Bảo đảm cuộc sống không có bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái

24/11/2017 08:51

Chủ đề năm nay của Chiến dịch toàn cầu của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm xỏa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là "Không bỏ lại ai phía sau" nhằm nhấn mạnh đến tính cấp bách của việc tiếp cận những người dễ bị tổn thương nhất.

Bắt đầu từ ngày 25/11-Ngày Quốc tế Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, hàng trăm sự kiện trên toàn thế giới do UN Women và các đối tác tổ chức nhằm tăng cường các nỗ lực để chấm dứt một đại dịch gây ảnh hưởng đến một trong ba phụ nữ trên toàn cầu. Từ diễu hành, flashmobs và các buổi hòa nhạc, đến bóng đá và bóng bầu dục, các sự kiện sẽ được tổ chức và các tòa nhà biểu tượng sẽ được thắp sáng bằng màu cam để thu hút chú ý trong suốt Chiến dịch 16 ngày hành động chống lại bạo lực giới (25/11-10/12).

Ruy băng trắng lồng trong trái tim màu cam tượng trưng cho hy vọng và một thế giới không bạo lực. Ảnh Nhật Thy

Lễ kỷ niệm năm nay diễn ra tại một thời điểm đặc biệt, trùng hợp với cuộc huy động chưa từng có của hàng triệu người sau Chiến dịch #MeToo và các phong trào khác nhằm chống lại quấy rối và tấn công tình dục. UN Women kêu gọi các bên liên quan nắm bắt cơ hội và thực hiện các luật và chính sách dựa trên giải pháp để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Chiến dịch 16 ngày, nhằm huy động các chính phủ và công chúng, được LHQ kỷ niệm dưới sự bảo trợ của Chiến dịch UNiTE của Tổng thư ký LHQ về chấm dứt bạo lực với phụ nữ cho tới năm 2030. Màu cam được coi là màu sắc của chiến dịch UNiTE vì nó tượng trưng cho hy vọng và một thế giới không bạo lực. Lời kêu gọi này là dành cho tất cả mọi người nhằm “Tô cam thế giới” và thực hiện vai trò của mình để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, chuyển hóa sự phản đối thành hành động. Năm 2016, một kỷ lục đã được lập nên khi mà người dân từ 105 quốc gia đã tham gia vào chiến dịch này.

Chủ đề năm nay cho chiến dịch là "Chấm dứt Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em gái: Không bỏ lại ai phía sau", cùng với Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững. Chủ đề nhấn mạnh rằng mặc dù không có nhóm phụ nữ hoặc trẻ em gái nào có thể tránh khỏi bạo lực, nhưng có những nhóm có rủi ro và tính dễ bị tổn thương cao hơn. Xác định những phụ nữ và trẻ em gái thiệt thòi nhất là nền tảng để có thể đáp ứng và tiếp cận họ hiệu quả.

Ví dụ, người di cư, người tị nạn và người di cư trong nước có nguy cơ cao hơn về bạo lực tình dục và có thể không được nhà nước công nhận chính thức, ngăn cản họ tiếp cận với các dịch vụ y tế, hành pháp, tư pháp hoặc xã hội. Phụ nữ bản xứ và người dân tộc thiểu số thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử cao nhất trên các khía cạnh xã hội, chính trị và kinh tế. Phụ nữ khuyết tật và những người sống ở nông thôn phải đối mặt với các rào cản về thể chất.

"Mọi người đều có quyền sống cuộc sống của họ mà không có bạo lực hoặc bị đe dọa bạo lực. Điều này đúng cho tất cả mọi người, bất kể giới tính, tuổi tác, chủng tộc, tôn giáo, dân tộc và bất kể mức thu nhập, khuynh hướng tính dục, tình trạng HIV, quốc tịch, nơi họ sinh sống, hoặc bất kỳ đặc điểm nào khác trong danh tính của họ", Tổng Giám đốc Điều hành UN Women, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka cho biết.

"Tâm điểm của chủ đề"không bỏ lại ai phía sau" ngày hôm nay, là không để ai bị bỏ lại ngoài lề. Điều này có nghĩa là đưa phụ nữ và trẻ em gái bình đẳng tham gia vào tất cả những gì mà họ quan tâm", bà nói thêm.

Bạo lực không chỉ có những hậu quả tiêu cực cho những người trải qua bạo lực, mà còn cả gia đình, cộng đồng và xã hội nói chung, và gây ra chi phí kinh tế cao cho xã hội. Nhưng bạo lực không phải là không thể tránh khỏi - bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể được chấm dứt bằng cách tiếp cận toàn diện bao gồm việc thông qua và thực hiện các luật để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái và tăng cường các nỗ lực để truy tố kẻ phạm tội; việc phòng ngừa bắt đầu từ khi còn rất nhỏ để thấm nhuần văn hoá không khoan nhượng đối với bạo lực; và các dịch vụ toàn diện có thể tiếp cận được cho tất cả những người bị bạo lực, bao gồm hỗ trợ về y tế và tâm lý, nhà ở, tư vấn pháp lý... Quỹ Ủy thác LHQ về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ do UN Women quản lý đã trao tặng tài trợ cho hơn 460 tổ chức trong suốt 20 năm, với kết quả cho thấy bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể được giải quyết một cách có hệ thống.

Top