Cần mở rộng thí điểm hợp đồng xã hội phòng, chống HIV/AIDS

21/10/2019 17:02

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai hợp đồng xã hội, do chưa có cơ chế hợp đồng chính thức, tính bền vững của các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) còn thấp, tư cách pháp nhân nhiều CBO chưa có, năng lực chuyên môn còn chưa cao...

 PGS. TS Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại buổi họp nhóm kỹ thuật về hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Hải Huệ

Thời gian qua, ngành y tế đã rất nỗ lực trong việc thí điểm hợp đồng xã hội phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt các tổ chức dân sự xã hội (CSO) và các CBO trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đã cố nhiều đóng góp rất tích cực.

Theo TS. Long, để thực hiện tốt, các cơ quan Nhà nước, cần kiện toàn các văn bản pháp quy, trong đó xây dựng các gói dịch vụ và điều kiện cần có mà các tổ chức xã hội có thể cung cấp; ban hành văn bản hướng dẫn triển khai hợp đồng xã hội trên toàn quốc. Các tổ chức cộng đồng cần nâng cao năng lực chuyên môn, đăng ký tư cách pháp nhân.

Hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS là quá trình thông qua đó các nguồn lực của nhà nước được sử dụng để cung cấp vốn cho các thực thể nằm ngoài bộ máy nhà nước (hay gọi là các đơn vị ngoài nhà nước) cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Đây là một khái niệm mới ở Việt Nam, tuy nhiên bản chất của khái niệm này tương đồng với các cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Mới đây, để chia sẻ và góp ý kết quả các nghiên cứu liên quan đến hợp đồng xã hội và triển khai thí điểm hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã phối hợp với Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và Trung tâm nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng (CCRD) tổ chức họp nhóm kỹ thuật mở rộng tại Hà Nội.

Tại cuộc họp lần này, các đại biểu được nhóm nghiên cứu độc lập đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ báo cáo về: Tổng quan cơ chế, chính sách thực hiện Hợp đồng xã hội đối với dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Trong đó, đưa ra kết quả nghiên cứu, các giải pháp, kết luận, kiến nghị cũng như lộ trình thực hiện hợp đồng xã hội trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Đại diện đến từ Nghệ An đã chia sẻ kết quả mô hình thí điểm hợp đồng xã hội về cung cấp dịch vụ HIV/AIDS tại cộng đồng. Theo đó, Nghệ An là là một trong 10 tỉnh có số lượng người nhiễm HIV cao nhất cả nước. Nguồn viện trợ cắt giảm, dịch HIV vẫn có xu hướng tăng. Chưa có mô hình tài chính bền vững cho các dịch vụ cộng đồng do CBO cung cấp. Chính vì vậy, việc thí điểm mô hình hợp đồng xã hội, tiến tới sử dụng ngân sách Nhà nước để bảo đảm tính bền vững của các dịch vụ cộng đồng là hết sức cần thiết.

Mô hình hợp đồng xã hội cơ cấu gọn nhẹ, hợp đồng rõ ràng, chi trả theo hiệu suất tìm ca mới, khuyến khích CBO chủ động sáng tạo trong tìm ca. Do nhóm CBO sàng lọc đối tượng tốt nên đạt tỷ lệ dương tính cao (gần 10%, so với tỷ lệ khoảng 3% của cơ sở y tế). Tỷ lệ chi phí mô hình này thấp hơn so với chi phí của chương trình dự phòng của tỉnh hiện đang áp dụng.

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long khẳng định, ngoài triển khai thí điểm hợp đồng xã hội tại Nghệ An, ngành y tế cần mở rộng thí điểm ra nhiều tỉnh khác trên toàn quốc.
Top