4 tháng đầu năm, tiếp nhận hơn 1,3 nghìn người điều trị nghiện

27/04/2018 14:35

Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội ngày 27/4.

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, trong 4 tháng  đầu năm 2018, cả nước có 1.345 người được tiếp nhận, tư vấn, điều trị, cai nghiện tại các cơ sở, trong đó cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án là 479 học viên, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập 220 học viên, tại cơ sở tư nhân là 110 lượt học viên, quản lý tại cơ sở xã hội 536 học viên (trung bình quản lý từ 15-30 ngày).

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà làm việc với Cục PCTNXH. Ảnh Nhật Thy

Về công tác phòng, chống mại dâm, hiện có 37 địa phương đã triển khai xây dựng thí điểm và duy trì mô hình phòng, chống mại dâm đã triển khai từ các năm trước, trong đó có khoảng 690 người bán dâm và 3.446 người có nguy cơ cao được hưởng lợi từ mô hình...

Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã chỉ đạo triển khai các nội dung Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về giai đoạn 2016 - 2020”. Rà soát số nạn nhân bị mua bán và các đối tượng khác có liên quan giai đoạn 2011-2015 để đề xuất phương hướng nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán và thực hiện quy trình về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, đặc biệt đối với nạn nhân là trẻ em…

Tuy nhiên, công ác phòng, chống tệ nạn xã hội hiện nay vẫn đang còn nhiều khó khăn, bất cập. Quan điểm, nhận thức về thực trạng tệ nạn mại dâm và công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm của cấp chính quyền các địa phương chưa thống nhất trong chỉ đạo thực hiện, dẫn đến công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương không đồng bộ.

Hệ thống pháp luật, chính sách về phòng, chống mại dâm đã ban hành gần 15 năm nay nên nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới. Một số chính sách pháp luật mới chưa tương thích với chính sách phòng, chống mại dâm hiện hành; nhiều địa phương, chính quyền chưa chỉ đạo quyết liệt dẫn đến tình trạng tồn tại các tụ điểm, ổ nhóm tội phạm tổ chức hoạt động mại dâm thách thức dư luận. Việc triển khai chưa cụ thể, đồng bộ; thiếu sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan. Chưa gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với việc để tình trạng mại dâm phát triển phức tạp trên địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy chưa tương thích với Luật Xử lý vi phạm hành chính (đối với người nghiện ma túy từ 12 đến dưới 18 tuổi, quản lý sau cai nghiện); một số quy định của pháp luật về công tác cai nghiện chưa phù hợp thực tiễn.

Tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng về cả số vụ, đối tượng và nạn nhân bị mua bán. Số lượng nạn nhân bị mua bán nhiều nhưng số được hỗ trợ còn hạn chế, hầu hết các địa phương mới dừng lại ở việc hỗ trợ tiếp nhận, nuôi dưỡng ngắn hạn tại trung tâm, hỗ trợ tiền tàu xe về gia đình theo quy định của nhà nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, việc phối hợp với các Bộ, ngành cũng như địa phương là rất quan trọng nhằm tạo ra sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Với các văn bản đang trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cần đầu tư thời gian, tiếp thu, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương. Đối với các lĩnh vực quản lý, cần tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức giáo dục về pháp luật, phòng chống để cộng đồng, xã hội cùng tham gia. Bên cạnh đó, cần thiết phải xây dựng hệ thống dữ liệu để quản lý đối tượng tốt hơn.

“Cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn cho công tác phòng chống tệ nạn xã hội. Phối hợp với các đơn vị trong quá trình thực hiện chương trình, dự án. Cần lưu ý, quan tâm đến các vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, đặc biệt là đối tượng trẻ em, phụ nữ, các đối tượng dễ bị tổn thương…”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Top