Bảo vệ trẻ em châu Phi khỏi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS

18/06/2018 09:15

Để bảo vệ trẻ em châu Phi khỏi virus gây ra căn bệnh thế kỷ AIDS, đặc biệt là trẻ ở Uganda, quốc gia này đang kêu gọi cộng đồng chung tay để xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử, giúp trẻ nhiễm HIV tiếp cận điều trị sớm thuốc kháng ARV.

Báo cáo của Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) năm 2017 cho thấy, trên toàn thế giới khoảng 2,1 triệu trẻ em nhiễm HIV, có đến 120.000 ca tử vong liên quan đến AIDS. Chỉ riêng trong năm 2016, phát hiện 160.000 ca trẻ em nhiễm mới HIV. Tuy nhiên, chỉ có 43% trẻ được điều trị thuốc kháng virus.

Tại Uganda, trong năm 2016, phát hiện đến 4.600 ca nhiễm mới, tăng số trẻ phải sống chung với HIV/AIDS lên đến 130.000. Đây là con số đáng báo động cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại quốc gia này.

Tương tự, báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng cho thấy, mỗi ngày phát hiện khoảng 400 trẻ nhiễm HIV/AIDS trên toàn thế giới, một số trong đó là trẻ Uganda.

Nguyên nhân khiến gia tăng trẻ lây nhiễm HIV ở Uganda là do HIV làm ảnh hưởng đến trẻ bằng nhiều cách, bao gồm, các bệnh liên quan như bệnh lao, phổi, AIDS… và đáng lưu ý, nhiều trẻ đã lây nhiễm từ mẹ nhiễm HIV.

Ở châu Phi, nhiều bà mẹ do sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị nên đã từ chối tham gia các chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hợp pháp. Họ tìm đến những người đỡ đẻ kiểu truyền thống, thiếu kinh nghiệm trong công tác dự phòng, chăm sóc trước và sau sinh cho mẹ nhiễm HIV, việc này dẫn đến việc những trẻ em sinh ra đều nhiễm HIV từ mẹ. Nghiên cứu thực trạng cho thấy, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng trẻ nhiễm mới HIV ở Uganda, cho dù quốc gia này đã thực hiện Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ tháng 9/2012. 

Để chấm dứt tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Uganda kêu gọi cả cộng đồng chung tay chấm dứt hành vi vi phạm quyền trẻ em. Cụ thể, chấm dứt tình trạng lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em; kêu gọi các bà mẹ mang thai xét nghiệm tự nguyện HIV; những bà mẹ nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị và hướng dẫn y tế khác.

Đặc biệt, cần chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với trẻ nhiễm HIV/AIDS. Tạo điều kiện cho trẻ nhiễm HIV được đến trường như những trẻ bình thường khác, giúp trẻ định hướng tương lai, sống có ích cho xã hội.

Cha mẹ hoặc người chăm sóc cho trẻ nhiễm HIV nên tự nguyện tiết lộ tình trạng bệnh của con mình cho chính quyền, nhà trường, để các trẻ được giúp đỡ, tạo điều kiện tương ứng. Ngoài ra, cần phải cung cấp đầy đủ thông tin và hướng dẫn dự phòng lây nhiễm HIV cho trẻ nhiễm HIV/AIDS, để trẻ dự phòng lây nhiễm, sống một cuộc sống tích cực.

Thách thức lớn nhất là hiện có rất nhiều trẻ em sống chung với HIV đang phải âm thầm chịu đựng, đau khổ mà không muốn nhận sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Một số trường hợp còn không biết được tình trạng bệnh của mình. Vì lý do này, UNICEF đã nhấn mạnh cam kết của mình trong việc ngăn ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con thông qua việc cung cấp điều trị HIV suốt đời và hỗ trợ cho 95% phụ nữ mang thai nhiễm HIV. 

UNICEF kêu gọi các bà mẹ mang thai cần xét nghiệm HIV sớm và phấn đấu đạt tỷ lệ điều trị cho 95% trẻ em nhiễm HIV. Đặt mục tiêu tiếp cận những người chưa được xét nghiệm hoặc đã bỏ chăm sóc, điều trị. Đồng thời, nỗ lực để trẻ em sống chung với HIV được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng.

Chính phủ Uganda mới đây đã có động thái phân bổ thêm ngân sách quốc gia giai đoạn 2018-2019 cho ngành Y tế để chống lại loại virus gây ra căn bệnh thế kỷ ADIS này. Chính phủ Uganda kêu gọi người dân hãy cùng chung tay hỗ trợ trẻ em sống chung với HIV và chấm dứt lây nhiễm mới HIV ở trẻ em. Điều này có thể xảy ra, nếu có những thay đổi trong hành vi tình dục, chấm dứt kỳ thị và phân biệt đối xử, bảo đảm cho các bà mẹ mang thai nhiễm HIV đến cơ sở y tế để chăm sóc tiền sản và tuân thủ điều trị cho trẻ em nhiễm HIV.

Cùng chung tay hành động là cách chúng ta hỗ trợ trẻ nhiễm HIV/AIDS sống khỏe và có ích cho xã hội. Việc này cũng sẽ giúp Uganda tiến tới mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Top