Bộ Công an đề xuất phương án quản lý người sử dụng ma túy

26/06/2019 08:17

Theo Bộ Công an, thực tế cho thấy kể từ khi phi hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và chưa có cơ chế để quản lý hiệu quả người sử dụng trái pháp chất ma túy đã gây ra tình trạng mất an ninh, trật tự ở nhiều nơi mà nguyên nhân xuất phát từ những người sử dụng trái phép ma túy gây ra.

Lực lượng chức năng khống chế đối tượng ngáo đá. Ảnh: Internet

Qua 10 năm thi hành Luật Phòng, chống ma túy, Bộ Công an nhận thấy, việc thống kê quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là rất cần thiết nhằm mục đích để đánh giá thực trạng, từng bước đưa ra các giải pháp để quản lý nhằm giảm thiểu hậu quả gây ra cho xã hội.

Trước đây, khi BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chưa có hiệu lực thi hành, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 199. Đây là chính sách rất nghiêm khắc của Đảng, nhà nước ta trong xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy qua đó góp phần bảo đảm ANTT ở các địa phương.

Tuy nhiên, sau khi BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không được coi là tội phạm và không xử lý bằng pháp luật hình sự mà xử lý theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính.

Theo thống kê, tính đến tháng 11/2008 số người nghiện cả nước là 120.455 người, năm 2018 số người nghiện cả nước là 225.099, tăng 87% so với năm 2008.

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với Công an cơ sở lập hồ sơ và đưa hàng vạn người vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Người nghiện có ở tất cả các địa phương, có ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi song chủ yếu ở lớp trẻ (0,1% dưới 16 tuổi; 76% dưới 35 tuổi). Khoảng 1.600 người tử vong do sốc quá liều hàng năm; khoảng 50% người nghiện có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy đang ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là 41,04%, tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là 28,58%.

Thực tế cho thấy kể từ khi phi hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và chưa có cơ chế để quản lý hiệu quả, tình trạng mất ANTT ở nhiều nơi đã xảy ra, nguyên nhân xuất phát từ chính những người này.

Đáng chú ý, xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng; việc phát triển nhanh chóng của các loại hình dịch vụ như vũ trường, quán bar, nhà hàng, karaoke… cũng tác động, lôi kéo người trẻ sử dụng ma tuý.

Hậu quả là trong thời gian qua người sử dụng trái phép chất ma túy (ma túy tổng hợp) đã gây ra nhiều vụ án mạng, gây hoang mang trong dự luận quần chúng nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình. Điển hình như ngày 10/2/2019, đối tượng Trương Mạnh Tuấn là một phó phòng của Chi nhánh ngân hàng ở Nghệ An do sử dụng ma túy tổng hợp đã giết chết bố đẻ của mình, chém mẹ và em gái. Ngày 2/5/2019, đối tượng Trương Tín ở TPHCM, sau khi sử dụng ma túy tổng hợp đã giết mẹ và dì ruột của mình... Nhiều người lái xe, đặc biệt là lái xe Container có sử dụng ma túy tổng hợp để đáp ứng yêu cầu công việc, và đã gây các vụ tai nạn thảm khốc.

Theo đó, việc chưa có cơ chế chính sách để quản lý đối với những người sử dụng trái phép ma túy đúng mực sẽ tiềm ần nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự và hậu quả gây ra cho xã hội là đặc biệt nghiêm trọng.

Cần có cơ chế quản lý người sử dụng trái phép ma túy

Dự báo trong những năm tới, tình hình tội phạm và nạn nghiện hút ma túy ở nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường do áp lực của tình hình ma túy và tệ nạn ma túy trên thế giới cùng các nước trong khu vực luôn gia tăng. Do vậy, bên cạnh quy định về quản lý người nghiện ma túy như hiện nay thì cần phải có cơ chế để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy từ đó phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả của việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội.

Từ đó, Bộ Công an đưa ra hai phương án trong đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống ma tuý, đó là: Không quy định nội dung quản lý người sử dụng ma túy; hai là, quy định cụ thể khái niệm người sử dụng ma túy, hình thức quản lý phù hợp và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và gia đình trong quản lý người sử dụng ma túy.

Sau khi phân tích, đánh giá các tác động, nhóm soạn thảo đã lựa chọn phương án thứ hai. Về mặt tích cực, phương án này sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống ma túy và phòng ngừa tệ nạn ma túy thông qua công tác quản lý người sử dụng ma túy; tăng cường một bước cơ chế hữu hiệu phòng, chống ma túy và phòng ngừa tệ nạn ma túy.

Ngoài ra, phương án sẽ giúp có các biện pháp phòng, ngừa thích hợp giúp người sử dụng ma túy không trở thành người nghiện ma túy; giảm thiểu hậu quả do người sử dụng ma túy gây ra cho xã hội; góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, giảm thiểu tình hình tội phạm liên quan đến sử dụng ma túy.

Cùng với đó, vai trò của nhà nước trong công tác quản lý phòng, chống ma túy và phòng ngừa tệ nạn ma túy được thể hiện tối đa; công tác bảo đảm ANTT chuyển biến tích cực; đảm bảo tính cụ thể của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, phương án cũng có tác động tiêu cực làm phát sinh chi phí nghiên cứu, tập huấn, phổ biến các quy định mới.

Top