Bảo đảm quyền của người chuyển đổi giới tính

18/10/2017 09:45

Việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm bảo đảm quyền của người chuyển đổi giới tính, bảo đảm cho họ được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn; trong khi đó, các quy định về người chuyển đổi giới tính vẫn gắn với khía cạnh về đạo đức, truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Sự cần thiết phải xây dựng luật

Bộ luật Dân sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Theo đó, Điều 37 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”. Như vậy, sẽ cần phải xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính để thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cộng đồng người chuyển giới đóng góp ý kiến vào báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Ảnh Nhật Thy

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới là từ 0,1-0,5%. Việc thu thập số liệu về tỷ lệ người chuyển giới gặp khó khăn do sự kỳ thị xã hội, khả năng tiếp cận tới những người chuyển giới ở vùng sâu, vùng xa cũng như hiểu biết, nhận dạng của chính người chuyển giới. Nếu sử dụng con số trung bình thấp là 0,1%, Việt Nam ước đoán có gần 100.000 người chuyển giới, sử dụng con số trung bình là 0,3 thì Việt Nam ước đoán có khoảng 300.000 người chuyển giới.  Ở các nước hợp pháp hóa việc chuyển giới, có thể dễ dàng thống kê hơn dựa trên số liệu các ca tư vấn, phẫu thuật hoặc thay đổi giấy tờ. Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu chính xác về số lượng người chuyển giới, mặc dù các hoạt động, nghiên cứu đã tiếp xúc với rất nhiều người chuyển giới.

Trong những nghiên cứu về sức khỏe từ Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), trong số 38 người chuyển giới nữ tại TPHCM được phỏng vấn về việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉ có 17/38 người đã từng có ít nhất một lần sử dụng dịch vụ y tế, là xét nghiệm HIV miễn phí, còn lại không biết các dịch vụ y tế khác dành riêng cho người chuyển giới ở đâu, không tìm được các thông tin hỗ trợ tư vấn từ các nguồn có uy tín như các bệnh viện, cơ sở y tế lớn.

Vì pháp luật Việt Nam chưa cho phép chuyển đổi giới tính nên những người chuyển giới tại Việt Nam thường đi nước ngoài để thực hiện các can thiệp phẫu thuật. Chi phí một quy trình hoàn chỉnh cho việc chuyển đổi giới tính tại một bệnh viện uy tín tại Thái Lan (bao gồm phẫu thuật chuyển đổi giới tính và hỗ trợ tư vấn) dao động trong khoảng từ 30.000 USD cho việc chuyển đổi từ Nữ sang Nam, (trong đó phẫu thuật cắt ngực từ 3.000-5.000 USD), và khoảng 35.000 USD cho việc chuyển đổi từ Nam sang Nữ, (trong đó bơm ngực mất khoảng 5.000 USD). Ngoài ra còn những dịch vụ khác như liệu pháp hormorne, thay đổi giọng nói, phẫu thuật thẩm mỹ...  Việc chuyển đổi giới tính không làm thay đổi những đặc điểm nhận dạng sinh học đặc trưng của cơ thể, như dấu vân tay, nhóm máu, khuôn mặt (trừ khi có phẫu thuật thẩm mỹ).

Người chuyển giới đang sử dụng các loại thuốc hormorne trôi nổi ngoài thị trường, nguồn hàng chủ yếu là xách tay, hoặc qua người quen đã sử dụng truyền miệng lại, với giá cả và chất lượng không thể kiếm chứng. Qua các hoạt động thực tế và tìm hiểu của Trung tâm ICS, trung bình mỗi năm tại TPHCM, có khoảng 24-30 người chuyển giới gặp các biến chứng hậu phẫu và phải quay ngược lại Thái Lan để thăm khám, và khoảng 8-10 người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormorne, tiêm silicon... và còn rất nhiều những nguy hiểm khác chưa thể thống kê, vì số lượng người chuyển giới sử dụng các dịch vụ y tế hỗ trợ quá ít.

Người chuyển giới tại Việt Nam không được chuẩn bị về mặt tâm lý, các bài trắc nghiệm về tinh thần khi chuyển giới: ăn mặc như giới tính mong muốn 24/24 giờ; tập luyện những thay đổi khi giao tiếp/xưng hô với những người xung quanh, những thay đổi/khó khăn có thể gặp phải về sức khỏe/giấy tờ… Việc thực hiện những phẫu thuật chuyển đổi giới tính mang lại cho họ những nguy hiểm lớn về sức khỏe, tâm lý và khó khăn khi đối diện với sự thay đổi, kỳ thị từ phía gia đình và xã hội. Những thông tin về người chuyển giới không được phổ biến và cập nhật tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, gây khó khăn và lúng túng cho những người thực hiện dịch vụ, khiến người chuyển giới không được đối xử một cách bình đẳng khi thực hiện quyền công dân của mình.

Bảo đảm quyền của người chuyển giới

Việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính được tiếp cận dưới góc độ tôn trọng, bảo đảm quyền của người chuyển đổi giới tính, bảo đảm cho họ được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn; trong đó, các quy định về người chuyển đổi giới tính vẫn gắn với khía cạnh về đạo đức, truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Đồng thời Luật Chuyển đổi giới tính sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch để hỗ trợ người chuyển đổi giới tính có được cuộc sống như những người bình thường khác như được chăm sóc y tế, phẫu thuật chuyển đổi giới tính, thay đổi hộ tịch, hòa nhập với gia đình, cộng đồng và xã hội; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử...

Theo Bộ Y tế, quan điểm xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính là thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền con người. Ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền con người; thể chế hóa Điều 16, Điều 20, Điều 38 Hiến pháp năm 2013 về quyền không bị phân biệt đối xử trong xã hội, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm và có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người. Bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bảo đảm quyền lợi cho nhóm yếu thế trong xã hội là người chuyển đổi giới tính được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn.

Top