Can thiệp giảm hại với phụ nữ mại dâm: Còn thiếu nhất quán trong chính sách

20/09/2017 10:22

Từ sau khi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm ra đời (năm 2003), Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Xử lý vi phạm hành chính… Các văn bản pháp luật này đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách về phòng, chống mại dâm.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Tuy nhiên Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm hiện vẫn chưa nhất quán và còn mâu thuẫn với các biện pháp chống kỳ thị với người bán dâm nhiễm HIV và các biện pháp can thiệp giảm hại trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm chưa thể hiện rõ ràng biện pháp chống kỳ thị, phân biệt đối xử và quyền được sống hòa nhập của người làm nghề mại dâm bị nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của những người xung quanh trong việc bảo đảm quyền này. Đến năm 2006, Luật Phòng chống HIV/AIDS ra đời đã thể hiện các biện pháp chống kì thị và phân biệt đối xử với người bịi nhiễm HIV/AIDS. Tại khoản 4 Điều 3 của Luật đã quy định một nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống nhiễm HIV/AIDS, đó là: Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ; tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, theo khoản 3 Điều 8 của Luật thì nhà nước Việt Nam nghiêm cấm hành vi “kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS”.

Bên cạnh đó, còn có sự thiếu nhất quán giữa Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Nghị định 108/2007/NĐ-CP hỗ trợ các can thiệp giảm hại, chống phân biệt đối xử và Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003. Theo Pháp lệnh này, bất cứ ai bán dâm đều là đối tượng bị quản lý tập trung tại các trung tâm 05 (khoản 1 Điều 23). Chỉ đến khi Luật Xử lý vi phạm hành chính ra đời năm 2012 thì biện pháp đưa người bán dâm vào trung tâm 05 mới được gỡ bỏ, theo đó người bán dâm được quản lý tại xã phường nơi họ cư trú.

Mặc dù không có những chính sách cản trở người bán dâm hoàn lương tiếp cận với các dịch vụ, những chính sách hiện nay cũng không khuyến khích họ tiếp cận các dịch vụ này, hoặc nếu tiếp cận được thì cần nhiều thủ tục khó khăn (như cần có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc người bảo lãnh mới được vay vốn). Vì vậy, cần có một chính sách cụ thể để giải quyết và ưu tiên người bán dâm tiếp cận các can thiệp dự phòng, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ, đặc biệt là đối với đối tượng phụ nữ mại dâm có tiêm chích ma túy. Những phụ nữ mại dâm sử dụng ma túy và bị nhiễm HIV đã bị gạt ra bên lề và phải đối mặt với kỳ thị kép về HIV, họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ việc làm, giáo dục và hỗ trợ xã hội.

Về các biện pháp can thiệp giảm hại, nhóm phụ nữ bán dâm là nhóm có nguy cơ cao mắc HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục và chính nhóm đối tượng này cũng làm lây lan mạnh các bệnh này ra cộng đồng. Theo báo cáo giám sát trọng điểm của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Viện Da liễu Trung ương, tỷ lệ nhiễm HIV dao động từ 2,6-4,5% và tỷ lệ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục dao động từ 2-10% trong nhóm phụ nữ bán dâm. Tuy nhiên, trong Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm không hề có bất cứ chương và điều nào quy định về các biện pháp can thiệp giảm hại cũng như phòng ngừa lây lan bệnh tật ra cộng đồng.

Chính vì vậy, thời điểm trước khi Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS thì việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do vấp phải các rào cản về mặt pháp lý. Hoạt động can thiệp giảm tác hại bao gồm các biện pháp chính là cung cấp bao cao su cho người mua dâm, bán dâm. Nhưng khi xử phạt thì bao cao su được coi như một loại tang vật, phương tiện sử dụng để mua dâm, bán dâm (Chương III - Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm của Nghị định số 178/2004/NĐ-CP). Do đó, khi triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại này không phù hợp với quy định của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm.  

Tóm lại, mặc dù việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong nhóm đối tượng người mua dâm, bán dâm đang áp dụng các quy định tại Điều 83 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nguyên tắc áp dụng pháp luật là “trong trường hợp các văn bản quy phạm Pháp lệnh do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau” nhưng trên thực tế, mâu thuẫn pháp lý giữa hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS với hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm vẫn còn tồn tại. Vì vậy cần sớm được giải quyết trong thời gian tới để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong thực tế.

Top