Kiến nghị huy động nguồn lực phòng, chống AIDS thông qua BHYT

11/11/2015 16:50

(Chinhphu.vn) - Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận tại “Hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn TPHCM” vừa diễn ra sáng nay (11/11).

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn TPHCM

Theo ông Thuận, trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế dành cho phòng chống HIV/AIDS dần hạn hẹp, trong giai đoạn tới, TPHCM sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đa dạng hóa nguồn lực, huy động kinh phí từ xã hội. Trong đó, sẽ kiến nghị trung ương lồng gép các hoạt động phòng chống HIV/AIDS vào bảo hiểm y tế… để chi trả cho một số dịch vụ quan trọng như điều trị ARV và các bệnh cơ hội khác.

Lãnh đạo UBND TPHCM cũng cho biết, Thành phố sẽ sớm triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức lại bộ máy phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tinh gọn, tích kiệm, tổ chức thực hiện các mô hình phòng chống HIV/AIDS theo hướng chi phí thấp, hiệu quả cao.

Riêng trong công tác điều trị, sẽ tiếp tục mở rộng tiếp cận nhóm nguy cơ là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới; đồng thời mở rộng xét nghiệm đa dạng, tinh gọn nhằm phát hiện sớm người nhiễm HIV để có phác đồ điều trị phù hợp…

Trước đó, Hội nghị đã nghe đại diện lãnh đạo Sở Y tế Thành phố báo cáo kết quả 5 năm (2011-2015) thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn TPHCM.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, sau 5 năm triển khai, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại TPHCM đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tác động tích cực đến việc kiềm chế dịch HIV/AIDS, kéo giảm tình trạng quá tải cho hệ thống các bệnh viện, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của Thành phố.

Toàn cảnh Hội nghị

Nhiều chỉ tiêu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hoàn thành đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố được khống chế ở mức 0,6% (mục tiêu dưới 1%), tỷ lệ người nhiễm HIV mới trong cộng đồng dân cư ở mức 0,03% (mục tiêu dưới 0,08%).

Về chương trình can thiệp giảm tác hại cho các nhóm nguy cơ cao, Thành phố đã thực hiện đạt 7/7 chỉ tiêu đề ra gồm: tỷ lệ phụ nữ mại dâm luôn sử dụng bao cao su với khách hàng đạt từ 80%-90% (chỉ tiêu năm 2015 là 70%); tỷ lệ nhóm tiêm chích ma túy sử dụng bơm kim tiêm sạch là 90% (chỉ tiêu là 90%)…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống HIV/AIDS tại thành phố còn một số vấn đề tồn tại. Dịch HIV/AIDS dù đã được khống chế, nhưng vẫn còn ở mức cao trong các nhóm đối tượng nguy cơ, đặc biệt là ở nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới.

Kết quả giám sát trọng điểm tại TPHCM năm 2014 cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm đối nghiện chích ma túy là 16,7% (năm 2011 là 39,33%), tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ mại dâm là 3,7% (năm 2011 là 4,67%) và tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới là 12,7% (năm 2011 là 14%).

Bên cạnh đó, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và đã vượt qua xu hướng lây nhiễm qua đường máu. Trong giai đoạn 2011-2015, trung bình có 57,5% người nhiễm HIV bị lây qua đường tình dục và có 41,3% bị lây nhiễm qua đường máu (giai đoạn 2006 - 2010, tỷ lệ này là 24% và 59%).

Ngoài ra, việc điều trị Methadone chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của bệnh nhân, số lượng bệnh nhân có nhu cầu điều trị Methadone trên địa bàn thành phố đến nay vẫn còn ở mức thấp do đó, các cơ sở điều trị tại thành phố khó chủ động, khó đảm bảo chỉ tiêu điều trị đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đạt 90% người nhiễm HIV biết tình trạng; 90% bệnh nhân HIV/AIDS được duy trì điều trị ARV và 90% bệnh nhân điều trị ARV kiểm soát được tải trọng vi rút ở mức thấp (dưới 1.000 bản sao/ml).

Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Để hoàn thành mục tiêu kéo giảm tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong giai đoạn 2016-2020, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Y tế và các cơ quan trung ương tiếp tục hỗ trợ các chính sách, chiến lược phù hợp. Cụ thể, về tư vấn xét nghiệm HIV, cần có chính sách xem xét việc xét nghiệm HIV như xét nghiệm thường quy để đẩy mạnh việc xét nghiệm HIV tại các bệnh viện; tạo điều kiện để thực hiện mở rộng xét nghiệm.

Đối với công tác chăm sóc điều trị, cần có chủ trương đảm bảo nguồn thuốc ARV để người dân có thể tiếp cận sau khi có kết quả HIV dương tính (thị trường thuốc cho người tự mua, chủng loại thuốc…); đẩy nhanh việc hỗ trợ điều trị ARV qua bảo hiểm y tế để các bệnh viện có thể thực hiện điều trị.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; ban hành các quy định, hướng dẫn đưa HIV/AIDS vào hệ thống điều trị như các bệnh khác, giảm dần việc xem đây là bệnh đặc thù mà là bệnh mạn tính có thể kiểm soát.

Theo báo cáo của UBND TPHCM, đến hết tháng 6/2015, toàn Thành phố có 40.956 trường hợp nhiễm HIV được quản lý, 10.887 trường hợp tử vong và 17.451 trường hợp đang được điều trị. Ước tính đến hết năm 2015, tại thành phố có 41.841 trường hợp nhiễm HIV và 11.067 trường hợp tử vong do HIV/AIDS.
Top