Tăng cường truyền thông tại các khu vực miền núi

15/11/2016 11:10

Nhằm tăng cường truyền thông nhân Tháng hành động quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS (10/11-10/12) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12), Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã phối hợp với Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Đoàn công tác là những phóng viên đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và một số địa phương đi thực tế tại huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Hình ảnh buổi sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân điều trị Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Thùy Dương

Tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa, các phóng viên đã thăm và làm việc ở Phòng khám, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone; dự buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ bệnh nhân Methadone; thăm cơ sở điều trị bằng thuốc ARV. Bên cạnh đó, các phóng viên đã gặp gỡ, trao đổi với các y bác sĩ và nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị tại đây.

BS Lê Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến tháng 10/2016, toàn tỉnh Thanh Hóa có 4.643 bệnh nhân tham gia điều trị Methadone. Hiện nay đã có 20 cơ sở điều trị Methadone/17 huyện, điều trị, cung cấp dịch vụ cho 2.741 bệnh nhân.

Tính đến 30/9/2016, trên toàn tỉnh có 25 phòng khám ngoại trú, trong đó có 2 phòng khám ngoại trú tuyến tỉnh, 12 phòng khám ngoại trú tại bệnh viện đa khoa huyện, 5 phòng khám ngoại trú trong các trại giam, Trung tâm 06 và 6 phòng khám ngoại trú tại trung tâm y tế các huyện.

Tổng số bệnh nhân đang điều trị ARV trên toàn tỉnh là 3.211 bệnh nhân. Được sự hỗ trợ của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và Tổ chức Y tế Thế giới, từ tháng 6/2014, Thanh Hóa triển khai mô hình điều trị 2.0 tại 19 xã, phường của 3 huyện/thành phố.

Sau hơn 2 năm triển khai mô hình đã đạt được một số kết quả tích cực, như bệnh nhân được ưu tiên chỉ định điều trị phác đồ kết hợp và nhận thuốc tại xã/phường. Ngoài ra, mô hình đã chứng minh tính khả thi của việc phân cấp và lồng ghép các dịch vụ HIV (tư vấn xét nghiệm HIV, cấp thuốc và theo dõi điều trị ARV, điều trị Methadone) tại Trạm Y tế xã phường. Các bệnh nhân đánh giá cao sự thuận lợi trong việc xét nghiệm và điều trị tại xã.

Phóng viên tác nghiệp tại bản chứng kiến buổi tư vấn xét nghiệm HIV ở bản Co Me, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa. Ảnh: Thùy Dương

Bên cạnh đó, mô hình xét nghiệm HIV tại xã, thôn bản đã rút ngắn thời gian biết kết quả xét nghiệm, người nhiễm có cơ hội điều trị ARV sớm làm giảm số người chết do AIDS, đồng thời giúp cho công tác dự phòng có hiệu quả. Đây là mô hình rất phù hợp với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, có hiệu quả cao và cần sớm được nhân rộng.

Nhân dịp này, Đoàn công tác có đến thăm Trạm Y tế xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa để tìm hiểu về mô hình đưa dịch vụ HIV về xã, bản.
Top