Cơ hội chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030

29/01/2020 16:25

Với mục tiêu năm 2030, Việt Nam sẽ chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, chính vì vậy, BHYT chi trả cho người nhiễm HIV không chỉ được xem là “chỗ dựa” cho người nhiễm HIV mà còn là giải pháp bền vững để Việt Nam chấm dứt đại dịch này.

Việt Nam thực hiện cách thức mới để tiến về phía trước

Từ ngày 8/3/2019, bệnh nhân HIV/AIDS trên toàn quốc chính thức sử dụng thuốc ARV trong điều trị từ nguồn Quỹ BHYT. Với việc ban hành chính sách này, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua BHYT để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS.

Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số… được bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh. Người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong thực hiện nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội…

 Hiện có 25/63 tỉnh, thành phố đã có nguồn ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV nguồn BHYT. Ảnh: Thùy Chi

Đánh giá cao việc mở rộng điều trị ARV tại Việt Nam, bà Marie - Odile Emond, Giám đốc Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang chứng minh cho toàn châu Á - Thái Bình Dương một cách thức mới để tiến về phía trước, với việc đưa điều trị ARV vào BHYT là điểm quan trọng đối với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Có thể còn nhiều thách thức trong việc tiếp tục mở rộng quy mô, nhưng phải tiếp cận được những người cuối cùng để không ai bị bỏ lại phía sau.

Đồng quan điểm với đại diện của UNAIDS, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park đánh giá, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương có tốc độ tăng bao phủ đáng kể thuốc ARV. Từ năm 2012, việc thay đổi mô hình cung cấp dịch vụ HIV bao gồm xét nghiệm HIV, điều trị ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone đã được thực hiện từ quy mô thí điểm đến phủ rộng toàn quốc. Cách tiếp cận theo hướng đưa dịch vụ đến gần dân hơn và giúp người bệnh tiếp cận dễ dàng hơn, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt là những người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thời gian qua, để bảo đảm 100% bệnh nhân điều trị ARV tham gia BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tháo gỡ từng vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với BHYT. Nhờ vậy, số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT tăng theo từng năm. Nhiều tỉnh, thành phố đạt độ bao phủ BHYT cho 100% người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố, độ bao phủ BHYT cho đối tượng này còn thấp do tâm lý sợ lộ thông tin của người bị bệnh; không hiếm người nhiễm HIV/AIDS lo bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT.

Đặc biệt, một số bệnh nhân tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh, hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án.

Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có văn bản hướng dẫn bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện nhằm bảo đảm thống nhất việc thanh toán sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT trên toàn hệ thống. Ngoài ra, có nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và của Cục Phòng, chống HIV/AIDS hướng dẫn về lập kế hoạch, đôn đốc quyết toán sử dụng thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế của các cơ sở điều trị HIV/AIDS.

Nỗ lực đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV sớm

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện hướng dẫn các tỉnh, thành phố dự trù thuốc ARV nguồn BHYT, do đó kinh nghiệm của cán bộ về dự trù thuốc ARV nguồn BHYT còn hạn chế. Bên cạnh đó, số liệu bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT chưa rõ ràng tại nhiều tỉnh.

Mặc dù vậy, với những nỗ lực bao phủ BHYT cho bệnh nhân điều trị ARV, đến nay, cũng đã đạt được tỷ lệ 90 - 91%. Đến hết 30/9, đã có 51 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT đạt hơn 90%. Còn 9 tỉnh có tỷ lệ dưới 90% thấp nhất là thành phố Hồ Chí Minh (80%).

Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, việc tiếp cận 10% bệnh nhân còn lại sẽ còn gặp khó khăn do kỳ thị và sợ phân biệt đối xử của người nhiễm HIV nên không muốn dùng BHYT. Các bệnh nhân mới tham gia điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện đa khoa tỉnh không muốn về các bệnh viện tuyến huyện để điều trị. Các bệnh nhân ngoại tỉnh còn khó khăn khi đăng ký các thủ tục tạm trú. Nhiều bệnh nhân mất giấy tờ tùy thân.

