Cảnh báo việc lợi dụng 'luồng xanh, luồng vàng' hải quan để vận chuyển ma tuý

24/04/2019 10:31

Theo cơ quan chức năng, thông thường ma túy sẽ được các đối tượng đưa vào nước ta bằng đường bộ rồi sau đó vận chuyển sang nước thứ 3 bằng đường biển. Do đó, các cảng biển sẽ là những điểm mà các đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng hải quan để trung chuyển ma túy ra thế giới.

Đánh giá hoạt động của tội phạm ma tuý phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm từng đặc biệt lưu ý tăng cường kiểm soát ở đường biển. Việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt giữa ngành công an, hải quan, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng. Trong đó, quản lý đầu tiên là lực lượng biên phòng bởi ma tuý thường từ nước ngoài vào Việt Nam, một phần để tiêu thụ còn lại sẽ đi nước thứ 3. Nhập xuất hàng trong các container tại cảng thì liên quan đến hải quan, công an sẽ làm nội địa.

Lợi dụng chính sách thông thoáng hải quan

Thực tế cho thấy, các đối tượng đang lợi dụng sự thông thoáng trong quy trình kiểm soát hàng xuất nhập khẩu (XNK) để vận chuyển ma túy.

Theo Tổng cục Hải quan, buôn lậu ma túy diễn ra trên tất cả các tuyến đường bộ, đường, biển, hàng không. Không chỉ số lượng nhỏ lẻ vài chục kg như trước đây mà đã lên đến hàng tấn, như các vụ việc cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua.

Như mới đây, Cục Hải quan TPHCM đã tham gia phối hợp với nhiều đơn vị để phía Philippines bắt giữ được 276 kg ma túy đá. Ngay khi nắm thông tin có một lô hàng sẽ vận chuyển từ cảng Sài Gòn khu vực 1 đến Philippines, cơ quan hải quan lập tức tham gia và rà soát lại tất cả các tờ khai khả nghi, khoanh vùng, phối hợp với công an tổ chức theo dõi, xác minh, kiểm tra.

Thực tế các đối tượng vận chuyển ma túy có tổ chức chặt chẽ, chúng không dùng tên doanh nghiệp chính thực hiện tờ khai mà thông qua một công ty dịch vụ khác. Công ty này đã làm hàng nghìn tờ khai trong năm qua, không dễ vào diện nghi vấn, trong khi Công ty Hashan (công ty núp bóng của tay trùm buôn ma túy đá) cả năm 2018 chỉ có một tờ khai nhập khẩu một lô vải từ Quảng Châu, Trung Quốc vào Việt Nam.

Trong chính sách quản lý hàng xuất nhập khẩu, hàng xuất khẩu luôn nằm trong diện ưu tiên, tỷ lệ kiểm tra rất ít. Hàng hoá xuất đi được khai thông qua hệ thống trên Internet của Tổng cục Hải quan rồi chuyển vào luồng. Nếu hàng thuộc luồng đỏ sẽ kiểm tra, luồng xanh sẽ đi thẳng một mạch còn luồng vàng chỉ kiểm tra hồ sơ trên mạng. Lô hàng "hạt nhựa tái sinh" mà công ty xuất đi thuộc luồng vàng không phải soi chiếu, chỉ kiểm tra hồ sơ. Nhóm người Trung Quốc lợi dụng lỗ hổng này để xuất container ma tuý bằng đường biển. 

Tuy nhiên, ngay khi có thông tin có lô hàng ma túy đá khủng sẽ xuất đi Philippines, hải quan lập tức tìm cách xác định lô hàng để thông tin cho lực lượng phòng chống ma túy Philippines (PDEA) và cục hải quan nước bạn, đề nghị phối hợp bắt giữ.

"Thông thường chúng xuất hàng đi Đài Loan nhưng khi thấy có động tĩnh lập tức chuyển sang Philippines. Tối 22/3, khi container cập bến Manila, lực lượng chức năng tìm thấy 276kg ma túy đá trong những bao hạt nhựa", đại diện Hải quan TPHCM cho biết.

Container 276 kg ma tuý từ TP HCM đi Philippines thuộc diện miễn kiểm tra

Theo Cục Hải quan TPHCM, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài qua địa bàn Cục Hải quan TPHCM hiện nay diễn biến khá phức tạp, mang tính chất nghiêm trọng.

Tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài lợi dụng tuyến cảng biển, tuyến hàng không (bao gồm sân bay, bưu điện, chuyển phát nhanh) để vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, một phần để sử dụng trong nước, một phần để trung chuyển sang nước thứ ba.

Cụ thể, tội phạm ma túy triệt để lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh..., nhất là trong thực hiện thủ tục hải quan, thông quan điện tử đối với hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy với các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng như: cất giấu ma túy vào hàng hóa, hành lý xuất nhập khẩu; hoặc gia công cất giấu giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong các quyển sách, bìa album, tranh ảnh, trong thực phẩm, máy hút bụi, hộp và túi đựng dĩa CD, ổ cứng máy vi tính…; sử dụng CMND giả gửi hàng hoặc dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện XNK để né tránh trách nhiệm khi bị phát hiện.

Trên tuyến cảng biển, các tổ chức tội phạm lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan để ủy thác xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Theo đó, ma túy được chúng ngụy trang tinh vi trong các container hàng nguyên liệu sản xuất (hạt nhựa, nhựa tái sinh…) được miễn kiểm tra thực tế (luồng xanh, luồng vàng).

