Cái giá của việc trao nhầm lòng tin

25/05/2019 10:41

Được bạn rủ đi chơi sẽ có tiền, Trương Văn Linh, SN 1986 ở Vẩy Nưa, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) hào hứng đồng ý để rồi phải trả giá đắt cho sự nông cạn của mình…

“Vừa được chơi lại vừa có tiền”

Đã ngoài ba mươi tuổi và ở trại được 9 năm tù nhưng Trương Văn Linh vẫn giữ được dáng dấp thư sinh cho dù theo như lời anh ta nói thì công việc ở đội bếp khá vất vả và dưới thời tiết nóng nực này thì dù chỉ là nhặt rau, vo gạo thôi nhưng trong khu bếp có đến mấy chiếc nồi hơi thì hơi nóng tỏa ra cũng đủ để người lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi.

Linh sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều làm nông nghiệp. Nhà không đông con nhưng cái nghèo và quan niệm học nhiều chẳng để làm gì khiến cha mẹ Linh không chú trọng nhiều tới việc học hành của con cái. Thế nên dù rất thích đi học thì Linh cũng chỉ được học đến hết cấp tiểu học là nghỉ. Ở nhà chơi một thời gian thì Linh theo chúng bạn về TP làm thuê. Đầu năm 2006, Linh về làm thuê cho một nhà hàng ở TP Hòa Bình. Với đồng lương 3 triệu đồng/ tháng không kể nuôi ăn, Linh cũng dành dụm được ít tiền gửi về cho bố mẹ. Linh bảo dự định tiết kiệm đủ tiền mua được chiếc xe máy sẽ đi làm xe ôm chở khách vì thấy nhu cầu khách đi xe máy sau khi vào ăn uống tại nhà hàng anh ta làm thuê có vẻ tăng.

Theo lời Linh thì cùng làm thuê với anh ta tại quán ăn có người đồng hương tên là Nguyễn Văn Thành. Thành kém tuổi Linh nhưng lại tỏ ra lanh lợi hơn. Cùng quê lại cùng cảnh làm thuê, tuổi cũng sàn sàn nhau nên hai người nhanh chóng trở thành bạn. Linh quí Thành ở cái tính thật thà và thương Thành vì sớm chịu cảnh thiếu thốn tình cảm.

“Thành là trẻ mồ côi, bố không may mắc bạo bệnh mất sớm còn mẹ thì bỏ đi đâu không rõ. Từ nhỏ Thành đã phải sống với bà ngoại, được bà nuôi khôn lớn”, Linh kể.

Linh bảo rằng nhiều đêm nằm ngủ cạnh nhau, Thành tâm sự rằng sẽ kiếm thật nhiều tiền để đi tìm mẹ, đưa về nhà cho bà ngoại đang đỏ mắt nhớ mong con gái.

“Thế nên khi Thành rủ đi Bắc Giang, tôi cứ nghĩ Thành đã tìm thấy nơi mẹ ở, muốn tôi đi cùng nên tôi đã đồng ý”, Linh nhớ lại.

Lần đi đó, theo lời nam phạm nhân này, anh ta được Thành đưa tới nhà một người bạn ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Tại đây, Linh chỉ biết Thành gặp gỡ một số người, nói chuyện với nhau chứ Linh không biết nội dung cuộc nói chuyện. Khi quay về TP Hòa Bình, Linh được Thành kể rằng trong số hai người mà anh ta gặp ở Bắc Giang có một người sống ở Trung Quốc, thông thạo địa hình và có mối quan hệ với nhiều người làm ăn ở bên kia biên giới. Nghe Thành nói thế, Linh càng cho rằng mục đích chuyến đi ấy của Thành là tìm mẹ.

Lần thứ 2, vào khoảng đầu năm 2008, Thành lại tiếp tục rủ Linh đi xa. Lần này, điểm đến không phải là Bắc Giang mà là Hữu Lũng, Lạng Sơn. Thành bảo Linh đi chuyến này vừa được chơi lại có tiền. Thế là Linh đồng ý mà đâu biết rằng một biến cố lớn đang chờ đợi mình.

Theo hồ sơ vụ án, sáng 28-2-2008, khi Linh đang giữ bọc giấy bóng bên trong đựng 2 bánh heroin tại một nhà nghỉ ở Hữu Lũng, Lạng Sơn thì bị lực lượng CA tỉnh Lạng Sơn ập vào bắt giữ. Gói ma túy này là Thành đưa cho Linh cầm, dặn khi nào anh ta điện thoại bảo đưa cho một người. Tuy nhiên, Linh chưa kịp giao hàng thì bị bắt còn Thành chạy thoát. Cuối năm đó, Thành bị bắt khi đang lẩn trốn tại miền Nam.

