Chuẩn bị trình dự thảo Luật Chuyển đổi giới

16/10/2017 17:06

Để hoàn thiện Bộ luật chuyển giới, Bộ Y tế đang dự kiến sẽ đăng tải dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính lên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến của các cơ quan, cá nhân, tổ chức về dự thảo luật, nhằm hoàn thiện Bộ luật cho người chuyển giới.

Người đẹp chuyển giới Lâm Khánh Chi

Theo đề cương Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), người muốn được chuyển đổi giới tính phải đáp ứng đủ những điều kiện như: Có giới tính sinh học hoàn thiện (là giới tính của một người được xác định là nam hay nữ dựa trên sự hoàn chỉnh về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể); được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; từ đủ 18 tuổi trở lên; là người độc thân. Như vậy, người đã lập gia đình không được phép chuyển đổi giới tính.

Sau khi được công nhận đã chuyển đổi giới tính, người chuyển giới sẽ được công nhận thay đổi tên, giới tính theo pháp luật về hộ tịch.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (đơn vị được giao nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển giới), phát biểu trong một hội thảo gần đây, cho biết, hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng người chuyển giới nhưng theo nghiên cứu của các tổ chức khoa học uy tín, tỉ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3-0,5% dân số. 

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 270.000-300.000 người mong muốn chuyển đổi giới tính. Thực tế cho thấy bản thân người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, việc làm, tiếp cận y tế, an sinh xã hội… Đến nay, hơn 60 quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ, trong đó có 10 nước châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines…).

Nghiên cứu về sự cần thiết của các dịch vụ chăm sóc y tế cho người chuyển giới do Viện Nghiên cứu (iSEE) thực hiện ước tính khoảng 2.000-3.000 người chuyển giới nữ đang sinh sống tại TPHCM. Trong số 38 người chuyển giới nữ tại TPHCM được tiếp cận phỏng vấn về việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉ 17/38 người từng ít nhất một lần sử dụng dịch vụ y tế - là xét nghiệm HIV miễn phí, còn lại không biết các dịch vụ y tế khác dành riêng cho người chuyển giới ở đâu, không tìm được các thông tin hỗ trợ tư vấn từ các nguồn có uy tín như các bệnh viện, cơ sở y tế lớn.

Dự kiến Luật Chuyển giới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Trước đó, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành 1/1/2017 đã công nhận việc chuyển đổi giới tính. Điều này đáp ứng nhu cầu, mong muốn của khoảng 0,3-0,5% dân số cả nước.

Theo đó, Điều 37 của Bộ luật Dân sự quy định: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".
Top