Bạo lực tình dục: Tiếng nói người trong cuộc

10/12/2018 16:32

Bộ phim tư liệu “Công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục - tiếng nói người trong cuộc” vừa được Trung tâm CSAGA công chiếu mới đây đã chia sẻ những câu chuyện có thật về 5 mảnh đời đầy nước mắt của những nạn nhân bị bạo lực tình dục.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Trong bộ phim, một cô gái khuyết tật kể lại nỗi kinh hoàng của cô khi suýt bị một người lái xe taxi xâm hại. Đầu tiên, trên đường đi, anh ta liên tục hỏi cô về những vấn đề nhạy cảm như cô có còn là con gái không, nhu cầu tình dục như thế nào. Sau đó, thay vì chở cô đến nơi cần đến thì anh ta lại đưa thẳng cô đến một khu nhà cao tầng đang xây dựng không một bóng người. Dù cô đã ra sức van xin, nhưng hắn vẫn không buông tha. Cô dùng điện thoại gọi cho người thân nhưng hắn giằng lấy vứt đi. May mắn, vì biết hoàn cảnh của mình, cô gái lúc nào cũng mang theo 3 chiếc điện thoại. Cô đã phải dùng hết sức chống cự và lấy được chiếc điện thoại thứ hai gọi cho người thân quen. Khi nghe thấy giọng bạn cô trong điện thoại hỏi cô đang ở đâu, tên yêu râu xanh đã phải dừng hành vi bỉ ổi.
 
Một cô gái khác kể về việc có mẹ là bác sĩ “rất tốt bụng, hay đi cứu người khác” nhưng lại không có thời gian để gần gũi con gái mình, không biết rằng con mình thường bị xâm hại tình dục.

Đau lòng hơn, một cô gái kể mình thường bị lạm dụng đến mức quá sợ hãi tìm mọi cách để làm cho mình bị thương, trở nên xấu xí… để người ta không để ý đến mình, không làm hại mình nữa…

“Khi còn đi học, tôi từng bị một bạn học cưỡng hiếp đến mức có thai. Đến khi đi làm, tôi sợ và luôn co mình lại một góc, không giao tiếp với bất cứ ai, thế nhưng tôi vẫn luôn bị các đồng nghiệp nam quấy rối. Tôi từng ngồi trên ban công và nghĩ nếu nhảy xuống đó, tôi có thể kết thúc mọi thứ hay không. Nhưng tôi lại sợ, nếu mình không thể chết mà tàn phế suốt đời thì còn khốn khổ hơn nữa. Thời điểm trầm cảm nhất, tôi đã đun nước sôi để dội vào bụng, vào tay chân. Suy nghĩ duy nhất lúc đó là khiến mình trở nên xấu xí, như vậy sẽ không ai nhận ra, cũng không ai quấy rối mình nữa”, cô gái kể lại câu chuyện trong nước mắt.

Có một điểm chung, đó là những nạn nhân khi chia sẻ câu chuyện đau đớn của mình trong bộ phim đều cho biết, họ không biết và cũng không dám nói với ai về câu chuyện đã xảy ra với mình. Và những kẻ ác đó vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Theo các chuyên gia, điều này được lý giải bởi các nguyên nhân chính: Định kiến giới, phân biệt đối xử là những rào cản chính đối với bình đẳng giới và hành trình chấm dứt bạo lực nói chung, bạo lực tình dục (BLTD) với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng. Thái độ tiêu cực với phụ nữ, quan niệm về nam tính, xem phụ nữ như đối tượng tình dục đã tạo ra sự mất cân bằng quyền lực giữa phụ nữ và nam giới, tạo môi trường dung túng cho BLTD.

Mặt khác, tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân bạo lực giới là vấn đề phổ biến tại Việt Nam. Theo kết quả một nghiên cứu gần đây (Krause và cộng sự, 2015), trên 90% phụ nữ Việt Nam và ít hơn 70% nam giới Việt Nam khi được hỏi đều thống nhất rằng, bạo hành trong đời sống vợ chồng đối với phụ nữ có thể được bào chữa trong rất nhiều trường hợp

Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) ở Việt Nam năm 2014 cho thấy, tỉ lệ chấp nhận bạo lực giới tiếp tục xuất hiện ở thế hệ trẻ hơn, với 45% em gái tuổi từ 15-19 cho rằng đàn ông có quyền đánh đập vợ.

Theo Rydstrom (2003), các quan niệm truyền thống về giới tại Việt Nam như nam giới thường “nóng” và phụ nữ phải “lạnh”, hành vi bạo hành phụ nữ của nam giới là “một phần tính cách của họ” và phụ nữ có trách nhiệm phải “làm hòa” với nam giới để giữ gìn yên ấm trong gia đình. Kết quả là, phụ nữ bị đổ lỗi gây ra tình trạng bạo lực gia đình và do đó cần phải chịu dựng bạo hành (Rydstrom, 2003).

Một thực tế khác, mặc dù cưỡng ép tình dục giữa vợ chồng là bất hợp pháp, nhưng chưa có ghi nhận nào cho thấy những trường hợp như vậy bị điều tra hoặc truy tố. Cảnh sát thường không xem vợ là nạn nhân trong các vụ hiếp dâm trong gia đình.

Bên cạnh đó, khung luật pháp giải quyết BLTD còn thiếu và yếu, những nhà hoạch định chính sách và nhà cung cấp dịch vụ chưa đánh giá đầy đủ mức độ nghiêm trọng của BLTD với sức khỏe, tinh thần đối của phụ nữ và trẻ em gái. Họ thường thiếu sự nhạy cảm và phân biệt đối xử với các nạn nhân của BLTD. Do đó, họ không sẵn sàng cung cấp cho các nạn nhân sự trợ giúp một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Top