Cảnh sát khu vực gặp 'khó' khi quản lý đối tượng nghiện

24/04/2018 17:05

Đối tượng nghiện ma tuý thường có hành vi bất hợp tác, chống đối cơ quan công an khi được mời lên trụ sở để làm việc. Có trường hợp mời đối tượng lên xét nghiệm nước tiểu nhưng đối tượng không chấp hành. Nếu đối tượng đồng ý cho xét nghiệm nước tiểu, khi có kết quả thì đối tượng cũng không ký vào biên bản xét nghiệm...

Ảnh minh hoạ

Quản lý đối tượng là một nội dung công tác cơ bản của lực lượng Cảnh sát khu vực trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ANTT. Trong thời gian qua, Cảnh sát khu vực công an các phường, thị trấn, thông qua công tác nắm tình hình địa bàn, quản lý hộ, nhân khẩu, quản lý đối tượng… đã chủ động rà soát, đánh giá đúng thực trạng số người nghiện ma túy trên địa bàn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, nhiều vụ án nghiêm trọng mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc các đối tượng sử dụng ma túy “đá” gây ra trong trạng thái bị suy giảm chức năng nhận thức, ảo giác, loạn thần hay còn gọi là “ngáo đá”.

Trước tình hình đó, trong quá trình quản lý, lực lượng Cảnh sát khu vực đã chú trọng nắm di biến động, quy luật “ngáo đá” của đối tượng, địa bàn thường đến sử dụng ma túy, địa điểm mua ma túy, phương tiện đi lại và các đối tượng thường xuyên tụ tập, quan hệ để trao đổi, cung cấp thông tin cho các lực lượng nghiệp vụ để có phương án phòng ngừa, giải quyết tình huống khi đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” gây ra.

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Cảnh sát khu vực công an các phường, thị trấn, đồn thông qua phương tiện truyền thanh, các cuộc họp tổ dân phố, cụm dân cư, cán bộ cơ sở đã chủ động tác tuyên truyền, vận động người dân trong địa bàn nâng cao ý thức, trách nhiệm phối hợp với lực lượng Công an trong phát hiện đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá”; hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa và trang bị các kỹ năng cần thiết để xử lý các tình huống đối tượng “ngáo đá” có thể gây ra như: đe dọa giết người, hủy hoại tài sản, bắt cóc con tin, đòi tự vẫn, gây thương tích cho người khác… Vận động gia đình có người nghiện ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” tự nguyện đưa đối tượng đi cai nghiện tại các trung tâm. Tăng cường các biện pháp gọi hỏi, răn đe, cảm hóa giáo dục và thu thập tài liệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với số đối tượng trên.

Tuy nhiên, thực trạng công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý đối tượng “ngáo đá” của lực lượng Cảnh sát khu vực còn những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP. Hà Nội, trong nhận diện, xác định đối tượng “ngáo đá”, một số cảnh sát khu vực còn nhầm lẫn trong cách nhận diện, xác định đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá”, số đối tượng không thường xuyên sử dụng ma túy tổng hợp nếu có biểu hiện cũng chỉ ở mức độ nhẹ chưa ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội, gia đình thì gia đình đối tượng giấu, không cho cơ quan chức năng biết; khi có triệu chứng về ảo giác, loạn thần, biểu hiện rõ ra ngoài thì các cơ quan chức năng mới phát hiện được.

Bên cạnh đó, đối tượng thường có hành vi bất hợp tác, chống đối cơ quan công an khi được mời lên trụ sở để làm việc: Quá trình làm việc, đối tượng thường không nhận thức được hành vi của mình, khi được cán bộ công an hỏi, đối tượng trả lời một cách vô thức, mỗi lúc trả lời một câu khác nhau với cùng một nội dung; có trường hợp mời đối tượng lên xét nghiệm nước tiểu nhưng đối tượng không chấp hành; nếu đối tượng đồng ý cho xét nghiệm nước tiểu, khi có kết quả thì đối tượng cũng không ký vào biên bản xét nghiệm.

Hơn nữa, thời gian sinh hoạt của đối tượng không cố định, mối quan hệ phức tạp, đặc biệt khó gặp gỡ, tiếp xúc, thường xuyên vắng mặt tại nơi cư trú gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng Cảnh sát khu vực trong công tác quản lý, nắm thông tin về đối tượng.

Đối tượng sử dụng ma túy đá tổng hợp, khi phê thuốc lên cơn “ngáo đá” thường không kiểm soát được bản thân, có những hành vi và việc làm gây nguy hiểm cho gia đình, xã hội. Nhưng theo quy định của pháp luật, không phải trường hợp nào cũng đưa đi trung tâm cai nghiện bắt buộc được ngay mà phải có đầy đủ tài liệu làm căn cứ thiết lập hồ sơ theo đúng quy trình thì mới ra được quyết định đưa đối tượng đi trung tâm cai nghiện.

Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát khu vực tiếp tục tăng cường công tác quản lý hành chính nhà nước về ANTT, làm tốt công tác quản lý hộ khẩu, nhân khẩu; tổ chức kiểm tra tạm trú, tạm vắng, tuần tra nhân dân, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp; kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm về ANTT như các cơ sở kinh doanh lưu trú, karaoke, bar có sử dụng nhạc mạnh… có biểu hiện nghi vấn tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hiện tượng mua bán, sử dụng trái phép ma túy tổng hợp.

Thường xuyên kiểm danh, kiểm diện, tiến hành gọi hỏi, cảm hóa, răn đe, giáo dục đối tượng, đồng thời rà soát, thu thập tài liệu, xác định lên danh sách đưa vào quản lý số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp, đảm bảo 100% số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” phải có hồ sơ quản lý, theo dõi di biến động, biểu hiện hành vi.

Phối hợp với cơ quan y tế và các cơ quan chức năng khám, chẩn đoán, xét nghiệm tình trạng nghiện cho các trường hợp nghi vấn theo định kỳ hoặc đột xuất để phân loại, theo dõi và áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn người sử dụng ma túy tổng hợp gây án và các hành vi nguy hiểm khác. Đồng thời, đề nghị giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào các chương trình điều trị và cai nghiện theo quy định của pháp luật đối với số người nghiện ma túy trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức, đoàn thể và gia đình để quản lý, giáo dục, giúp đỡ, vận động đưa người nghiện ma túy tổng hợp đi chữa bệnh. Trường hợp còn sinh sống tại gia đình, cộng đồng cần có biện pháp giám sát thường xuyên, cách ly người nghiện với các đồ vật có thể sử dụng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người khác. Đối với các trường hợp hoạt động lưu động cần chỉ đạo phối hợp rà soát, xác định cụ thể những nơi cư trú để thông báo cho các đơn vị tiến hành các biện pháp theo dõi, quản lý. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt công tác hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy sớm tái hòa nhập cộng đồng…

Top