Chương trình chống lao quốc gia đạt nhiều kết quả tích cực

22/03/2019 16:36

Năm 2018 là một năm thành công của Chương trình chống lao quốc gia trong tất cả các mặt trọng yếu, từ vận động chính sách trong nước và quốc tế, đến điều trị lao kháng thuốc, đồng nhiễm lao/HIV, các thành tựu nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các phương pháp tiếp cận mới làm tiền đề cho các giai đoạn mới. Việt Nam cam kết với thế giới như một mô hình mẫu trong chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu.

Đó là nhận xét của GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị giao ban hoạt động phòng, chống lao năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019 của Bệnh viện Phổi Trung ương diễn ra ngày 22/3 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Nhật Thy

Tỷ lệ mắc lao tại Việt Nam giảm khoảng 3,8% hàng năm

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời gian qua, công tác phòng, chống lao mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể, nhưng bệnh lao vẫn là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu. WHO ước tính, năm 2017, trên toàn cầu có khoảng 10 triệu người mới mắc lao hàng năm (9-10 triệu người); 9% trong số đó có đồng nhiễm lao/HIV.

Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao, và có thêm khoảng 300.000 ca tử vong do đồng nhiễm lao/HIV. Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Năm 2017, trên toàn cầu ước tính tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc là 3,5% trong số bệnh nhân mới và là 18% trong số bệnh nhân điều trị lại.

PGS.TS Lê Văn Hợi, Phó Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia cho biết, xu hướng dịch tễ bệnh lao trên toàn cầu nói chung đang có xu hướng giảm với tỷ lệ mắc lao mới giảm trong khoảng thời gian dài và có tốc độ giảm khoảng 2%/năm. Trong Chiến lược kết thúc bệnh lao đã được ban hành, WHO đã đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn cầu đến năm 2020 giảm 20% số người bệnh mắc lao mới và 35% số người tử vong vì lao so với năm 2015; đến năm 2025 sẽ giảm tương ứng là 50% và 75%. Như vậy, tốc độ giảm những ca mắc mới sẽ cần phải tăng lên từ 4-5% mỗi năm vào năm 2020 và tăng lên 10% vào năm 2025.

Hiện nay, ước tính mục tiêu này có thể đạt được ở một số khu vực trên thế giới, tuy nhiên rất có thể sẽ khó đạt được ở khu vực châu Phi vì liên quan đến tình hình dịch tễ HIV cao.

Tháng 3/2019, tại Hội thảo phân tích tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam, WHO và Chương trình chống lao quốc gia đã ước tính tỷ lệ mắc lao tại Việt Nam giảm khoảng 3,8% hàng năm (từ năm 2007-2017), tỷ lệ lao mới mắc giảm khoảng 3% hàng năm và tỷ lệ tử vong do lao giảm khoảng 4% hàng năm.

Hiện nay, trên cả nước có 48/63 tỉnh, thành đã thành lập bệnh viện Phổi, bệnh viện Lao và bệnh Phổi. Chương trình chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.

Riêng trong năm 2018, số liệu phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia có xu hướng giảm về số bệnh nhân lao các thể (3.657 bệnh nhân). Số bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn học giảm so với năm 2017 (1.051 bệnh nhân).

Về điều trị, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới được duy trì (87,2%) đạt mục tiêu của WHO đề ra là trên 85%, tuy nhiên con số này chưa đạt được mục tiêu của Chương trình chống lao quốc gia là trên 90%.

Bên cạnh đó, duy trì và tiếp tục triển khai hệ thống thu thập, quản lý thông tin, báo cáo trên internet từ tuyến tỉnh và mở rộng triển khai ở trên 857 huyện và các điểm tương đương; triển khai thành công việc lập Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống lao hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo báo cáo của WHO, năm 2018, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 15 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Hiện vẫn chưa tầm soát hết các đối tượng nghi lao kháng đa thuốc, tỷ lệ người được xét nghiệm trong số nghi kháng đa thuốc còn hạn chế tại nhiều địa phương. Tỷ lệ điều trị thành công ở một số địa phương chỉ ở mức 68%, chưa đạt được chỉ tiêu 76% như kế hoạch.

Bên cạnh đó, sự hợp tác để phát hiện lao trẻ em giữa Chương trình chống lao quốc gia và các cơ sở nhi khoa ở tỉnh và huyện chưa thường xuyên và chưa hiệu quả. Địa bàn triển khai rộng, thiếu cán bộ cả về số lượng và năng lực. Ngoài ra, công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn như thiếu nhân lực, chưa sử dụng hiệu quả trang thiết bị chẩn đoán và điều trị lap trong khi tỷ lệ bệnh lao, lao kháng đa thuốc, đồng nhiễm lao/HIV trong trại giam cao, công tác phát hiện còn thấp…

Cần xây dựng chiến lược chống lao cho giai đoạn mới

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đáng giá cao những nỗ lực, thành tựu mà Chương trình chống lao quốc gia đã đạt được trong năm 2018, đồng thời nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm mà chương trình cần thực hiện trong thời gian tới.

 (Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng đã trao Bằng khen của Bộ trưởng, Bộ Y tế cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống lao năm 2018. Ảnh Nhật Thy)

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lao vào UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Chương trình chống lao cần tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo với các bên liên quan để sớm có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã thực hiện được 5 năm, cần xây dựng chiến lược cho giai đoạn mới đến năm 2030 và chương trình hành động quốc gia với dự kiến kế hoạch cụ thể để thực hiện từ năm 2020.

Đồng thời đề xuất Quốc hội xem xét đưa vấn đề chấm dứt bệnh lao và Luật Phòng, chống các bệnh truyền truyển sửa đổi hoặc có Nghị quyết riêng về thực hiện Nghị quyết Trung ương chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng hoan nghênh những sáng kiến truyền thông độc đáo của Chương trình chống lao năm 2018, đề nghị tiếp tục phát huy, có bước đột phá hơn nữa trong truyền thông vận động các cấp chính quyền và người dân tham gia để có thể phát hiện sớm và nhiều nhất các ca bệnh lao; đẩy mạnh triển khai chiến lược phòng, chống lao tại tất cả các địa phương trên toàn quốc .

Về công tác vật tư,  tài chính, cần chuẩn bị tốt cho việc chuyển đổi nguồn kinh phí từ nhà nước sang sử dụng kinh phí từ nguồn bảo hiểm y tế.

“Cần làm chuyên nghiệp không để thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng đến quy trình vận hành, khám, phát hiện và điều trị cho người bệnh; tranh thủ vận động sự tài trợ của các đối tác quốc tế cả về kỹ thuật và tài chính cũng như vận động ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống lao”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng đã trao Bằng khen của Bộ trưởng, Bộ Y tế cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống lao năm 2018.

Top