10 năm, cai nghiện bắt buộc cho gần 290 nghìn lượt người

26/06/2019 08:02

Theo thống kê, tính đến tháng 11/2008 số người nghiện cả nước là 120.455 người, đến năm 2018 số người nghiện cả nước là 225.099, tăng 87% so với năm 2008. Trong đó, khoảng 1.600 người tử vong do sốc quá liều hàng năm.

Cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện số 3, TPHCM

Người nghiện ma túy ngày càng gia tăng

Theo dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống ma túy của Bộ Công an, cả nước có khoảng 600 đơn vị kinh doanh nhập khẩu tiền chất. Số lượng tiền chất nhập khẩu khoảng 450 nghìn tấn và 500 nghìn lít các loại tiền chất và hóa chất có chứa tiền chất mỗi năm phục vụ kinh doanh, dùng cho sản xuất công nghiệp và xử lý môi trường.

Nhìn chung các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp đã nâng cao ý thức quản lý tốt các loại tiền chất.

Tuy nhiên, việc theo dõi chống thất thoát tiền chất ở các khâu xuất nhập khẩu, lưu thông, sử dụng và tồn trữ tiền chất còn nhiều bất cập. Các đơn vị nhập khẩu tiền chất về để kinh doanh không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác.

Nhận thức của doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh tiền chất tuy đã được tập huấn, nâng cao nhưng thường xuyên có sự thay đổi về nhân sự nên nhận thức về tiền chất của những người mới vào còn hạn chế…

Theo Bộ Công an, hiện nay, chưa có thống kê quốc gia về sử dụng trái phép ma túy, tuy nhiên, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng đang diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không được coi là tội phạm và không xử lý bằng pháp luật hình sự, mà xử lý theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính.

Trong thời gian qua, người sử dụng trái phép chất ma túy (ma túy tổng hợp) gây ra tình trạng mất an ninh, trật tự ở nhiều nơi với nhiều vụ án mạng, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình. Do đó, cần phải có cơ chế để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, từ đó phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả của việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội.

Theo thống kê, tính đến tháng 11/2008 số người nghiện cả nước là 120.455 người, năm 2018 số người nghiện cả nước là 225.099, tăng 87% so với năm 2008.

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với Công an cơ sở lập hồ sơ và đưa hàng vạn người vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Người nghiện có ở tất cả các địa phương, có ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi song chủ yếu ở lớp trẻ (0,1% dưới 16 tuổi; 76% dưới 35 tuổi). Khoảng 1.600 người tử vong do sốc quá liều hàng năm; khoảng 50% người nghiện có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy đang ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là 41,04%, tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là 28,58%.

Gần 10 năm, cai nghiện bắt buộc cho 289.724 lượt người

Đến nay, có 2.719 xã, phường, thị trấn thuộc 20 tỉnh, thành phố thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy. Một số tỉnh, thành phố có cách làm sáng tạo, đầu tư mạnh các nguồn lực cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay tính sẵn có của các dịch vụ chưa được bảo đảm, nên người nghiện còn gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ.

Tính đến 12/2018 cả nước có 79 cơ sở cai nghiện công lập có chức năng tổng hợp, trong đó có cai nghiện tự nguyện và điều trị Methadone; 18 cơ sở cai nghiện chỉ làm cai nghiện tự nguyện và điều trị Methadone, hàng năm các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đã tiếp nhận và cai nghiện tự nguyện cho trên 5.000 lượt người.

Hiện nay, phần lớn các cơ sở cai nghiện đã chuyển đổi theo Đề án 2596 nên chất lượng dịch vụ có phần được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế vì chất lượng nguồn nhân lực chưa được cải thiện, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp tăng rất nhanh trong khi đa số cán bộ chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp, chất hướng thần.

Với hơn 4.000 lượt người được tiếp nhận cai nghiện hàng năm, tương đương hơn 11% tổng số người được tiếp nhận cai nghiện trong toàn bộ hệ thống cơ sở cai nghiện cả trong và ngoài công lập, tạo cơ hội cho những người muốn đi cai nghiện không phải lo lắng thủ tục hành chính phiền phức.

Đồng thời, cũng làm giảm chi ngân sách tương đương trên 11% tổng chi cho công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Hiện nay chưa có cơ chế kiểm soát hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện, trong khi tính tự phát của thị trường và của người dân lại phát sinh khá phổ biến nên chất lượng dịch vụ cai nghiện chưa đáp ứng được nhu cầu.

Giai đoạn 2009 - 2018, cả nước đã quản lý, cai nghiện bắt buộc cho 289.724 lượt người. Trong đó, lũy kế từ năm 2010 chuyển sang 70.549 người, tiếp nhận mới 219.175 lượt người, trung bình hàng năm đã quản lý, cai nghiện cho khoảng 43.000 lượt người, tương đương trên 20% người nghiện có hồ sơ quản lý.

Theo Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018, các Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý 69.241 trường hợp đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đã giải quyết 68.504 trường hợp, đạt 98,94% (áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 65.017 trường hợp, chuyển hồ sơ 368 trường hợp, đình chỉ 2.431 trường hợp, không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 688 trường hợp).

Tính đến nay, chương trình điều trị Methadone đã được triển khai tại 63/63 tỉnh/thành phố, với 314 cơ sở điều trị và điều trị cho 54.355 bệnh nhân, đạt 67% chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone năm 2014 và năm 2015.

Top