Có nên đưa người dưới 18 tuổi nghiện ma túy vào trường giáo dưỡng?

29/05/2020 14:20

Dự thảo mới nhất của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) đã mang tính thực tiễn, tinh thần đổi mới tư pháp, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý đối với người sử dụng và nghiện ma túy cả về xác định đối tượng, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng.

Vẫn còn một số vấn đề quan trọng cần tiếp tục xem xét, hoàn thiện như việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy - Ảnh minh họa nguồn Internet

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề quan trọng cần tiếp tục xem xét, hoàn thiện như việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy.

Hai luồng ý kiến

Dự thảo Luật XLVPHC bổ sung quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng bao gồm "Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi” (Khoản 5 Điều 92).

Tờ trình của Chính phủ lý giải việc đưa vào trường giáo dưỡng nêu ra hai luồng ý kiến.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, việc quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy nhằm tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện Việt Nam hiện nay (việc sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng ngày càng tăng và khó kiểm soát), đồng thời, là những biện pháp phòng ngừa sớm (quản lý tốt người sử dụng ma túy sẽ dần hạn chế số lượng người nghiện ma túy) với những đặc thù riêng là rất cần thiết.

Điều này thể hiện tính nhân văn, đồng thời, cũng phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, đối với đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy, thay vì giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện tại khu vực riêng trong cơ sở cai nghiện bắt buộc như quy định tại Luật Phòng, chống ma túy hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, thì nên quy định thống nhất do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng để quản lý, cai nghiện và học tập (nếu không có nơi cư trú ổn định) hoặc biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng (nếu có nơi cư trú ổn định và đáp ứng một số các điều kiện theo quy định, trong đó có điều kiện đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng) để giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm, thay đổi hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy, vì chưa phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Mục đích áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên là nhằm giáo dục, phòng ngừa chứ không phải là trừng phạt. Nếu chú trọng mục đích trừng phạt đối với đối tượng này thì khả năng phục hồi, sửa chữa vi phạm của các em sẽ rất khó đạt được.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy cũng đã có những quy định cụ thể đối với người chưa thành niên nghiện ma túy. Đối với đối tượng này, có thể tiếp tục thực hiện theo cơ chế Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc để đưa đối tượng này vào điều trị, cai nghiện ma túy trong khu vực dành riêng trong cơ sở cai nghiện bắt buộc (không coi là bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính) theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành (đang được xem xét sửa đổi, bổ sung).

Cần xem xét cẩn trọng

Hiện, dự thảo Luật đang quy định theo luồng ý kiến thứ nhất là đưa trẻ em nghiệm ma túy vào trường giáo dưỡng.

Tuy nhiên, cần xem xét vấn đề này cẩn trọng vì nhiều lý do.

Thứ nhất, theo số liệu báo cáo, khoảng 8% trong số người nghiện có hồ sơ quản lý sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi. Trong bối cảnh các loại ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS) xuất hiện ngày càng nhiều cùng với sự lôi kéo của bọn xấu, nhiều em 13-14 tuổi đã nghiện ma túy. Nếu không được cai nghiện sớm thì liều lượng ma túy sử dụng hàng ngày tăng lên, sự lệ thuộc thể chất và tâm lý, tính chất bệnh lý tâm thần, sự lệch chuẩn hành vi ngày càng trầm trọng, các bệnh khác từ ma túy ngày càng phát triển nặng nề,… khiến cho việc cai nghiện phục hồi hết sức khó khăn. Theo một số chuyên gia, nghiện ma túy ở lứa tuổi đang lớn "khôn khôn dại dại", nhân cách chưa hoàn thiện, mang nhiều cá tính, mạnh mẽ, bất cần, thường lôi kéo nhiều bạn bè vào nghiện đã để lại nhiều hậu quả bất an cho xã hội và nỗi đau của các gia đình. Việc họ mất đi tuổi trẻ trong sáng và cống hiến thay vào đó là những người bệnh hoạn, phạm tội đã thấy trước mắt.

Tuy nhiên, quy định của Luật XLVPHC tạo ra một khoảng trống, hiện tại có nhiều gia đình không thể tiếp tục đưa con em đi cai nghiện do điều kiện kinh tế, một phần cũng do các em chống đối, bất hợp tác. Không ít trường hợp, để có tiền dùng ma túy, nhiều trẻ em đã lừa đảo gia đình, người thân, ra đường ăn cắp, ăn trộm, bỏ nhà đi lang thang, tụ tập cãi nhau, đánh lộn, sử dụng ma túy trước mặt anh em trong nhà, "phê, ngáo" tại chỗ… và bỏ trốn, thậm chí đe dọa (đánh, giết bố mẹ, đốt nhà…) mỗi khi được khuyên nhủ đi cai nghiện. Những gia đình như vậy sống trong kiệt quệ, lo lắng, hoang mang.

Thứ hai, nghiện ma túy có đặc thù rất riêng không giống vi phạm hành chính khác.

