Cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chấm dứt bệnh lao

23/03/2019 14:00

Ngày 23/3/2019, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3); sơ kết 5 năm triển khai Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao và Phát động Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.

Tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng gần 500 đại biểu đại diện cho Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND, Sở Y tế, Chương trình chống lao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đối tác trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện. Ảnh Nhật Thy

Số người chết vì lao cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông

Tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, ngày thế giới phòng, chống lao 24/3 năm nay là cơ hội cho tất cả mọi người chung tay giúp sức, nâng cao nhận thức về bệnh lao.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, hiện có nhiều nghịch lý về bệnh lao và phòng, chống lao trên thế giới trong đó có 3 vấn đề chính. Thứ nhất, lao là căn bệnh lâu đời nhất, hàng ngàn năm tuổi tồn tại và đã 137 năm sau khi phát hiện ra nguyên nhân là vi khuẩn lao nhưng căn bệnh này vẫn đang đe dọa an ninh y tế toàn cầu vì số người từ vong cao, số mắc mới, lây truyền và hậu quả nghèo đói.

Thứ hai, từ năm 1882 đến nay, cả tỷ người đã chết vì bệnh lao nhưng căn bệnh này không được chú ý bởi cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư và các nhà nghiên cứu.

Tiếp đó, hiện toàn cầu đang rất thiếu các công cụ chuẩn đoán, các thuốc điều trị trong thời gian dài, nhưng khi có công cụ mới, thuốc mới ra đời thì rất chậm áp dụng với những thái độ, nguyên tắc và những rào cản kỳ lạ

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2019:  “It’s time!” -“Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao” - nhấn mạnh vào sự cấp bách trong việc hành động, thực hiện các cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu nhằm: Mở rộng quy mô tiếp cận phòng ngừa và điều trị bệnh lao; tiếp tục xây dựng trách nhiệm giải trình; đảm bảo nguồn lực tài chính đầy đủ và bền vững bao gồm cả cho nghiên cứu; chấm dứt sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh; thúc đẩy hành động nhân quyền, lấy người bệnh làm trung tâm.

Tại Việt Nam, Chủ đề của Ngày phòng, chống lao năm 2019 là: “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”. Chủ đề muốn nêu rõ định hướng và mục tiêu cụ thể đó là cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, tức là với dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao 1 năm.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính số liệu năm 2017, Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới. Chương trình chống lao quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2017 tại Việt Nam ước tính là 12.000, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi chấm dứt căn bệnh này. Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần 1 năm 2007 và lần 2 năm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% năm. Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến 2020 đã thể hiện 4 quan điểm mới: Tư duy mới (bệnh lao có thể chấm dứt được, hệ thống chính trị vào cuộc, ngành y tế là nòng cốt, nhà nước đảm bảo nguồn lực; cộng đồng tham gia, trách nhiệm và quyền lợi); công nghệ mới (kỹ thuật chuẩn đoán/thuốc, phác đồ, vaccine mới ); tiếp cận mới (mở rộng phối hợp quản lý bệnh lao và bệnh hô hấp…); đầu tư mới (đa nguồn, nhà nước đảm bảo, ngan sách chính phủ, BHYT, địa phương, trài trợ quốc tế)…

Bên cạnh đó, đến nay chúng ta đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện chuẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạnh từ trung ương dến địa phương. Đây là một kết quả rất đáng mừng, nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Chung tay thực hiện cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Tháng 9/2018, Việt Nam đã tham dự Hội nghị cấp cao lần đầu tiên về chấm dứt bệnh lao toàn cầu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được tổ chức tại New York, Hoa Kỳ với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, các quan chức cấp cao các thành viên Liên Hợp Quốc. Tại đây, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt lao vào năm 2030.

 (Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh Nhật Thy)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu đã cam kết, ngành y tế cần quyết liệt thực hiện cam kết chấm dứt bệnh lao, cần vận động tuyên truyền để cả hệ thống chính trị vào cuộc chấm dứt bệnh lao; củng cố mạng lưới y tế từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã và tính đến mạng lưới y tế thôn bản để giúp phát hiện sớm, điều trị sớm và đặc hiệu. Hiện hệ thống cán bộ y tế ngành lao đã trưởng thành về số lượng, chất lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng được đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, chính vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cần tăng cường công tác y tế cơ sở. Bên cạnh đó, đảm bảo, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, sáng tạo mô hình cơ chế tài chính mới cho công tác này…

Phát biểu tại sự kiện, TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao khi đã hội tụ gần đủ các yếu tố để chấm dứt căn bệnh này vào năm 2030.

Theo TS Kidong Park, Việt Nam cần ưu tiên 3 việc đó là: Xây dựng Chiến lược, trong đó đưa ra những mốc và chỉ tiêu cụ thể từng giai đoạn đến năm 2025, 2030; xây dựng và phê chuẩn khung trách nhiệm liên ngành để chấm dứt bệnh lao; cần phát triển cơ chế để đảm bảo nguồn lực bền vững và hiệu quả để đạt được mục tiêu.

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, Tổ chức này sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam để cùng Việt Nam và thế giới kết thúc bệnh lao.

Để Việt Nam sớm hoàn thành sứ mệnh phòng, chống lao, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung công tác phòng, chống lao vào UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Văn phòng Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ủy ban Quốc gia theo hướng Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, phòng chống Lao và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. 

Phòng, chống lao được đưa vào UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Ảnh Nhật Thy

Trong sự kiện lần này, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chính thức phát động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2019 và giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược và Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.

Nằm trong khuôn khổ hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao, nhằm vận động nhan dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ PASTB đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB:

Thời gian: Bắt đầu từ 00h00 ngày 10/3/2019 đến 24h00 ngày 9/5/2019. Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (18.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).

Đồng thời, tại sự kiện, Bệnh viện Phổi Trung ương-Chương trình Chống lao Quốc gia cũng tổ chức trao giải Cuộc thi sáng tác về chủ đề Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam. Cuộc thi đã nhận được gần 100 tác phẩm dự thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn 20 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.

 

Top