Cần cân nhắc thận trọng khi công khai danh tính người mua dâm

31/07/2014 09:27

Trả lời phỏng vấn Trang tin điện tử Tiếng chuông về đề xuất công khai danh tính người mua dâm, PGS-TS Vũ Mạnh Lợi, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, cần cân nhắc thận trọng và có trách nhiệm xã hội cao đối với biện pháp này, nhất là khi chúng ta đang sống trong thời đại khi quyền riêng tư của con người cũng vô cùng quan trọng.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, TP Hà Nội đã đề xuất việc công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm giáo dục. Quan điểm của ông dưới góc nhìn xã hội học về đề xuất này thế nào, thưa ông?

Ở đây ta cần phân biệt một hành động cụ thể với bản chất một con người. Một hành động cụ thể của con người có thể sai, song từ đó chưa thể nói được người có hành động đó là đồ bỏ đi. Tôi đồng ý người có một hành động sai cần phải bị trừng phạt phù hợp, song tôi không đồng ý bất kỳ sự trừng phạt nào vượt quá khuôn khổ của việc trừng phạt vì một hành động. 

Chính quyền TP Hà Nội có lẽ nghĩ rằng việc công khai danh tính người mua dâm sẽ là biện pháp ngăn chặn hữu hiệu tệ nạn mại dâm. Tôi không dám chắc điều này liệu có đúng không. Mại dâm là nghề cổ xưa trong lịch sử nhân loại và việc cấm đoán của chính quyền ở các quốc gia ở mọi thời đại cũng cổ xưa không kém.

Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào thành công trong việc loại trừ mại dâm. Ở nước ta, người hành nghề mại dâm rất đa dạng về tuổi đời và nguồn gốc xuất thân, bao gồm cả sinh viên, người mẫu, người đạt được các danh hiệu trong các cuộc thi sắc đẹp.

Thời gian gần đây mại dâm nam cũng đang nổi lên như một vấn đề xã hội được dư luận quan tâm. Hình thức hành nghề mại dâm cũng vô cùng đa dạng, từ những người đứng đường tìm khách cho đến những người phục vụ trong các nhà hàng, quán bar, sàn nhảy, cơ sở karaoke, massage, xông hơi, tẩm quất, hoặc giao dịch qua điện thoại di động hay internet, cả tự làm việc độc lập cũng như tham gia vào các đường dây mại dâm có tổ chức.

Khách mua dâm có thể đơn giản là người lao động nghèo, xe ôm, thậm chí là người nhập cư còn đang hàng ngày tìm việc ở các "chợ người" ở các thành phố lớn, người thất nghiệp, công nhân, lái xe đường dài, học sinh, sinh viên, đến những người có học cao hơn, người làm nghề tự do, cán bộ công chức nhà nước, doanh nhân, thậm chí cả nông dân ở các vùng nông thôn. Nghĩa là thành phần người mua dâm cũng vô cùng đa dạng.

Việc công khai danh tính người mua dâm chưa rõ có tác động ngăn ngừa hay giáo dục không, song tác động của nó đối với người trong cuộc, đặc biệt là gia đình họ, có thể vượt xa khuôn khổ trừng phạt hành động mua dâm của một cá nhân. Người xưa có câu "trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". Việc công khai danh tính người mua dâm rõ ràng sẽ gây nhiều phiền toái và khó khăn cho tương lai của người mua dâm, song điều đáng ngại là đó còn là sự trừng phạt cho cả gia đình họ nữa. Vợ con họ sẽ sống ra sao? Hay ta định bảo họ ly dị? Hãy tưởng tượng một cháu bé đang học tiểu học có bố bị công khai danh tính là người mua dâm, cháu bé sẽ đối diện với bạn bè ở trường học như thế nào? Cháu sẽ lớn lên trong sự khinh rẻ và sẽ trở thành con người như thế nào? Cháu bé đó đâu có tội lỗi gì. Người bố đó, tuy có hành động mua dâm đáng lên án, vẫn có thể có nhiều hành động giáo dục con cái đáng khích lệ; người bố đó sẽ tiếp tục dạy dỗ con như thế nào đây? Nếu người bố đó hối hận và thay đổi tiến bộ, không tiếp tục mua dâm nữa, anh ta có giành lại được tiếng là người đứng đắn không? Hay chúng ta muốn loại những người đó ra khỏi đời sống xã hội như những người đáng tin cậy vĩnh viễn? Đó có phải là mục đích của biện pháp này không?

Tôi ủng hộ mọi biện pháp trừng phạt đúng mức một hành động vi phạm pháp luật hay đạo đức xã hội cụ thể nào đó, song tôi không ủng hộ bất cứ hành động trừng phạt quá mức nào, dù với mục đích cao cả là để làm gương cho kẻ khác hay để răn đe. Tôi nghĩ cần cân nhắc thận trọng và có trách nhiệm xã hội cao đối với biện pháp này, nhất là khi chúng ta đang sống trong thời đại khi quyền riêng tư của con người cũng vô cùng quan trọng. Ở nhiều nước, thậm chí tội phạm hình sự cũng hiếm khi bị nhà cầm quyền công khai danh tính.

Theo ông, về mặt xã hội học, nếu công khai danh tính người mua dâm sẽ được và mất gì?

