Cần có một hệ thống cung cấp dịch vụ dự phòng sử dụng trái phép chất ma túy

26/01/2020 16:22

Nhu cầu của người dân về các dịch vụ xã hội đã có từ lâu và hiện nay là rất lớn. Riêng các nhóm đối tượng liên quan đến vấn đề sử dụng ma túy, nghiện ma túy là hàng triệu người.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, hiện nay có hơn 220.000 người nghiện có thông tin quản lý và hàng trăm ngàn người sử dụng trái phép ma túy; có khoảng 30% người nghiện ma túy có liên quan đến tội phạm về ma túy; hàng năm khoảng 1.600 người nghiện ma túy tử vong do sốc quá liều; khoảng 50% người nghiện có các vấn đề về sức khỏe tâm thần . Ngoài ra, các thành viên trong gia đình (nhất là trẻ em) luôn thường trực những lo lắng, mặc cảm, tinh thần bất ổn, ngại tiếp xúc với cộng đồng... vì trong gia đình có người nghiện, từ đó gây nên tổn thất nặng nề đối với tương lai của trẻ nhỏ (thất vọng, buồn khổ, ly thân, ly hôn, bạo lực gia đình,...).

Quyết định số 2596/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, xác định mục tiêu là: Nâng tỷ lệ người nghiện được điều trị lên 90% so với số người nghiện có hồ sơ quản lý vào năm 2020 trong đó, tăng tỷ lệ cai nghiện tự nguyện và tại đồng lên 94% vào năm 2020, tăng tỷ lệ hòa nhập cộng đồng có việc làm lên 70% vào năm 2020.

Như vậy, số lượng người sử dụng, người nghiện ma túy và những người bị ảnh hưởng bởi tệ nạn nghiện ma túy là rất lớn, do đó cấp bách phải có một hệ thống cung cấp dịch vụ dự phòng sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy tại cộng đồng cho những người có nhu cầu, nhưng khả năng cung cấp các dịch vụ này trong toàn hệ thống hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa bảo đảm tính sẵn có.

Ngay từ khi bắt đầu thực thi chính sách đối với vấn đề “sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy” đã tập trung chủ yếu vào các biện pháp xử lý từ hình sự đến hành chính với mục tiêu từ trừng phạt, răn đe đến quản lý, giáo dục và cai nghiện. Do đó, hình thành tâm lý cố hữu ở nhóm người sử dụng trái phép chất ma túy là sợ bị trừng phạt, điều này gây khó khăn không nhỏ khi chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ điều trị, cai nghiện tại cộng đồng và các chính sách cởi mở khác, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các chính sách trong thời gian qua.   

Những năm qua, chính sách, pháp luật về cai nghiện phục hồi chỉ tập trung vào nhóm người “nghiện ma túy” mà chưa trú trọng nhóm “sử dụng trái phép chất ma túy”, trong khi đó hiện nay, người sử dụng bất hợp pháp các loại ma túy gây ảo giác, hướng thần thường mất kiểm soát hành vi, ngay lần sử dụng đầu tiên đã có thể gây nguy hiểm cho chính họ và cho xã hội; chỉ tập trung vào nhóm người “sau cai nghiện bắt buộc” mà chưa chú trọng nhóm “sau khi ra khỏi các trại cải tạo, trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng mà có tiền sử nghiện ma túy”, tức là chỉ tập trung giải quyết phần ngọn mà chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Do đó, cần phải có biện pháp can thiệp, ngăn chặn ngay từ đầu đối với các nhóm đối tượng này.

Để công tác cai nghiện phục hồi đạt hiệu quả thì chính sách phải hướng tới tất cả các nhóm đối tượng nêu trên, phải đầy đủ ở tất cả các mặt: phòng ngừa, ngăn chặn, điều trị cai nghiện, giáo dục và hỗ trợ sinh kế bền vững.

Top