Cần làm rõ hơn chính sách khuyến khích cai nghiện tự nguyện

25/09/2020 10:39

Ngoài việc tiếp tục khẳng định chính sách áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, trong Dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy cần làm rõ hơn các chính sách khuyến khích đối với người tự nguyện cai nghiện và chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ sau cai nghiện ma túy, phòng, chống tái nghiện.

Đó là ý kiến của ông  Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại Hội thảo góp ý Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 24/9.

Còn bất cập trong lĩnh vực cai nghiện ma túy

Theo ông Lê Văn Khánh, hiện nay lĩnh vực cai nghiện ma túy còn nhiều bất cập. Số lượng người nghiện ma túy và số chất ma túy đặc biệt là chất hướng thần tăng nhanh qua từng năm gây khó khăn, tạo sức ép rất lớn đối với công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 160%); năm 2015 có 215 chất ma túy, năm 2018 có 516 chất ma túy.

Học viên học nghề tại cơ sở cai nghiện ma túy. Ảnh Nhật Thy

Về chính sách của Nhà nước về cai nghiện: chưa quy định cụ thể chính sách khuyến khích đầu tư của tư nhân vào công tác cai nghiện ma túy; trình tự, thủ tục thành lập, cấp phép hoạt động của cơ sở tư nhân quá phức tạp nên sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác cai nghiện ma túy còn hạn chế; chính sách, dịch vụ hỗ trợ của nhà nước đối với người tự nguyện cai nghiện ma túy chưa cụ thể. Các quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng hiện hành không phù hợp, không khả thi trong thực tế, chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng trong việc hỗ trợ người tự nguyện cai nghiện.

Đối tượng, trình tự, thủ tục, hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc còn quy định chồng chéo, phức tạp; thời gian cai nghiện không phù hợp với chất ma túy mới; chưa thể hiện rõ quyền, trách nhiệm của người nghiện cũng như quyền, trách nhiệm, tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện, chế độ, chính sách cho người làm công tác cai nghiện; Thẩm quyền quyết định việc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi và người từ đủ 18 tuổi chưa thống nhất…

Đề xuất không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng

Ông Lê Văn Khánh cho biết, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thống nhất với dự thảo 2 biện pháp cai nghiện (tự nguyện, bắt buộc) và không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Thực tiễn cho thấy, quy định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã quyết định là không phù hợp với Hiến pháp 2012, không phù hợp với thực tế (cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn), không khả thi.

Theo quy định hiện hành, có 3 hình thức cai nghiện (gia đình, cộng đồng và cơ sở  cai nghiện). Thực tế, hình thức cai nghiện tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng về bản chất chỉ là một hình thức (người nghiện tự nguyện cai nghiện với sự hỗ trợ, quản lý của gia đình họ và các tổ chức đoàn thể, chính quyền cấp xã). Do vậy, nên gộp hai hình thức này thành hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng để làm cơ sở cho việc quy định việc tổ chức thực hiện hình thức cai nghiện này. Đồng thời, làm rõ hơn đối với hình thức cai nghiện tập trung (các dịch vụ điều trị, cai nghiện, hỗ trợ được cung cấp tại 1 cơ sở khép kín) tại cơ sở cai nghiện bắt buộc (công lập) và cơ sở cai nghiện tư nhân. Biện pháp cai nghiện tự nguyện được áp dụng đối với cả tất cả các hình thức cai nghiện; biện pháp cai nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với hình thức cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ông Lê Văn Khánh cho biết, theo quy định hiện hành, việc tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Qua thực tiễn gần 20 năm triển khai cho thấy quy định này không khả thi, thể hiện ở các điểm sau: Về nguyên tắc, cai nghiện là việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, xã hội, y tế mang tính chuyên môn kỹ thuật và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, do vậy phải do các cơ quan chuyên môn đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn thực hiện, trong khi Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính, không phải là đơn vị cung cấp dịch vụ; Các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, xã hội, y tế cơ bản ở cộng đồng hiện nay không thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nên việc huy động để hỗ trợ người cai nghiện rất khó khăn; nguồn lực ở nhiều xã, phường không đảm bảo cho việc tổ chức cai nghiện;  nhiều xã, phường có rất ít người nghiện nên tổ chức cai nghiện tại mỗi xã, phường là không hiệu quả mà cầm tổ chức theo cụm xã, phường.

Từ những vấn đề trên, việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cần quy định theo nguyên tắc: Đây là hình thức tự nguyện cai nghiện do cơ quan chuyên môn thực hiện (đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, xã hội) với sự tham gia phối hợp của gia đình, các tổ chức xã hội tại cộng đồng dân cư. Giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu cai nghiện tại gia đình, cộng đồng của địa phương.

Đây là một trong các nội dung quan trọng của Chương cai nghiện ma túy; các quy định phải đảm bảo tính thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, thể hiện rõ nguyên tắc: nhà nước sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện đối với người nghiện đã bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc song vẫn còn nghiện nhưng cũng khuyến khích họ không tái nghiện; áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện không tự nguyện cai nghiện hoặc điều trị bằng thuốc thay thế mà cố ý sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của người nghiện trong thời gian bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; xử lý việc chấp hành hình phạt (hình sự) khi đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; thành lập, tổ chức, hoạt động; quyền, trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

Về cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, thực tế, việc cai nghiện cho đối tượng này cần được coi là một dịch vụ hỗ trợ hay biện pháp chăm sóc thay thế đối với trẻ em có "hoàn cảnh đặc biệt" theo Luật Trẻ em, không nên coi là biện pháp xử lý hành chính, cần quy định cụ thể trong Luật này. Trước hết, cần khuyến khích việc tự nguyện cai nghiện, chỉ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để cai nghiện khi tình trạng nghiện ma túy ảnh hưởng đến việc phát triển bình thường của trẻ.

Về thẩm quyền, để đảm bảo thống nhất với Luật Trẻ em (thẩm quyền áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế quy định tại Khoản 3 Điều 52 Luật Trẻ em) giao Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến của tư vấn của cơ quan bảo vệ trẻ em cùng cấp để đảm bảo quyền, lợi ích tốt nhất đối với trẻ em; giao Chính phủ quy định cụ thể về trình tự thủ tục lập hồ sơ.

 

Top