Như trên tôi đã nói phần nào. Việc công khai danh tính chưa rõ sẽ có ích lợi gì, song tác hại của nó đối với người trong cuộc, gia đình họ, và rộng ra là cả xã hội, thì có thể thấy trước được. Đó là chưa tính tới tình huống khi người bị công khai danh tính có thể tặc lưỡi, "đằng nào cũng mang tiếng", và mại dâm sẽ được đà phát triển chứ không giảm bớt. Liệu có công khai danh tính nếu người vi phạm là lãnh đạo cấp cao hay là người của công chúng không? Bộ máy quản lý hiện nay đã đủ bản lĩnh và quyền lực để thực hiện việc này một cách công bằng và minh bạch chưa?

Bên cạnh đề xuất công khai danh tính người mua dâm, đã có những ý kiến nên công nhận mại dâm là một nghề hoặc quy hoạch các cơ sở kinh doanh dịch vụ vào một khu riêng biệt. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào, thưa ông? 

Thời gian gần đây cũng có nhiều ý kiến của các chuyên gia và các nhà quản lý đề xuất nên hợp pháp hóa mại dâm để có thể quản lý được, bảo vệ quyền và sức khỏe cho người hành nghề mại dâm, khách mua dâm, và sức khỏe cộng đồng. Những ý kiến này tuy chưa được chấp nhận, song đã có tác động khiến nhà chức trách và người dân phải suy nghĩ lại về mại dâm. Trong bối cảnh thái độ chung đối với vấn đề tình dục nói chung ngày càng cởi mở, càng ngày càng có nhiều tiếng nói bớt gay gắt hơn về những người hành nghề mại dâm.

Việc Quốc hội thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và có hiệu lực từ 1/7/2013 bãi bỏ việc đưa người bán dâm vào cơ sở giáo dục lao động xã hội như trước đây cũng phản ánh sự nới lỏng quan niệm khắt khe về mại dâm. Nhà chức trách cũng đang tìm kiếm các biện pháp quản lý hiệu quả hơn hoạt động mại dâm ở Việt Nam.

Tôi cũng có một số nghiên cứu về đề tài này trong khoảng mười năm qua. Tôi cũng thấy rõ tình trạng dễ bị tổn thương về nhiều mặt của người hành nghề mại dâm như họ có thể bị ngược đãi, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột, bị lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV và nhiều bệnh khác, bị phân biệt đối xử. Nhiều người trong số họ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, thiếu kỹ năng đàm phán về tình dục an toàn, thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng.

Ngoài vai trò là nạn nhân họ cũng đồng thời có thể là tác nhân gây lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục ra cộng đồng. Việc bảo vệ các quyền con người cơ bản của họ, bảo vệ sức khỏe, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng tình dục an toàn, và tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác, đặc biệt tạo cho họ cơ hội chuyển sang nghề khác tốt hơn là bài toán lớn mà nhà nước, cộng đồng, và xã hội cần chung tay giúp sức.

Tuy nhiên, tôi không cho rằng hợp pháp hóa mại dâm ở Việt Nam vào lúc này là giải pháp tốt. Với năng lực quản lý xã hội như hiện nay, với hệ thống giá trị đang chuyển đổi, trong đó những giá trị liên quan đến tình yêu, tình dục, hôn nhân, gia đình, giới tính, mại dâm, người đồng tính, thái độ đối với người có HIV còn đang chưa định hình rõ trong bối cảnh một xã hội hiện đại, hội nhập với thế giới, thì việc hợp pháp hóa mại dâm không phải là phép màu để giải quyết những vấn đề nêu trên. Tôi tin rằng nếu hợp pháp hóa mại dâm vào lúc này thì sẽ vẫn có bạo lực, lạm dụng, bóc lột và những nguy cơ sức khỏe nêu trên đối với người hành nghề mại dâm và cộng đồng. Tình hình có thể còn xấu hơn do mại dâm được dịp phát triển mà không bị kiềm chế, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, thiếu việc làm, người lao động thiếu kỹ năng như hiện nay. Hợp pháp hóa mại dâm có thể là giải pháp tốt cho một xã hội hiện đại, song hiện nay chưa phải thời điểm thích hợp đối với thực tế ở Việt Nam.

Theo ông, chúng ta cần làm gì để phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay?

Tôi cho rằng vẫn cần coi mại dâm là hoạt động bất hợp pháp, song là dạng hoạt động bất hợp pháp đặc biệt và cần biện pháp xử lý đặc biệt.

Tôi thiên về giải pháp giảm bớt kỳ thị xã hội đối người hành nghề mại dâm và tìm ra những con đường phù hợp để bảo vệ quyền hợp pháp của họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận dễ dàng các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực và phòng chống lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Trong khoảng gần 20 năm qua, nhiều tổ chức NGO quốc tế và Việt Nam đã khá thành công trong cách tiếp cận này. Cần tổng kết và phổ biến các bài học tốt từ thực tiễn này để tiếp tục phát triển sáng tạo các giải pháp khả thi khác. Nhà nước cần phối hợp với các tổ chức xã hội, dựa vào các tổ chức xã hội nhiều hơn trong nỗ lực này, hơn là việc truy lùng, bắt bớ để xử phạt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Top