Bắt tội phạm, 6 cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM bị phơi nhiễm HIV

27/04/2018 09:37

Từ năm 2001 đến nay đã có 187 cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM bị phơi nhiễm HIV trong quá trình đấu tranh, trấn áp các đối tượng phạm tội. Trong đó, riêng trong 4 tháng đầu năm 2018 đã có 6 trường hợp bị phơi nhiễm phải vào viện điều trị.

Chiều 26/4), Thiếu tướng Ngô Minh Châu- Phó Giám đốc Công an TPHCM đã đến Bệnh viện Công an thành phố trao tặng 120 triệu đồng để động viên, khích lệ và chia sẻ khó khăn với 6 cán bộ chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV trong quá trình đấu tranh, trấn áp tội phạm từ đầu năm 2018 đến nay. Trong đó, Quỹ “Nghĩa tình đồng đội Công an Nhân dân” hỗ trợ 60 triệu đồng và Thành ủy TPHCM hỗ trợ 60 triệu đồng.

Hai lần phải điều trị phơi nhiễm HIV

Trong số những trường hợp được nhận hỗ trợ đợt này, thượng sỹ Võ Tấn Lộc (SN 1995) là gương mặt trẻ và đáng chú ý nhất. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống trong ngành công an nên từ nhỏ Lộc đã hiểu rõ bước chân vào ngành sẽ phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy từ những tên tội phạm manh động. Dù vậy, Lộc vẫn quyết tâm cố gắng học tập để được nối nghiệp cha. Tốt nghiệp trường trung cấp cảnh sát năm 2015, Lộc được phân công về P.13, Q.6 làm cảnh sát khu vực.

Thiếu tướng Ngô Minh Châu trao quà hỗ trợ cho các chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV

Nhìn vẻ mặt vẫn còn lộ rõ những nét mệt mỏi do những phản ứng phụ trong quá trình điều trị phơi nhiễm HIV, ít ai biết được rằng đây là lần thứ hai Lộc phải vào viện để điều trị phơi nhiễm do vấp phải sự chống trả từ các đối tượng manh động. Lần đầu tiên vào khoảng tháng 7/2017, nhận tin báo của người dân về việc một đối tượng cộm cán tại địa phương là Lê Tấn H. (bị nhiễm HIV) đang xách mã tấu đánh nhau, Lộc cùng lực lượng dân phòng nhanh chóng xuống hiện trường để can thiệp.

Tuy nhiên, H. không chịu buông hung khí mà còn tỏ ra côn đồ hơn. Trước sự manh động của đối tượng, Lộc đã lao vào không chế, tước được cây mã tấu từ tay H. và cùng đồng đội bắt gọn hắn. Tuy nhiên, trong lúc khống chế H, Lộc bị cây mã tấu cứa bị thương và bị phơi nhiễm HIV phải điều trị 4 tháng liền.

Lần thứ hai vào ngày 8/1/2018, Lộc nhận được tin từ quần chúng nhân dân về việc có một đối tượng tình nghi ăn trộm lảng vảng trên đường Bà Hom. Lộc liền cùng một cán bộ khác nhanh chóng xuống hiện trường. Phát hiện thấy bóng dáng công an, đối tượng vùng bỏ chạy.

Không để đối tượng nghi vấn chạy thoát, Lộc đuổi theo và quật ngã được đối tượng xuống đường đưa về trụ sở đấu tranh. Tại cơ quan công an, đối tượng L.T.S (SN 1986, ngụ Q.6) thừa nhận mình đi tìm “con mồi” sơ hở để trộm tài sản. Nhưng khi chưa thực hiện được thì bị công an phát hiện, bắt giữ. Hắn cũng cho biết bị nhiễm HIV từ năm 2014.

Lúc này, Lộc kiểm tra mới phát hiện trong quá trình vật lộn, khống chế đối tượng đã bị xây xát nhiều nơi và dính máu của hắn nên bị phơi nhiễm HIV lần thứ hai.