Nghiện ma túy là một trạng thái đặc biệt, khác hẳn những hành vi của đối tượng khác đưa vào trường giáo dưỡng hay nói cách khác khi đã nghiện “việc quyết định” sử dụng ma túy không còn là hành vi tự chủ nữa bởi vì ma túy đã làm thay đổi não bộ. Nghiện ma túy là một căn bệnh của não bộ có bản chất mãn tính và tái phát.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nghiện ma tuý là tình trạng lệ thuộc về mặt tâm thần hoặc thể chất hoặc cả hai khi một người sử dụng ma tuý lặp đi lặp lại theo chu kỳ hoặc dùng kéo dài liên tục một thứ ma tuý và tình trạng lệ thuộc này làm thay đổi cách cư xử, bắt buộc đương sự luôn cảm thấy sự bức bách phải dùng ma tuý để có được những hiệu ứng ma tuý về mặt tâm thần của ma tuý và thoát khỏi sự khó chịu, vật vã do thiếu ma tuý.

Sổ tay chẩn đoán của Hiệp hội Tâm thần Mỹ (APA) định nghĩa nghiện như sau: Các triệu chứng bao gồm hiện tượng dung nạp (cần phải tăng liều lượng sử dụng để đạt được khoái cảm), sử dụng ma tuý để giảm triệu chứng cai, không thể giảm liều sử dụng thuốc hay ngưng sử dụng và tiếp tục sử dụng dù biết nó có hại cho bản thân hay những người khác.

Thứ ba, cai nghiện là hoạt động chuyên biệt, chuyên sâu.

Theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, thì: "Nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép".

Hoạt động của Cơ sở cai nghiện mang tính chất chuyên sâu rõ nét với việc tổ chức chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh, điều trị cắt cơn nghiện ma túy, điều trị các rối loạn về thể chất và tâm thần cho học viên theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.  

Học viên được sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện để xây dựng và thực hiện kế hoạch cai nghiện phù hợp. Học viên được tư vấn, được tham gia sinh hoạt nhóm nhằm giúp họ thay đổi hành vi, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống gặp phải trong quá trình cai nghiện và kỹ năng phòng chống tái nghiện…

Quy trình cai nghiện 5 giai đoạn được quy định rất rõ: "1. Giai đoạn tiếp nhận, phân loại; 2. Giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; 3. Giai đoạn giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; 4. Giai đoạn lao động trị liệu, học nghề; 5. Giai đoạn phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tài hòa nhập cộng đồng".

Trong khi đó, tại trường giáo dưỡng, đối tượng quản lý đa dạng hơn, hoạt động có nhiều điểm khác, chủ yếu giáo dục, quản lý.

Chế độ quản lý học sinh: “1. Học sinh phải học tập, lao động và sinh hoạt dưới sự quản lý, giám sát của trường giáo dưỡng; 2. Căn cứ vào quy mô của từng lớp trong trường giáo dưỡng, thời hạn chấp hành quyết định, đặc điểm nhân thân, tính chất, mức độ vi phạm, tình trạng sức khoẻ, giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn của từng học sinh, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng sắp xếp họ vào đội, lớp, tổ, nhóm cho phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục. Mỗi đội, lớp phải có cán bộ của trường giáo dưỡng trực tiếp phụ trách".

Chế độ học tập của học sinh: “Học sinh được học văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc học văn hóa đối với học sinh chưa phổ cập giáo dục là bắt buộc. Đối với những học sinh khác thì tùy theo khả năng và điều kiện thực tế của trường mà tổ chức học tập… Ngoài việc học văn hóa, học sinh phải được học tập chương trình giáo dục công dân, giáo dục hướng nghiệp, học nghề và chương trình giáo dục khác do Bộ Công an quy định…".

Theo chế độ khám bệnh, chữa bệnh cho học sinh, thì "trường giáo dưỡng phải định kỳ tổ chức khám sức khỏe cho tất cả học sinh sáu tháng một lần và thường xuyên có biện pháp đề phòng dịch bệnh; thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm cho học sinh. Tiền khám, chữa bệnh thường xuyên hàng tháng cho mỗi học sinh được cấp tương đương với 4 kg gạo tẻ loại thường tính theo giá thị trường của từng địa phương. Kinh phí tổ chức cai nghiện ma túy, điều trị HIV/AIDS cho học sinh theo định mức kinh phí mà Nhà nước cấp cho các cơ sở cai nghiện, trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an…".

Như vậy, trong khi tại cơ sở cai nghiện toàn bộ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ (y tế, xã hội học, giáo dục) được bố trí và đào tạo, quy trình thực hiện trong suốt thời gian ở đó là dành cho cai nghiện thì tại trường giáo dưỡng, cai nghiện chỉ là một nội dung hoạt động và nhiệm vụ của trường. Trong cơ sở cai nghiện, lĩnh vực "chữa bệnh" và "tâm lý" để phục hồi sức khỏe (sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần) là khâu then chốt của mọi hoạt động. Tại cơ sở cai nghiện, học viên cũng được học văn hóa, hướng nghiệp theo quy định.

Tóm lại, các hoạt động tại trường giáo dưỡng phù hợp trong việc xử lý hành chính có hiệu quả các đối tượng có các hành vi như gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, gây rối trật tự công cộng, lừa đảo, đua xe trái phép, thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự…. Với đối tượng nghiện ma túy thì đưa vào cơ sở cai nghiện là biện pháp hoàn toàn phù hợp, do đó, chất lượng, hiệu quả cao hơn.

* Bài 2: Quản lý người nghiện dưới 18 tuổi: Đảm bảo tính nhân văn, phù hợp luật pháp quốc tế

Top