Bình phẩm công khai về phụ nữ: Đâu là giới hạn?

22/01/2018 10:33

Trong thời đại Internet và mạng xã hội ngày một phổ biến, những chuyện đùa tưởng như vô hại có thể bị cộng đồng mạng chỉ trích nặng nề, những lời nhận xét, so sánh có thể gây phản cảm, đặc biệt là khi người phát ngôn có tầm ảnh hưởng nhất định với cộng đồng. Vậy làm sao để có thể sống đẹp hơn, nói đẹp hơn, có nhạy cảm giới và thân thiện hơn trong thế giới phẳng mà mọi góc khuất đều có thể soi tỏ?

Chia sẻ tại buổi toạ đàm "Bình phẩm công khai về phụ nữ - Giới hạn và đạo lý" diễn ra mới đây, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết, giới và nhạy cảm giới là một vấn đề mới tại Việt Nam. Chuyện thiếu nhạy cảm giới dẫn đến những vi phạm do vô tình có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là khi người phát ngôn có tầm ảnh hưởng nhất định với cộng đồng.

Bà Nguyễn Vân Anh

Gần đây, trên mạng xã hội có chia sẻ một số những bình luận, so sánh về vẻ bề ngoài một số phụ nữ có ảnh hưởng và đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đây là một chuyện bình thường hay là một thói quen cần thay đổi? Có thể thấy, các quan điểm về phụ nữ của thế giới và chính Việt Nam đã tiến bộ, tuy nhiên thực tế người ta vẫn quen với việc bình phẩm về các bộ phận trên cơ thể phụ nữ như bình phẩm một món đồ.

Chẳng hạn, ngoài xã hội có biết bao nhiêu người phụ nữ đã dễ dàng bị trở thành “món đồ” để người khác miệt thị, bình phẩm ác ý như “chén”, “hàng”, “ngon quá”…

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên trường Đại học Ngoại thương, có những người coi phụ nữ là phải có trách nhiệm làm vui cho xã hội rồi làm một thứ trang trí gì đó. Vì vậy, tất cả những phát ngôn về phụ nữ đều nhấn mạnh về hình thể. Chính vì vậy có những câu nói mà người ta thường nghĩ rằng nó vô hại.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh

PGS. TS Hoàng Ánh chia sẻ, thời trẻ, bản thân bà do ngoại hình cao lớn nên cũng nhận những lời lẽ bình phẩm kinh khủng như “con gái mà trông như con trai”, “chẳng có nữ tính gì”, “cái loại đàn bà thiếu nữ tính thì… chó nó lấy”. 

Nói về chủ đề này, bà Nguyễn Vân Anh cũng phải xót xa cho biết, sau 20 năm làm việc với những người phụ nữ bị tổn thương ở nhiều góc khuất khác nhau, bà không khỏi đau đáu trước việc những nạn nhân, từ cưỡng hiếp, mẹ có con bị xâm hại tình dục, phụ nữ bị chính gia đình, người ngoài, xỉ nhục hành hạ, kỳ thị

“Không “đồ vật hóa” phụ nữ và phụ nữ sẽ không phải là món hàng để “chén”, Bà Vân Anh thẳng thắn bày tỏ.

Ông Đặng Ngọc Quang, Nghiên cứu viên xã hội học (Trung tâm dịch vụ phát triển nông thôn) cho rằng, khi nhìn vào thực trạng cuộc sống trong xã hội, sẽ thấy sự xâm hại nhau bằng lời, xâm hại nhau bằng cảm xúc, xâm hại nhau bằng tâm lý cực kỳ phổ biến. Mỗi người có văn hoá riêng, mỗi nhóm người cũng có văn hoá riêng, họ lập ra những nhóm riêng, nói tục chửi bậy và bình phẩm người khác trong đó. Họ có thể cứ sống trong văn hoá của họ ở chỗ riêng, nhưng khi bước ra chỗ công cộng, họ cũng lại mang những thứ đó ra và bộc lộ mình thông qua những cái đó. Nó không chỉ xâm hại cá nhân mà xâm hại cả cộng đồng.

“Tôi nghĩ rằng đến lúc xã hội Việt Nam nên tiếp cận quyền con người, tự do của mình đến đâu, chỉ nên đến ranh giới không xâm hại đến người khác, hạnh phúc của mình đến đâu nó cũng nên dừng lại ở chỗ không làm những người khác đau khổ”, ông Quang nhấn mạnh.

Ông Đặng Ngọc Quang

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh cũng nhấn mạnh: “Con người nói chung đều cần được trân trọng, không chỉ là phụ nữ mà cả nam giới hay bất kỳ một giới nào nữa”.

Cuối cùng, theo bà Nguyễn Vân Anh: “Ranh giới giữa những lời bình phẩm tích cực và những lời bình phẩm gây tổn thương là một ranh giới rất mơ hồ. Có người cho là bình thường, có người lại cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng. Vì vậy chúng ta cần phải có nhiều cuộc bàn luận để tìm ra một quy chuẩn phù hợp với xã hội Việt Nam, được xã hội Việt Nam chấp nhận”.

Top