Do đó, trong thời gian tới các tỉnh, thành phố tiếp tục tư vấn, truyền thông vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động bảo đảm các nguồn tài chính cho hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng khó khăn. Hiện nay 40/64 tỉnh, thành phố đã tự bảo đảm từ nguồn ngân sách địa phương. Ngoài ra, Cục Phòng chống HIV/AIDS sẽ hỗ trợ các cơ sở điều trị có hệ thống dữ liệu kết nối trên toàn quốc để quản lý, cảnh báo tình trạng tham gia BHYT của các bệnh nhân có thẻ BHYT đang điều trị.

Đối với công tác kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS, đến hết quý 2/2019 có 96% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Các cơ sở còn lại chưa đủ điều kiện để kiện toàn và ký hợp đồng với cơ quan BHYT sẽ được duy trì nguồn thuốc từ các chương trình dự án và hoàn thiện tiếp công tác kiện toàn. Sau khi không còn các nguồn thuốc miễn phí, các cơ sở này trường hợp không hoàn thiện công tác kiện toàn phải chuyển bệnh nhân sang các cơ sở khám chữa bệnh BHYT khác.

Việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT, trong năm 2019 đã đấu thầu và mua sắm thành công thuốc ARV nguồn BHYT cho 48.000 bệnh nhân. Đến hết tháng 10/2019 đã có hơn 41.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV. Dự kiến trong năm 2020, sẽ cung ứng cho 103.000 bệnh nhân.

Hiện nay, có 25/63 tỉnh, thành phố đã có nguồn ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV nguồn BHYT. Các tỉnh còn lại đã có nguồn của Dự án Quỹ Toàn cầu và chương trình PEPFAR bảo đảm.

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện chúng ta tiếp tục chuyển đổi sang BHYT theo lộ trình cắt giảm của thuốc viện trợ để bảo đảm rằng khi không có thuốc viện trợ thì bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị thuốc ARV đầy đủ và liên tục. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020, kết thúc AIDS vào năm 2030, vẫn còn rất nhiều thách thức. Bên cạnh thách thức về nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói chung và cho công tác điều trị HIV nói riêng, thì việc đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV sớm vẫn là thách thức lớn.

Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV.

Đồng thời, tham mưu xây dựng cơ chế, nguồn tài chính để hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT… Tuy nhiên, để có thể hoàn thành mục tiêu, bên cạnh việc người nhiễm HIV chủ động hơn trong việc tham gia BHYT thì cộng đồng, xã hội cần phải xóa bỏ sự phân biệt đối xử để người nhiễm HIV được điều trị bệnh đúng cách, hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hướng dẫn và đôn đốc các tỉnh bảo đảm và phê duyệt từ nguồn ngân sách địa phương kinh phí hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế cho năm 2020 và các năm tiếp theo.

Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trong cung ứng thuốc như điều phối các nguồn thuốc trong trường hợp thuốc ARV nguồn BHYT chưa cung ứng kịp; đưa một số phác đồ mới, hiệu quả vào danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia như TLD; đôn đốc việc quyết toán sử dụng của các cơ sở điều trị HIV/AIDS; kiện toàn quản lý thông tin bệnh nhân và thông tin quản lý sử dụng các nguồn thuốc.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 10 nghìn người bị nhiễm HIV, trong số hơn 100 nghìn người bị nhiễm HIV hiện nay, vẫn còn khoảng 50 nghìn người chưa biết được chính xác bệnh tật của mình, và chưa được điều trị một cách quy củ. Thực tế, năm 2018 Việt Nam mới đạt 80-70-95. Như vậy, trừ mục tiêu thứ ba đã đạt được, còn hai mục tiêu đầu nhất là mục tiêu thứ hai còn khá xa so với đích đạt ra trong khi chúng ta chỉ còn có một năm để thực hiện. Do vậy, muốn kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, cần đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và chúng ta cần có sự chung tay hành động của cả cộng đồng.
Top