Thượng sĩ Võ Tấn Lộc hai lần phải điều trị phơi nhiễm HIV

Lộc cho biết khi bị phơi nhiễm HIV lần đầu tiên, Lộc không giám cho gia đình biết vì sợ cha mẹ lo lắng. Nhưng sau đó thấy Lộc vật vã vì những phản ứng phụ trong quá trình điều trị phơi nhiễm nên gia đình cũng biết được câu chuyện. Cũng may, cha là người trong ngành nên hiểu được những nguy hiểm của Lộc phải đối mặt nên đã luôn bên cạnh, động viên con cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 “Nói bị phơi nhiễm HIV mà không sợ thì không đúng. Nhưng khi đã chọn công việc này thì phải dám đối mặt với nguy hiểm. Có điều, sau những lần bị nạn, mình đúc rút ra được nhiều bài học khi đối mặt với kẻ địch phải kiên quyết nhưng khôn khéo để biết bảo vệ mình”, Lộc cho biết.

Những tên tội phạm manh động

Theo thống kê của bệnh viện CATP, từ năm 2001 đến nay đã có 187 cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM bị phơi nhiễm HIV trong quá trình đấu tranh, trấn áp các đối tượng phạm tội. Trong đó, riêng trong 4 tháng đầu năm 2018 đã có 6 trường hợp phơi nhiễm phải vào viện điều trị. Rất may, hầu hết các chiến sĩ trước khi vào bệnh viện điều trị đều được sơ cứu kỹ lưỡng nên sau đó đã khỏe mạnh, không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.

Đáng lo ngại, các đối tượng phạm tội nhiễm HIV ngày càng manh động và chống trả quyết liệt khiến nguy cơ phơi nhiễm HIV của các cán bộ, chiến sĩ ngày càng cao. Đặc biệt, lực lượng CSGT và cảnh sát đặc nhiệm có nguy cơ cao nhất do thường xuyên phải đối mặt với những tên tội phạm. Trong số 6 trường hợp bị phơi nhiễm HIV của CATP từ đầu năm 2018 đến nay, có đến 4 người thuộc lực lượng CSGT và 1 chiến sĩ hình sự đặc nhiệm.

Trung tá Lê Trường Cẩm Thiện-Phó Đội trưởng Đội CSGT An Lạc thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TPHCM là một trong 4 cán bộ chiến sĩ CSGT bị phơi nhiễm HIV từ đầu năm 2018 đến nay.

Theo đó, khoảng 17 giờ 10 ngày 25/1/2018, khi đang đi kiểm tra cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đường đoạn khu vực vòng xoay mũi tàu đường Hậu Giang (P.11, Q.6), trung tá Thiện phát hiện trung úy Nguyễn Quốc Anh (Đội CSGT An Lạc) đang đuổi theo một tên cướp nên cũng lập tức tăng tốc đuổi theo.

Sau một lúc truy đuổi, trung tá Thiện cùng trung úy Anh đã quật ngã và khống chế được tên cướp cùng tang vật là chiếc điện thoại mà hắn giật được của một cô gái cách đó không xa. Khi bàn giao đối tượng cho công an P.11, Q.6, hắn khai tên Lê Trần Trọng Nhân và cho biết bị nhiễm HIV từ lâu.

Lúc này, trung tá Lê Trường Cẩm Thiện và trung úy Nguyễn Quốc Anh kiểm tra mới phát hiện trong quá trình vật lộn với tên cướp, cả hai đã bị xây xát nhiều nơi. Dù phải đối mặt với nguy hiểm nhưng trung tá Thiện cho biết gặp tình huống tương tự vẫn quyết xả thân, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm.

Trước đó, trong quá trình tuần tra trung tá Thiện cũng đã 2 lần bắt cướp và 1 lần khống chế thành công đối tượng buôn bán ma túy sử dụng mã tấu chống trả hòng thoát thân.

Thăm hỏi, động viên tinh thần các chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ, thiếu tướng Ngô Minh Châu thay mặt lãnh đạo CATP ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến của các cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại nguy hiểm, đấu tranh kiên quyết và ngoan cường với các đối tượng phạm tội.

 “Khi thấy người dân gặp nạn, các đồng chí đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, xả thân đấu tranh truy bắt đến cùng khiến người dân thành phố hết sức cảm kích và tạo nên một hình ảnh rất đẹp về người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân”, thiếu tướng Ngô Minh Châu nói.

Phó giám đốc CATP cho rằng đây là những tấm gương sáng cần được nhân rộng trong toàn lực lượng và mong rằng tất cả các cán bộ chiến sĩ sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với các đối tượng phạm tội, góp phần giữ vững an ninh trật tự và xây dựng TPHCM thành một thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Top