Bí ẩn về ma túy “tử thần”- Dr. Death

03/03/2015 18:16

Dr. Death, đúng như tên gọi của nó, là loại ma túy nguy hiểm hơn cả thuốc lắc là nguyên nhân gây ra nhiều án mạng kinh hoàng trong thời gian vừa qua.

Dr. Death sát thủ bí ẩn

Dẫn nguồn tin từ Daily Mail, trong dịp giáng sinh và năm mới 2015, cảnh sát thành phố Ipswich, nước Anh liên tục nhận được tin báo liên tiếp về các vụ án bí ẩn khiến 3 người tử vong.

Trả lời phỏng vấn báo chí, một thám tử cho biết các nạn nhân đã dùng một loại trông giống thuốc lắc có tên gọi thông thường là Dr. Death với hình chữ S dập nổi- biểu tượng của thương hiệu thuốc Superman. Các chuyên gia tại Viện nghiên cứu Trimbos ở thành phố Uterecht- Hà Lan tiết lộ, loại thuốc mà các nạn nhân đã sử dụng "chứa lượng lớn PMMA, loại ma túy tổng hợp cực kỳ nguy hiểm".

Trong năm 2014, theo thông tin từ Cơ quan Giám sát tình trạng ma túy và nghiện ma túy châu Âu (OEDT), có ít nhất 6 trường hợp tử vong do ma túy Dr. Death  trong Liên minh châu Âu (EU).


Suzanne Van Hagen and John Worton (Ảnh: Dailymail)

Buổi sáng ngày 8/2/2014 có lẽ là ngày khủng khiếp nhất trong cuộc đời của một cô bé 9 tuổi người Anh khi phát hiện ra thi thể của mẹ và cha dượng trong nhà. Kinh hãi trước cảnh tượng đó, cô bé lập tức gọi cấp cứu, nhân viên cứu hộ đã kịp thời có mặt nhưng cặp đôi Suzanne Van Hagen và John Worton – bố mẹ cô bé đã không qua khỏi. Trao đổi với nhân viên cứu hộ,  cô  bé cho biết  đã thấy máu chảy ra từ miệng của bố mình. Theo kết luận của cơ quan điều tra, cặp đôi đã tử nạn khi liều lĩnh sử dụng Dr. Death vì cứ ngỡ đó là loại thuốc lắc bình thường.

Những nạn nhân trẻ tuổi

Tháng 11/2014, trong lễ hội âm nhạc ở Sydney, cô gái 19 tuổi Georgina Bartter người Úc đã tử nạn sau khi dại dột sử dụng Dr. Death, thứ mà cô đã nhầm lẫn là thuốc lắc từ tay cô bạn gái thân nhất của mình.

Theo lời kể của các nhân chứng, ngay sau khi sử dụng, cô gái lập tức có những triệu chứng: mệt mỏi, run rẩy, miệng sùi bọt mép co giật, ngã xuống sàn nhà. Lập tức, Georgina được bạn bè khẩn trương đưa vào bệnh viện nhưng cô đã không thoát khỏi bàn tay tử thần. Sau cái chết của Georgina, bạn thân cô - Rebecca Hannibal bị bắt  và phải hầu tòa vì tội cung cấp ma túy dẫn đến cái chết của bạn mình.

Được biết, chỉ một tháng trước cô và bạn thân vừa mới có kỳ nghỉ 5 tuần cùng nhau tại châu Âu.  Theo số liệu từ cơ quan điều tra, lễ hội âm nhạc ở Sydney  thu hút hơn 5000 người tham gia, trong số đó có 78 trường hợp phạm tội buôn bán, tàng trữ ma túy.


Georgina Bartter (Ảnh: Dailymail)

Tháng 6/2013, huấn luyện viên thể hình 19 tuổi, chàng trai Travis Barber (Anh) qua đời sau khi sử dụng PMMA, loại thuốc mạnh hơn 5 lần so với thuốc lắc, theo thông tin từ tờ Dailymail. Bác sĩ Louise Barber – mẹ nạn nhân tìm thấy thi thể của con trai nằm trong phòng ăn với 62 vết thương trên cơ thể. Ban đầu cơ quan điều tra nghi ngờ Travis bị ám sát. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm tử thi chứng minh chàng trai trẻ đã chết vì sử dụng Paramethoxyamphetamine (PMMA). Dưới gầm giường của anh này, cảnh sát cũng tìm thấy cần sa, giấy gói thuốc lá, kim tiêm...  Được biết, sau khi sử dụng PMMA, chàng trai đã hành vi bạo lực: giật tung rèm cửa, xô đổ bàn ghế trước khi gục xuống sàn nhà.

Dr Death được biết đến với rất nhiều tên gọi khác nhau:  Killer, Red Mitsubishi, Pink Mitsubishi, PMA, Pink McDonalds, Pink Ecstasy, and Chicken Fever...  Để qua mắt cơ quan điều tra, loại ma túy này liên tục thay hình đổi dạng, nó có thể chất bột với nhiều màu sắc khi màu trắng, màu hồng, vàng, be; hoặc được sản xuất thành viên, dập nhiều logo khác nhau.

Trên thực tế, Dr Death chính là ParaMethoxyMethamphetamine (viết tắt là PMMA). PMMA có tên khoa học là 1-(4-methoxyphenyl)-N-methyl-propan-2-amine, công thức phân tử: C11H17NO.  PMMA là dẫn chất Amphetamine. Theo phân loại các chất ma túy quốc tế, Amphetamine là tên một nhóm ma túy tổng hợp (điều chế trong phòng thí nghiệm) có tác dụng kích thích thần kinh (Amphetamine - Type - Stimulants - ATS). Đặc biệt, khi vào cơ thể con người PMMA gây ra ra hàng loạt triệu chứng như: rối loạn tâm trạng, lo âu, mất trí nhớ, thiếu tự kiểm soát, rối loạn giấc ngủ... Sử dụng Dr Death với liều cao có thể gây ra nôn mửa, suy tim, suy thận, động kinh não, ảo giác, suy sụp đột ngột và sốt cao bất thường dẫn đến co giật, hôn mê và làm tê liệt hoàn toàn các bộ phận của cơ thể, dẫn đến tử vong.


Dr Death (Ảnh: investigator)

Báo động nguy cơ bị biến thành thuốc lắc giả

Vì chi phí sản xuất PMMA rẻ hơn so với thuốc lắc, những kẻ sản xuất ma túy đôi khi trộn lẫn hai loại thuốc, làm giả về hình dạng  hoặc rao bán Dr Death như một loại thuốc lắc. Điều tai hại là không ít người nhầm lẫn PMMA với thuốc "lắc" (MDMA). Vì PMMA cũng có tác dụng kích thích mạnh thần kinh trung ương, gây hưng phấn khiến người sử dụng không làm chủ được hành vi của mình. Hiện tại Dr Death bị bọn buôn bán ma túy rao bán ở Anh với giá thành 3$/1 viên.

Trong bối cảnh, việc sử dụng thuốc lắc đang diễn ra rất phổ biến ở các hộp đêm hay vũ trường thì việc ngụy trang bán Dr Death thành thuốc lắc đang trở thành một nguy cơ đáng báo động trên toàn thế giới.  Tại Anh, Dr Death bị xếp vào nhóm bảng A của danh mục các chất ma túy cần kiểm soát.

Tại Việt Nam, theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc Ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất thì PMMA bị xếp vào danh mục II: chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

 


Top