Buôn lậu hàng cấm vẫn phức tạp trên các tuyến biên giới

22/11/2018 17:47

Chiều 22/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì Hội nghị giao ban thường trực quý III và triển khai nhiệm vụ quý IV/2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Cả nước phát hiện, xử lý 79.515 vụ vi phạm

Trình bày báo cáo kết quả công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, trong quý III/2018, các đơn vị chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 79.515 vụ vi phạm, tăng gần 7%; thu nộp ngân sách 6.451 tỷ đồng, tương đương 83%, khởi tố 284 vụ, tương đương 81%, bắt giữ 339 đối tượng, tương đương 70% so với cùng kỳ 2017.

Lực lượng Hải quan phối hợp kiểm tra vụ giấu 119 kg cocain, trị giá hàng trăm tỷ đồng trong container hàng sắt phế liệu nhập khẩu qua cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Báo cáo cũng nêu rõ, trên tuyến biên giới phía Bắc nổi lên hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy diễn ra phức tạp, xuất hiện xu hướng “hàng đổi hàng“ vận chuyển heroin từ nội địa lên biên giới đưa sang Trung Quốc tiêu thụ, ngược lại mua ma túy tổng hợp, ma túy đá, tiền chất ma túy từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ hoặc vận chuyển sang nước thứ 3. Đáng lưu ý, tình hình vận chuyển pháo các loại cũng gia tăng do thời điểm gần Tết Nguyên đán.

Ở khu vực biên giới miền Trung, nhất là tại khu vực các cửa khẩu: Lao Bảo, La Lay (Quảng Trị) và Cầu Treo (Hà Tĩnh), tình trạng buôn lậu thuốc lá điếu, rượu ngoại, đường cát, gỗ… có dấu hiệu hoạt động mạnh; buôn bán, vận chuyển trái các chất ma túy có xu hướng gia tăng.

Ở khu vực biên giới Tây Nam bộ, mặt hàng thuốc lá, đường cát gia tăng trên các tuyến biên giới thuộc các huyện Tịnh Biên, An Phú, Châu Đốc, Tân Châu (An Giang), Ninh Hòa (Long An).

Không chỉ phức tạp trên tuyến biên giới đường bộ, tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, các đối tượng ngụy trang thảo mộc có chứa chất ma túy trong các loại bưu phẩm gửi theo loại hình quà biếu từ nước ngoài về Việt Nam. Nhiều vụ vi pham bị phát hiện là hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất giấu như vàng, sản phâm động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà.

Trên tuyến đường biển, tình trạng nhập khẩu phế liệu không đáp ứng đủ các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều doanh nghiệp đã gian lận khai sai tên hàng, mã số hàng hóa, hoặc sử dụng giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường giả khi làm thủ tục hải quan.

Cơ quan Hải quan phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về nhập khẩu phế liệu cất giấu hàng cấm, hàng có giá trị, thuế suất cao, xen lẫn trong các lô hàng phế liệu. Nổi bật là vụ giấu 119 kg cocain, trị giá khoảng 800 tỷ đồng trong container hàng sắt phế liệu nhập khẩu qua cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Ở trong nội địa, tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng còn diễn ra nhiều nơi, từ thành thị xuống nông thôn. Các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, thực phấm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, kém chất lượng, không rõ nguôn gốc vẫn có chiều hướng gia tăng. Hoạt động buôn bán hàng qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Nhận diện các hiện tượng buôn lậu nổi cộm

Đứng trước tình hình buôn lậu có dấu hiệu gia tăng trên các tuyến biên giới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đặc biệt là Nghị quyết số 41/NQ-CP; Chỉ thị số 30/CT-TTg; Công điện sô 229/CĐ-BCĐ389; Chỉ thị số 17/CT-TTg…

Bên cạnh đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất, kiến nghị các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thưong mại và hàng giả thời gian tới.

Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Các lực lượng triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Trong đó, xây dựng các kế hoạch chuyên đề để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống buôn lậu thuốc lá, dược phẩm, mỹ phấm, thực phẩm chức năng; các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường đấu tranh đối với mặt hàng xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn đơn vị phụ trách để nhận diện các hiện tượng nổi cộm, các mặt hàng mới nổi cộm để đấu tranh ngăn chặn.

Đồng thời, lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh quản lý; chỉ đạo, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc đã phát hiện, tránh kéo dài gây dư luận xấu trong xã hội; rà soát các vụ việc nổi cộm để xử lý đúng người, đúng tội.

Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền tới quần chúng nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lục lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đặc biệt là có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế, kỷ luật những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Top