Giải đáp thắc mắc về nhận ARV và PrEP trong mùa dịch COVID-19

15/04/2020 09:09

Xin cho hỏi, tôi ở khu vực bị hạn chế đi lại thì nhận thuốc ARV và PrEP như thế nào? Tôi có thể nhận thuốc sớm hơn so với lịch hẹn được không? Trong trường hợp bị cách ly tập trung thì tôi phải làm thế nào để nhận thuốc? Tôi đang bị nghỉ không lương do tạm dừng hoạt động công ty, việc đóng bảo hiểm cũng bị tạm dừng, vậy tôi có thể lấy thuốc được không?

Ảnh minh họa

Trả lời:

Theo các hướng dẫn và công văn hiện hành, bệnh nhân điều trị ARV sẽ ưu tiên nhận thuốc tại địa phương đang ở hiện tại hoặc cơ sở điều trị gần nhất, khi đi mang theo sổ y bạ và chứng minh thư hoặc thẻ căn cước công dân để lĩnh thuốc, không cần có giấy chuyển tuyến.

Với những người đang có mặt tại Hà Nội, TPHCM hoặc các địa phươg có nhiều cơ sở điều trị thì đang sinh sống/tạm trú ở quận huyện nào thì nhận thuốc tại quận, huyện đó.

Tại một số địa phương áp dụng cách ly 14 ngày cho những người trở về từ Hà Nội, nên ngành Y tế không khuyến khích bệnh nhân lên Hà nội nhận thuốc, mà nhận thuốc ngay tại nơi đang ở.

Bệnh nhân sẽ được cấp phát từ 2-3 tháng thuốc bao gồm ARV, dự phòng lao, dự phòng nhiễm trùng cơ hội. Với người sử dụng PrEP được cấp phát 3 tháng. Tuy nhiên, việc cấp phát này phụ thuộc vào nguồn thuốc của cơ sở.

Theo quy định tại Thông tư 28/2018/TT-BYT thì khách hàng được lĩnh thuốc sớm trước thời điểm hết thuốc. Số thuốc được cấp sẽ được trừ đi số thuốc còn đủ dùng cho đến lịch hẹn tiếp theo.

Nếu không được lĩnh thuốc sớm, bạn có thể gọi số HOTLINE của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) để được hướng dẫn giải quyết kịp thời: 0243.736.7851.

Đối với các trường hợp cách ly, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) hoặc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sẽ hỗ trợ chuyển thuốc vào cơ sở các cách ly thông qua cán bộ y tế đang phụ trách cơ sở cách ly này. Hãy thông báo với cán bộ y tế tại nơi cách ly để được hỗ trợ.

Trường hợp bị nghỉ không lương do tạm dừng hoạt động công ty và việc đóng bảo hiểm cũng bị tạm dừng, thì tinh thần chung của ngành Y tế là sẽ không để khách hàng gián đoạn điều trị. Trường hợp bạn không chắc về thẻ BHYT, hoặc hết hạn trong tháng 3 nhưng chưa đóng mới, bạn vẫn mang theo thẻ BHYT, cùng sổ y bạ và chứng minh thư hoặc thẻ căn cước đến cơ sở điều trị để được hướng dẫn và lĩnh thuốc.

Top