Những người truyền cảm hứng cho cộng đồng người nhiễm HIV

01/12/2020 17:30

Trong những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là chính những người nhiễm HIV đã góp phần quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.

 

 Ảnh trang bìa tạp chí Time năm 2004 vinh danh chị Phạm Thị Huệ - 1 trong 20 "Anh hùng châu Á"

Đã 16 năm kể từ khi bức ảnh trang bìa tạp chí Time năm 2004 vinh danh 1 trong 20 "Anh hùng châu Á", chị Phạm Thị Huệ, đến từ Hải Phòng đã dũng cảm, vượt qua mọi kỳ thị bảo vệ quyền lợi cho những người nhiễm HIV.

Năm 2001, chị Huệ chuẩn bị sinh con đầu lòng thì phát hiện nhiễm HIV từ chồng. Từ đây, quãng thời gian đen tối của chị bắt đầu. Một trong những tủi nhục đầu tiên chị phải trải qua chính là sự kỳ thị, xa lánh và cô lập khi sinh con trong viện.

Ngay cả khi trở về với gia đình, vợ chồng chị tiếp tục bị gia đình chối bỏ và phải dọn ra ngoài thuê trọ. Nhưng chỉ ở được một thời gian, khi nhà chủ biết vợ chồng nhiễm HIV, hai người lại vội vàng chuyển nhà. Chị không nhớ nổi mình đã chuyển nhà bao nhiêu lần.

Chị kể: "Khi bị hết người này tới người kia xua đuổi, tủi nhục khôn xiết, cảm giác bị xã hội ruồng bỏ, tôi và chồng có ý định tự tử cùng con. Chúng tôi mua thuốc chuột để chuẩn bị cho sự giải thoát. Nhưng ngay khi định uống, đứa con lúc ấy mới 3 tháng tuổi bỗng khóc thét lên - tiếng khóc làm tôi bừng tỉnh và quyết định phải sống tiếp. May mắn, cháu âm tính với HIV".

Trăn trở về bản thân và những người chung cảnh ngộ, chị tự nhủ phải đứng lên làm điều gì đó ý nghĩa để có thể "được sống - theo đúng nghĩa là mình đang sống".

Chị Phạm Thị Huệ đã mạnh dạn công khai tình trạng nhiễm HIV của mình. Lần đầu tiên tại Việt Nam, một người phụ nữ mang trong mình căn bệnh thế kỷ dám xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để nói về HIV/AIDS mặc những lời dè bỉu “vạch áo cho người xem lưng”.

Năm 2003, chị cùng các thành viên khác thành lập nhóm tự lực của người nhiễm HIV đầu tiên ở Hải Phòng - nhóm Hoa Phượng Đỏ - chuyên chăm sóc bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, hỗ trợ khâm liệm khi họ qua đời, tuyên truyền, chia sẻ thông tin cho những người cùng cảnh ngộ. Với những nỗ lực đó, năm 2004 chị vinh dự được Tạp chí Time của Mỹ bầu chọn là "Anh hùng châu Á".

Năm 2009, Phạm Thị Huệ tham gia đóng bộ phim Siêu thoát của đạo diễn Vĩnh Khương để xây dựng "Quỹ chăm sóc trẻ nhiễm HIV". Mỗi công việc chị làm đều muốn mang lại điều gì đó tốt đẹp nhất cho bản thân và cộng đồng.

Gặp lại nữ anh hùng Châu Á sau gần 20 năm sống cùng căn bệnh thế kỷ, khó ai có thể biết chị là một bệnh nhân HIV nếu không được tiết lộ từ trước. Chị gây ấn tượng trong mắt người đối diện với vẻ ngoài khỏe khoắn, xinh đẹp của một phụ nữ yêu đời.

Chị Phạm Thị Huệ chia sẻ: "Nhiều người không tin Huệ có bệnh trong người, nhưng đây là con người bằng da bằng thịt, bằng chứng cụ thể và đây cũng là niềm tin mang lại cho những người nhiễm HIV để họ tự tin sống tốt và cũng có sức khỏe tốt như Huệ".

Vượt qua những mặc cảm và vươn lên trong cuộc sống, 10 năm đồng hành, chứng kiến biết bao số phận những người nhiễm HIV, anh Nguyễn Anh Phong gắn với cộng đồng người bị nhiễm HIV/AIDS như một phần cuộc đời mình. Từ mạng xã hội, Youtube hay đến trực tiếp, anh đều tư vấn và xét nghiệm miễn phí cho hàng chục nghìn người.

"Những trường hợp mình hỗ trợ họ khỏe lên từng ngày, tự tin lên từng ngày. Cái mình vui là mình còn đủ năng lượng tích cực để truyền và chia sẻ với mọi người, dù hoàn cảnh nào mọi người cũng tự đứng lên đôi chân của mình", anh Nguyễn Anh Phong chia sẻ.

Nhờ những đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, anh Phong đã được bình chọn là người hoạt động xuất sắc trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS - Giải thưởng "Hero". Hiện anh là đại diện cho Mạng lưới Người sống với HIV tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TPHCM. Anh cũng là Giám đốc Phòng khám Nhà mình do chính anh thành lập với tên gọi đúng như điểm đến cho những người nhiễm HIV.

30 năm, những người như chị Huệ, như anh Phong đã trở thành những cánh tay nối dài, nối vòng tay lớn xóa bỏ dần sự kỳ thị trong xã hội. Lan tỏa sự cảm thông bằng những hành động cụ thể để tiếp sức, thêm một bàn tay nhỏ giúp những người nhiễm HIV vượt qua mặc cảm lớn.

Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu ở Việt Nam vào năm 1990, đến nay, nước ta đã có 30 năm ứng phó với dịch bệnh này. Nhiều tổ chức, cá nhân và chính những người nhiễm HIV đã trở thành điểm tựa tinh thần, truyền cảm hứng sống tích cực và ý nghĩa tới những người nhiễm virus HIV/AIDS trong cộng đồng.
Top