Châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ buôn bán người cao nhất thế giới

19/11/2018 08:20

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính có khoảng 20,9 triệu người trên toàn cầu đang làm việc trong các điều kiện bị cưỡng bức lao động và hơn 50% trong số đó (11,7 triệu người) thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Không chỉ phụ nữ và trẻ em gái là số đông nạn nhân buôn người bị cưỡng ép bóc lột tình dục mà còn chiếm phần lớn trong số lao động cưỡng bức (55%).

Buôn bán người là một trong những vấn đề nhân quyền bi thảm nhất trong thời đại ngày nay. Nó phá vỡ các gia đình, phá hoại quy tắc của pháp luật, thúc đẩy các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia khác, đe dọa an toàn công cộng và an ninh quốc gia. Nạn buôn người vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với an ninh các quốc gia và toàn cầu nói chung. Buôn bán người nhằm mục đích bóc lột tình dục, lao động, cưỡng ép kết hôn, ăn xin, cho con nuôi và các mục đích bất hợp pháp khác.

Phụ nữ dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn người

Tội phạm buôn bán người hoạt động ngày càng phức tạp, vượt tầm kiểm soát của nhiều chính phủ, gây ra những hậu quả đau lòng. Liên Hợp Quốc cho biết, mọi quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi nạn buôn bán người, dù là nơi xuất xứ, quá cảnh hoặc điểm đến cho nạn nhân.
 
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính có 20,9 triệu nạn nhân bị buôn người trên toàn cầu, bao gồm 18,7 triệu (90%) bị cưỡng ép lao động khổ sai trong nền kinh tế tư nhân. Trong số này, 4,5 triệu (22%) người đang bị cưỡng bức lao động trong các hoạt động như nông nghiệp, xây dựng, công việc nội trợ và sản xuất. Không chỉ phụ nữ và trẻ em gái là số đông nạn nhân buôn người bị cưỡng ép bóc lột tình dục mà còn chiếm phần lớn trong số lao động cưỡng bức (55%).
 
Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), mỗi năm, có hàng nghìn người trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em chiếm 71% trong số 17.752 nạn nhân buôn người được phát hiện ở 85 quốc gia (51% là phụ nữ và 21% là trẻ em gái).
 
Ở Đông Á và Thái Bình Dương, nữ chiếm 77% nạn nhân, trong đó 51% là phụ nữ và 26% là trẻ em gái. Tại Trung Á, 35% nạn nhân buôn bán người là phụ nữ và trẻ em gái. Đây cũng là vấn nạn lớn tại các quốc gia Đông Nam Á khi mà nhu cầu về nhân lực rẻ mạt ngày càng tăng và lợi nhuận từ buôn bán người ngày càng cao. Một nửa của các nạn nhân được phát hiện là phụ nữ trong khi gần 1/3 nạn nhân là trẻ em nhằm phục vụ nhu cầu tình dục (60%), lao động cưỡng bức (32%).
 
Ở châu Á- Thái Bình Dương, có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị buôn bán, lợi dụng phụ nữ, trẻ em gái: nghèo đói, trình độ học vấn thấp, bạo lực và phân biệt đối xử. Trong một số trường hợp, cha mẹ và các thành viên trong gia đình có liên quan đến buôn bán con gái của mình. Bị buôn bán và bóc lột là hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nhưng trong bối cảnh tội phạm, nạn nhân của buôn người thường trải qua bạo lực tâm lý, thể chất và tình dục dưới bàn tay kẻ buôn người và bóc lột. Nạn nhân của buôn người là người chuyển giới cũng dễ bị bạo lực nhưng nhóm này thường không được quan tâm.

Top