Dịch HIV diễn biến khó lường do thay đổi đường lây

01/12/2016 15:23

Theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước có thêm khoảng 10.000 người nhiễm mới HIV được phát hiện. Đáng chú ý, những người nhiễm HIV hiện nay không chỉ tập trung ở các nhóm đối tượng nguy cơ cao như trước mà xảy ra ở nhiều nhóm dễ tổn thương, khiến việc phát hiện ca nhiễm mới tại cộng đồng khó khăn hơn.

Phát hiện sớm nhiễm mới HIV trở nên khó khăn hơn

Mặc dù số người nhiễm HIV mới tại nước ta đã có xu hướng giảm liên tục trong gần chục năm trở lại đây song Việt Nam vẫn đang là quốc gia phát hiện số người nhiễm HIV cao thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, ước tính cả nước có khoảng 10.000 người nhiễm mới HIV được phát hiện. So với các năm trước, tỷ lệ nhiễm mới có xu hướng giảm nhưng mức độ giảm không đáng kể so với năm 2015, nhất là tại một số tỉnh đã có dịch lâu năm thì tỷ lệ nhiễm mới lại có xu hướng tăng lên. 

Tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

Đặc biệt, mô hình dịch HIV/AIDS đang có sự thay đổi từ lây truyền chủ yếu qua đường máu do tiêm chích ma túy, sang quan hệ tình dục không an toàn. Những người nhiễm mới HIV trong giai đoạn hiện nay không còn tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như trước, sự lây nhiễm HIV xảy ra trong nhóm những người dễ bị tổn thương như vợ, bạn tình của người nhiễm HIV, người tiêm chích ma túy. Điều này khiến cho việc phát hiện sớm ca nhiễm mới HIV trong cộng đồng trở nên khó khăn hơn nhiều bởi đa số người nhiễm mới trong giai đoạn đầu thường không có biểu hiện gì ra bên ngoài. 

Vì lý do trên nên việc thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp) là rất cần thiết. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, mục tiêu đầu tiên  rất quan trọng, bởi nếu một người nhiễm HIV mà không biết  thì có thể vô tình làm lây truyền  cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Hơn nữa sẽ không thể tiếp cận và cung cấp được các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ. 

Hiện nay, dù số người nhiễm HIV/AIDS còn sống trong cộng đồng khá cao nhưng tỷ lệ người nhiễm có thẻ bảo hiểm y tế lại rất thấp khiến cho việc tiếp cận điều trị của người bệnh hết sức khó khăn.

TS. Dương Thúy Anh, Trưởng phòng Tài chính-Kế toán, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tỷ lệ người nhiễm HIV hiện có thẻ bảo hiểm y tế bình quân ở nước ta mới chỉ đạt khoảng 40%, bằng 1/2 tỷ lệ người dân cả nước có thẻ bảo hiểm y tế. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện kinh tế của đa số người nhiễm HIV rất khó khăn, nhiều người sống lang thang, không có nơi cư trú ổn định nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế của nhà nước, nhất là vẫn có nhiều người nhiễm bệnh lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nếu tham gia bảo hiểm y tế... 

Để gia tăng số người nhiễm HIV được điều trị

Trước thực trạng trên, ngày 27/11 vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thanh toán thuốc kháng virus HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV.

Theo đó, dự kiến từ tháng 6/2017, bắt đầu thực hiện chi trả thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế chiếm khoảng 15% số người bệnh và tăng dần trong những năm tiếp theo, phấn đấu đạt 70% số người bệnh điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua bảo hiểm y tế vào năm 2020. Đây là chủ trương quan trọng nhằm ứng phó kịp thời để duy trì và tăng số người nhiễm HIV được điều trị, chăm sóc sau khi hết các nguồn tài trợ quốc tế nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV được tiếp cận khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn khám chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS. 

Theo Thông tư này, ngoài các quy định chung áp dụng đối với người tham gia bảo hiểm y tế, một số quy định được bổ sung góp phần giảm thiểu những tác động của việc phân biệt đối xử hoặc bộc lộ thông tin liên quan đến người nhiễm HIV mà vẫn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh về HIV/AIDS. 

Cụ thể, về việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến xã, tuyến huyện mà không phân biệt địa giới hành chính phù hợp với nơi làm việc, cư trú.

Trường hợp có nhu cầu, người tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS trong địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện.

Người tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV đang khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có điều trị bằng thuốc ARV khi có nhu cầu thì tiếp tục được khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS tại cơ sở đó để bảo đảm thuận lợi trong tiếp cận điều trị, duy trì sự ổn định và hiệu quả trong công tác quản lý, chăm sóc, điều trị và phòng chống HIV/AIDS.

Người tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV được thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu vào đầu mỗi quý theo hướng dẫn của tổ chức Bảo hiểm Xã hội nơi phát hành thẻ bảo hiểm y tế. Như vậy, trường hợp khi tham gia nếu cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không phù hợp, người bệnh sẽ được quyền chuyển cơ sở khám chữa bệnh ban đầu phù hợp đối với người bệnh.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống HIV/AIDS, những hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết về việc một người bị nhiễm HIV mà chưa được sự đồng ý của người đó thì bị nghiêm cấm. Cũng theo quy định tại Điều 30 của Luật phòng, chống HIV/AIDS, kết quả xét nghiệm HIV dương tính chỉ được thông báo cho người có trách nhiệm chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế. 

Như vậy, việc bảo mật thông tin về quá trình khám chữa bệnh HIV/AIDS đã được quy định, trường hợp cá nhân, tổ chức bao gồm cả người làm việc tại cơ sở y tế, cơ quan bảo hiểm y tế nếu vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do đó, những người nguy cơ cao nhiễm HIV hãy yên tâm tham gia xét nghiệm tự nguyện để có thể sớm tiếp cận điều trị, và sử dụng bảo hiểm y tế để được hưởng những quyền lợi khi tham gia điều trị HIV.
Top