Cần loại khỏi ngành vận tải những người sử dụng ma túy

26/11/2020 16:15

Những chuyến xe vẫn phải lăn bánh, những chuyến hành trình rồi vẫn phải bắt đầu hàng ngày trên mọi nẻo đường dải đất hình chữ S. Và đâu đó trên những tuyến quốc lộ, cao tốc, vẫn có những chiếc xe được điều khiển bởi những người sử dụng chất gây nghiện.

Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, lực lượng tuần tra kiểm soát của Cục CSGT liên tục phát hiện 5 trường hợp tài xế dương tính với chất ma túy trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Đây không phải những trường hợp cá biệt, tính từ năm 2019 tới nay, đã có hàng trăm trường hợp tương tự trên cả nước bị phát hiện và xử lý. Dù được tuyên truyền rất tích cực, song tình trạng tài xế sử dụng ma túy lái xe trên đường vẫn diễn biến phức tạp.

Lực lượng CSGT kiểm tra tài xế

"Đó là uống thuốc bình thường, các anh không thể cản trở em làm việc được".

"Chúng tôi chưa khẳng định anh dùng ma túy. Kết quả ban đầu thử nước tiểu cho thấy dương tính với morphin. Để đảm bảo công bằng, cho kết quả chính xác nhất thì sẽ lấy mẫu máu gửi viện Pháp y. Đó là kết quả cuối cùng". 

Vừa rồi là phản ứng của tài xế N.H. chạy tuyến Bắc Giang – Hà Nội khi bị đoàn liên ngành Hà Nội kiểm tra đột xuất tại bến xe Gia Lâm. Kết quả xét nghiệm nước tiểu của N.H. dương tính với chất Morphin.

Tài xế này ngay lập tức bị đình chỉ công việc cho đến khi có kết quả xét nghiệm máu. N.H. lý giải, do bị ốm nên hai hôm nay uống thuốc giảm ho Terphin Codein, và phản ứng rất mạnh mẽ với lực lượng liên ngành. Phải mất hơn 30 phút, cơ quan chức năng mới thuyết phục được tài xế chấp hành việc xét nghiệm máu.

Đó chỉ là một trong nhiều hình thức chống đối của các tài xế khi kết quả xét nghiệm lần 1 dương tính với chất ma túy. Theo số liệu từ Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, từ năm 2019 tới nay, Đoàn liên ngành Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện khoảng trên 20 tài xế sử dụng ma túy trước khi điều khiển phương tiện. Ngoài ra, có 5 trường hợp được phát hiện qua công tác tự kiểm tra của các đơn vị vận tải.

Ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội chia sẻ: “Có những lái xe rất manh động, lên xe đóng cửa rồi lái xe đâm thẳng vào lực lượng liên ngành để bỏ chạy. Nhiều lái xe thiếu thiện chí, bất hợp tác với lực lượng liên ngành, nhất là các tài xế xe tải, khi bị kiểm tra đột xuất trên đường thì họ sẵn sàng khóa cửa xe bỏ đi, hoặc chống đối bỏ chạy, gây khó khăn nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ. Hoặc khi có tin báo liên ngành lập chốt kiểm tra thì nhiều lái xe tìm đường tắt đường nhỏ để né tránh”.

Trong khi đó, tại Hải Phòng, trong 2 tháng trở lại đây, Phòng CSGT Công an TP đã triển khai 17 buổi kiểm tra chuyên đề, phát hiện 12 trường hợp tài xế dương tính với ma túy, với tổng mức phạt 420 triệu đồng. Thiếu tá Trần Xuân Minh, Trạm CSGT Lưu Kiếm, Phòng CSGT Công an TP. Hải Phòng cho biết: “Khi phát hiện lái xe điều khiển trong cơ thể có chất ma túy, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện, thông báo chủ phương tiện để có hình thức giám sát theo dõi, quản lý đối với lái xe vi phạm. Cùng với đó thông báo về địa phương để có hình thức quản lý lái xe”.

Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cung cấp thông tin đáng chú ý: 10 tháng đầu năm 2020, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 1.232 tài xế vi phạm về ma túy, trong đó 74% lái xe mô tô, 17% là lái xe tải và container. So với năm 2019, số tài xế vi phạm về ma túy trên cả nước tăng gần 45%.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát đường bộ cao tốc số 1, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT nhấn mạnh, những loại tiền chất kích thích thường bị phát hiện gồm: Ma túy đá, Morphine, cần sa.

“Trong quá trình kiểm tra thì đặc biệt chú ý những xe kinh doanh vận tải, nhà xe container, xe khách và đặc biệt là những xe chạy tuyến đường dài. Họ thường xuyên đi đêm, thời gian lái xe lâu, cũng có một bộ phận lái xe sử dụng chất kích thích để hoạt động trong lĩnh vực của mình”

Một vấn đề nổi lên thời gian gần đây mà Đội Tuần tra kiểm soát đường bộ cao tốc số 1 đề cập là hiện tượng thanh niên đi chơi đêm, lái xe ô tô con, bán tải lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao trên đường cao tốc, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng người tham gia giao thông. Do đó, nhiều chuyên đề, cao điểm để ngăn chặn tình trạng này đã được thực hiện.

Thực trạng tài xế sử dụng ma túy phức tạp là như vậy. Đâu là nguyên nhân các khâu giám sát vẫn “để lọt” những trường hợp không đủ tiêu chuẩn sức khỏe lái xe ra đường?

Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ chủ quan của tài xế. Ở họ đang có một quan niệm sai lầm: Ma túy giúp tỉnh táo trong thời gian dài trên hành trình. Vì vậy, họ tìm đủ mọi cách lệ thuộc vào nó.

“Nếu dùng lâu dài các loại ma túy nói chung thì gây sảng khoái tức thời. Sau đó thì thần kinh của chúng ta sẽ rơi vào trạng thái suy nhược, sẽ không làm chủ được hành vi. Đặc biệt là nếu sử dụng quá liều hoặc trong thời gian dài sẽ gây mất kiểm soát ý thức và hành vi, gây rối loạn cảm xúc. Những điều này cực kỳ nguy hiểm đối với những người tham gia giao thông, đặc biệt là những người mà điều khiển các loại xe có trọng tải lớn”.

Nguyên nhân thứ hai, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm cho rằng xuất phát từ việc thiếu kiên quyết trong giám sát tài xế trước khi xuất bến, kiểm tra tài xế chưa cai nghiện triệt để từ phía doanh nghiệp, cơ quan chức năng.

Cần xử phạt mạnh hơn

Ông Nguyễn Văn Thanh, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam – nhấn mạnh đến trách nhiệm liên đới trong câu chuyện này thuộc về các đơn vị vận tải, các doanh nghiệp cũng như các lực lượng có thẩm quyền kiểm tra.

“Một là doanh nghiệp sử dụng lái xe, hai là cảnh sát giao thông. Anh được giao nhiệm vụ, anh có quyền kiểm tra thì phải làm đến nơi đến chốn. Phải có những phương tiện tốt hơn, hiện đại hơn, xét nghiệm máu rồi khẳng định ngay”.

Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến Cao tốc Hà Nội- Lào Cai

Với kinh nghiệm trong ngành vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh cũng lưu ý, không ít trường hợp tài xế tìm cách qua mặt doanh nghiệp vận tải trong việc kiểm tra ma túy. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 năm/lần hầu như không hiệu quả bởi giấy chứng nhận sức khỏe không đáng tin cậy.

“Lái xe mà sử dụng ma túy sẽ có những cách để giấu diếm. Chủ doanh nghiệp nhiều khi cũng bị mắc lừa. Thế nhưng anh phải bằng những thông tin từ tài xế, phụ xe hoặc là nhận thông tin của hành khách. Bởi vì ngồi nhà anh không biết được, kể cả chuẩn bị tới đây lắp camera này nữa thì cũng không thể phát hiện được.”

Đồng quan điểm, Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát đường bộ cao tốc số 1, Cục CSGT cũng chia sẻ một lỗ hổng tài xế lợi dụng để tiếp tục lái xe dù bị “giam” bằng hoặc phát hiện dương tính với ma túy. Đó là một số trường hợp sử dụng đến 2 bằng lái, họ khai đang trong quá trình bái mất thì xin cấp lại được, hoặc có trường hợp sử dụng bằng giả để lái xe.

“Riêng các tài xế dương tính với các chất kích thích, trước khi vào thi, cấp đổi GPLX, cơ quan thi tuyển phải có trách nhiệm khám đầy đủ sức khỏe, xem có đủ tiêu chuẩn hay không, xác định rõ cùng phối hợp với doanh nghiệp để có biện pháp quản lý. Để đảm bảo sức khỏe cho lái xe, cơ quan tuyển dụng phải có trách nhiệm định kỳ hàng tháng phải khám sức khỏe. Trực tiếp người của cơ quan dẫn lái xe đi khám ở các cơ sở y tế. Nếu mất, cấp đổi bằng, trung tâm sát hạch phải có biện pháp phát hiện ra được đối tượng này”.

“Không đánh đổi lợi ích sức khỏe với lợi ích kinh tế” - Đó là thông điệp được Chính phủ truyền đi liên tục trong quá trình xây dựng những Dự án Luật gần đây, đơn cử như Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Một bài toán rõ rang đã được đặt ra: Nguồn thu mang lại từ hoạt động kinh doanh thấp hơn rất nhiều thiệt hại của toàn xã hội trong việc giải quyết hậu quả của lạm dụng chất kích thích, mà TNGT là điển hình.

Trên tinh thần ấy, những chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn cần được đặt ra để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng người sử dụng ma túy vẫn ngồi sau vô lăng.

Chế tài hiện hành với đối tượng này là tước GPLX có thời hạn kèm buộc đưa đi cai nghiện. Hiện nay, chỉ cấp Tòa án mới có thẩm quyền cấm một công dân không được phép hành nghề nhất định. Chúng ta chưa có chế tài để loại bỏ vĩnh viễn một người sử dụng ma túy khỏi ngành vận tải, cho tới khi người đó gây ra hậu quả nghiêm trọng và ra trước vành móng ngựa.

Điều này đồng nghĩa chế tài mạnh mẽ nhất chưa được coi là một phương án phòng ngừa. Trong bối cảnh ma túy như “bóng ma” ám ảnh ngành vận tải hết năm này qua năm khác, giữa tình hình cấp bách phải có giải pháp hiệu quả, thiết thực ngăn TNGT liên quan sử dụng ma túy, có lẽ các nhà làm chính sách cần cân nhắc các chế tài xử lý hình sự với đối tượng này.

Như một chuyên gia giao thông từng nói, tài xế có hành vi sử dụng ma túy có thể được xem như đầy đủ yếu tố xử về tội giết người, kể cả khi chưa gây hậu quả.

Top