọn đồi xung quanh thành phố này.

Nhiều người lo ngại khi nguồn cung cần sa tăng cao, người dân sẽ sử dụng chúng vì nhiều mục đích khác, thay vì chỉ đơn thuần vì mục đích y tế ban đầu

Công ty PharmaCielo của ông Camilo Ospina là một trong số các công ty đang có dự án phát triển cây cần sa mang nhãn hiệu "made in Colombia" để xuất khẩu.

"Lợi thế là chúng tôi đã có nhãn hiệu cần sa Colombia vốn đã nổi tiếng, và chúng tôi muốn làm tăng sự nổi tiếng đó", ông Camilo Ospina cho hay.

Colombia hiện vẫn là điểm nóng ma tuý trên thế giới. Một báo cáo năm ngoái của Cơ quan Phòng chống tội phạm Ma túy Mỹ (DEA) cho thấy 92% lượng cocaine bị bắt giữ trên đất Mỹ có nguồn gốc từ Colombia. Mặc dù Mỹ đã chi 10 tỷ USD trong 18 năm vào Kế hoạch Colombia nhằm chống các băng nhóm nuôi trồng cây coca và vận chuyển cocaine nhưng sản lượng cocaine ở nước này vẫn không giảm.

Tuy nhiên, với cây cần sa lại khác, chính phủ Colombia đưa ra một quan điểm mới: Nếu không thể đánh bại được chúng, hãy quản lý chúng.

Cách đây 2 năm, Colombia đã thông qua luật hợp pháp hoá cần sa y tế dùng trong nước và để xuất khẩu, qua đó đặt nền móng cho một nền công nghiệp mới. 33 công ty được chính phủ Colombia cấp phép trồng, chế biến và xuất khẩu cần sa.

Các nhà sản xuất hợp pháp như PharmaCielo giờ đang nâng cao sản lượng và sắp sửa xuất khẩu lô hàng đầu tiên ra nước ngoài trong những tháng tới.

Tuy nhiên, việc trở thành nhà cung cấp cần sa lớn nhất thế giới không phải dễ dàng. Thị trường tiềm năng nhất hiện nay là Mỹ, vẫn đang đóng cửa dù cho một số bang của nước này đã hợp pháp hóa mặt hàng cần sa. Trong khi một số nước khác, bao gồm Đức, Peru, Italy và Croatia, cũng đang có thị trường xuất khẩu cần sa vì mục đích y tế phát triển rất mạnh.

Canada và Hà Lan - hai nước phát triển mạnh mẽ mặt hàng cần sa xuất khẩu - đã đáp ứng được nhu cầu hiện tại của thế giới. Nhưng giới chức Colombia cho rằng đất nước họ mới chính là tương lai của ngành công nghiệp này.

Với khí hậu cực kỳ thích hợp để trồng cây cần sa, Colombia từng cung cấp phần lớn lượng cần sa trên đất Mỹ trong khoảng những năm 1970-1980, sau đó để mất danh hiệu này cho Mexico. Khi ngày càng có nhiều nước hợp pháp hóa cần sa như hiện nay, Colombia sẽ củng cố lại vị thế thống trị toàn cầu của mình.

Đây là một thay đổi trong suy nghĩ. Ở Colombia, thay vì cho rằng cần sa là một vấn nạn, chính quyền coi nó là giải pháp chống lại nạn buôn bán ma túy trái phép - đặc biệt là việc trồng trái phép cây coca, nguyên liệu chế biến cocaine. Chính quyền nước này cho hay giờ có lẽ là thời điểm khuyến khích các nông dân trồng lá coca trái phép chuyển sang trồng cần sa hợp pháp.

"Thông điệp mà chúng tôi đưa ra là, hãy trồng cần sa một cách hợp pháp", ông Andres Lopez Velasco, Giám đốc Quỹ Chống Ma túy Quốc gia Colombia cho hay..

Tuy nhiên không phải ai cũng bị thuyết phục.

Chính quyền tại một số vùng có các công ty sản xuất cần sa xuất khẩu vẫn còn rất thận trọng. Họ lo ngại việc tăng mạnh trồng cần sa có thể khiến nguồn cung tăng cao, từ đó cư dân trong vùng sẽ sử dụng chúng vì nhiều mục đích khác, thay vì chỉ đơn thuần vì mục đích y tế ban đầu.

Nhiều nhà phê bình cũng chỉ trích rằng chính phủ Colombia đang gửi đi một tín hiệu tiêu cực cho trẻ em, trong khi hình ảnh Colombia sẽ bị hạn chế trong con mắt cộng đồng quốc tế.

"Bằng việc nuôi trồng thương mại và tuyên truyền về tác dụng dược tính của cần sa, chúng ta vô hình chung đang nói với trẻ em rằng cần sa rất tốt cho sức khỏe", ông Rafael Nieto, cựu Bộ trưởng Tư pháp Colombia, nói.

Dù tiềm ẩn đầy rủi ro, thế nhưng, trên những ngọn đồi thuộc dãy Andes, Colombia đang gieo mầm cho tương lai của một ngành công nghiệp mới.

Top