Phạm nhân Trương Văn Linh đang ngồi nhặt rau ở đội bếp trại giam Vĩnh Quang

“Cuộc đời này chẳng có cái gì dễ dàng mà có được…”

Về trại giam Vĩnh Quang cải tạo, Linh được bố trí về làm việc tại khu bếp phân trại số 2. Công việc hàng ngày của Linh là nhặt rau, vo gạo và trông chừng 4 chiếc nồi hơi dùng để nấu cơm. Linh bảo làm việc ở đây không phải chịu nắng mưa nhưng rất vất vả.

“Thường thì ngày làm việc của chúng tôi kết thúc vào lúc 5g chiều. Trước khi ra về, bao giờ chúng tôi cũng sắp sẵn mấy nồi hơi điện để sáng hôm sau có cơm nóng chia cho các phạm nhân. Việc canh rau và những thức ăn khác được chuẩn bị vào sáng hôm sau. Sau khi cơm canh được nấu nướng xong thì chia vào các tô đựng, đưa về cho các phạm nhân kịp mang đi đến nơi lao động. Chính vì thế mà làm việc ở đội bếp bao giờ cũng sớm hơn tất cả”, Linh kể.

Anh ta bảo, mấy nồi cơm điện không vất vả việc đun than củi, không lo cơm sống, cơm cháy nhưng lại tốn sức trong việc khuấy đảo khi đang nấu.

“Trông thế thôi nhưng cầm được gậy và đảo nồi cơm, người khỏe mới làm được. Ai sức yếu, chỉ cần đứng gần đã không chịu được hơi nóng từ nồi cơm bốc lên”, Linh khoe. Anh ta cho biết, ngày đầu cũng không dám lại gần nhưng giờ thì quen rồi, mỗi khi cầm gậy đảo nồi cơm lại thấy như đang được rèn luyện sức khỏe.

Nhắc đến gia đình, bố mẹ, Linh cho biết, từ ngày đi trại, do nhà xa, điều kiện cũng không có nên bố mẹ chưa lên thăm lần nào. “Tôi không buồn lòng vì điều đó đâu vì nhu cầu của tôi cũng đơn giản, tôi cũng không đòi hỏi gì nhiều nên chẳng thấy thiếu thốn gì”, Linh bảo.

Cải tạo lao động từ năm 2009 đến nay, Linh đã 3 lần được xét giảm án. Với bản án 16 năm tù, cộng thêm với số lần được giảm án, Linh chỉ còn 2 năm nữa là mãn hạn. Hỏi Linh đã có dự định gì chưa khi thời gian hết án sắp đến gần, anh ta cười cười: “Gần chục năm trong tù, tôi chẳng biết nên dự định làm gì vì chỉ sợ đến lúc ra lại không thực hiện được. Thôi thì cứ biết giữ sức khỏe, lao động thật tốt để được xét giảm, bao giờ về nhà thì tính sau”, Linh thẳng thắn.

Nói đến bản án 16 năm tù của mình, Linh bảo mức án dành cho mình là quá nặng nhưng đó sẽ là bài học để nhắc nhở Linh cho cuộc sống sau này.

“Tôi chỉ biết tự nhủ rằng không nên tin người hoàn toàn cho dù đó là bạn mình. Và cuộc đời này chẳng có cái gì dễ dàng mà có được cả, nhất là đồng tiền”, Linh chia sẻ. Anh ta cho biết, có thể sau này ra trại sẽ vẫn đi làm thuê nhưng lo ngại người ta không dám sử dụng mình nên sẽ về nhà chăn nuôi một thời gian rồi mới tính chuyện làm gì. Điều khiến anh ta ân hận nhất chính là chưa từng ăn một bữa cơm sum họp với cha mẹ bởi lần nào nghỉ tranh thủ về nhà cũng tụ tập bạn bè rồi vội vã quay về chỗ làm. Nhiều lần nói là về nhà nhưng Linh la cà với bạn bè, mải vui đến độ chỉ cách nhà mấy bước chân mà không về nhà với bố mẹ được lúc nào.

“Tôi sẽ cố gắng cải tạo để sớm trở về sửa những lỗi lầm đã gây ra. Điều tôi mong mỏi nhất lúc này là sự tha thứ của bố mẹ. Mong sao bố mẹ mạnh khỏe và đừng suy nghĩ nhiều”, Linh nói rồi xin phép đi làm việc của mình.

Top