Qua các vụ bắt giữ số lượng lớn ma túy tại địa bàn TPHCM của các lực lượng liên ngành vừa qua đã góp phần làm sáng tỏ hoạt động trung chuyển ma túy của tổ chức tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn TPHCM. Bởi TPHCM là nơi hội đủ các điều kiện thuận lợi để thông thương hàng hóa với quốc tế thông qua vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, đa dạng loại hình xuất nhập khẩu… mà các địa phương khác không có như: hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế, bưu cục ngoại dịch, chuyển phát nhanh… kết nối giao thông nhanh chóng với các nước.

Tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng

Trước tình hình trên, Cục Hải quan TPHCM đã xác định những trọng điểm về tuyến đường, mặt hàng, các tổ chức, cá nhân… cảnh báo kịp thời cho các đơn vị cửa khẩu để tập trung lực lượng đấu tranh ngăn chặn. Cùng với đó, Cục đã xác lập và triển khai quyết liệt các chuyên án, kế hoạch về phòng, chống và kiểm soát ma túy, tiền chất ma túy, các chất hướng thần tại các địa bàn cửa khẩu do Cục quản lý.

Về đấu tranh phòng, chống trung chuyển ma túy qua địa bàn, Cục Hải quan TPHCM xác định, muốn đạt được hiệu quả phải tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển. Theo đó, phải xác lập những chuyên án chung, thu thập và chia sẻ thông tin kịp thời giữa các lực lượng chức năng trên các cung đường ma túy đi qua và đặc biệt là việc chia sẻ thông tin kịp thời từ các cơ quan thực thi pháp luật ở nước ngoài về các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy hoạt động mang tính chất xuyên quốc gia.

Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành về công tác kiểm soát ma túy, tiền chất ma túy xuất nhập khẩu như: Tuần tra kiểm soát, nắm tình hình, trao đổi, phân tích thông tin, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác kiểm tra hàng hóa (máy soi, chó nghiệp vụ, thuốc thử nhanh ma túy…) và tổ chức thực hiện nghiêm các kế hoạch phòng, chống ma túy đã xây dựng tại địa bàn cửa khẩu.

Rà soát, phân loại doanh nghiệp trọng điểm cần quản lý chặt, tập trung đi sâu vào công tác phân tích thông tin các doanh nghiệp đã thành lập nhưng trong thời gian dài không có hoạt động xuất nhập khẩu hoặc hoạt động với tần suất ít.

Cục sẽ tiến hành đánh giá năng lực của cán bộ, công chức thực thi tại cửa khẩu và sắp xếp, bố trí đúng năng lực của họ vào các vị trí giám sát, kiểm soát, soi chiếu hàng hóa xuất nhập khẩu, nhằm sớm phát hiện các lô hàng nghi vấn có vận chuyển ma túy để ngăn chặn kịp thời.

Ngoài ra, thường xuyên tập huấn kỹ năng chuyên môn cho cán bộ, công chức (tại các trường đào tạo chuyên ngành hoặc tại cơ sở) để nắm thông tin, tăng cường cảnh giác, nhận biết được những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy. Khi xác định được các tuyến đường đi nghi vấn có ma túy, sẽ đưa vào tầm ngắm để theo dõi, bắt giữ.

Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp, hành khách xuất nhập cảnh, các nhân viên làm dịch vụ đại lý khai báo hải quan… để cảnh giác, không tiếp tay cho các tổ chức tội phạm ma túy thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và tích cực hợp tác với cơ quan hải quan khi có yêu cầu.

* Phó Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Văn Lịch cảnh báo 5 thủ đoạn chính đang được tội phạm ma tuý sử dụng trên địa bàn kiểm soát của Hải quan:

- Thứ nhất: Lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi của nhà nước trong thông quan hàng hóa, nhất là trong thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu để cất giấu ma túy, với các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng như: Khai báo sai tên hàng hoá, số lượng, chủng loại hàng hoá; lợi dụng các doanh nghiệp được ưu tiên để cất giấu ma tuý vào trong hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh.

- Thứ hai: Lợi dụng chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan để cất giấu ma túy trong hàng hóa do các phương tiện quá cảnh chuyên chở (nhất là các phương tiện xe Container) nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

- Thứ ba: Tội phạm ma tuý lợi dụng loại hình hàng tạm nhập - tái xuất để cất giấu vào hàng hoá đựng trong các container, vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó trung chuyển đi nước thứ 3 tiêu thụ.

- Thứ tư: Lợi dụng phương thức gửi hàng hóa theo đường chuyển phát nhanh để vận chuyển ma túy, tiền chất ma tuý với nhiều thủ đoạn như: khai tên, địa chỉ người gửi, người nhận không rõ ràng, khai báo sai tên hàng, pha, tẩm tiền chất và ma túy vào các loại đồ uống, hóa mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm.

- Thứ năm: Đối với hành lý mang theo người làm thủ tục xuất nhập cảnh, các đối tượng trực tiếp thực hiện hoặc thuê cư dân biên giới, các đối tượng lao động tự do thường xuyên qua lại 2 bên biên giới, thăm thân, du lịch để vận chuyển ma túy được cất giấu tinh vi bên trong các vali, túi xách được thiết kế hai đáy, gia cố cất giấu giữa các cạnh, vách thùng đựng hàng hóa; cất giấu trong hàng lưu niệm, tượng, tranh sơn dầu...

Top